Bàn về yếu tố lỗi dẫn đến đổ vỡ hôn nhân trong án Ly hôn.

|  BÀN VỀ YẾU TỐ LỖI TRONG LY HÔN - LUẬT SƯ CHUYÊN TƯ VẤN VỀ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH.

Mục đích cốt lõi của hôn nhân là xây dựng một gia đình hạnh phúc, bền vững. . Bất cứ một cuộc hôn nhân nào, nếu không đạt được mục đích đó thì việc duy trì nó là không cần thiết và vợ chồng có thể được ly hôn.

Theo khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Chế định ly hôn quy định trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có nhiều điểm mới so với Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 như quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, căn cứ ly hôn, quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con sau ly hôn, giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

Luật hôn nhân và gia đình quy định căn cứ cho ly hôn và trong quy định thuận tình ly hôn và ly hôn theo yêu cầu của một bên . “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn”. (Điều 55 luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Như vậy, trong trường hợp hai vợ chồng có yêu cầu thuận tình ly hôn, sự tự nguyện của hai vợ chồng khi yêu cầu chấm dứt hôn nhân là một căn cứ quyết định việc chấm dứt hôn nhân.

Tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Trong khi đó Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, tại Điều 89 về căn cứ cho ly hôn chỉ đề cập: Tòa án xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đính hôn nhân không đạt được thì Tòa án quyết định cho ly hôn. Như vậy, thấy được Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã bổ sung điểm mới khi cho chế định ly hôn là có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng.

Luật hiện hành đã đưa yếu tố lỗi để xem xét cho ly hôn. Đây là quan điểm tiến bộ, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã tiếp thu những quy định của một số nước trên thế giới khi có sự kết hợp giữa thực trạng của hôn nhân và yếu tố lỗi để giải quyết việc ly hôn và quy định khi phân chia tài sản.Cụ thể là theo Bộ Luật Dân sự Cộng hòa Pháp (Luật số 65-570 năm 1965), Điều 243 quy định: “Vợ hoặc chồng có thể xin ly hôn khi nêu ra toàn bộ những sự việc bắt nguồn từ bên vợ hoặc chồng làm cho cuộc sống chung không thể tiếp tục”. Theo quy định này, một bên vợ hoặc chồng làm đơn đến Toà án xin ly hôn trong đó có nêu lỗi của bên kia và nếu bên kia thừa nhận lỗi trước Toà thì Toà sẽ tuyên ly hôn và theo Điều 230 Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp quy định: “Nếu hai vợ chồng cùng xin ly hôn thì không phải nói rõ lý do”, trong trường hợp này, căn cứ cho ly hôn được xác định nếu việc ly hôn do một bên xin với lý do bên kia làm cho cuộc sống chung không thể tiếp tục và bên kia chấp nhận thì thẩm phán tuyên bố cho ly hôn mà không cần xem xét với yếu tố lỗi. Như vậy, trong trường hợp này ly hôn được giải quyết theo sự thoả thuận của đương sự. Điều đó cũng phù hợp với bản chất của hôn nhân khi pháp luật của Pháp coi hôn nhân là một hợp đồng như những hợp đồng dân sự khác. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự Pháp cũng có xét đến tình trạng hôn nhân trên thực tế của vợ chồng, Toà án sẽ xử cho ly hôn, nếu tính tình của một người đã thay đổi đến mức không thể sống chung được nữa và theo những dự đoán có lý nhất, không thể được khôi phục trong tương lai. Bên cạnh việc xác định về tình trạng đời sống chung tan vỡ, còn phải xét đến thời gian sống riêng biệt của hai vợ chồng, pháp luật quy định khoảng thời gian đó là 6 năm (Điều 237 Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp).

Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành đã bổ sung điểm mới khi cho ly hôn khi có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng. Như vậy, luật hiện hành quy định rất rõ “bạo lực gia đình” là căn cứ để giải quyết cho ly hôn. Qua thực tế giải quyết các vụ án ly hôn cho thấy số vụ ly hôn có hành vi ngược đãi, đánh đập chiếm tỉ lệ rất cao.Tình trạng bạo lực trong gia đình xảy ra do nhiều lý do khác nhau. Có trường hợp do cuộc sống vật chất quá khó khăn. Có trường hợp do ghen tuông, nghi ngờ một bên ngoại tình nên đã đánh đập nhau. Tệ cờ bạc, nghiện ngập cũng là lý do dẫn đến tình trạng vợ chồng đánh đập, ngược đãi nhau. Đa phần bạo lực trong gia đình dẫn đến tình trạng vợ chồng ly hôn, có trường hợp dẫn đến án mạng. Bên cạnh đó, đối với những vi phạm khác, những mâu thuẫn, xung đột, bất đồng trong đời sống vợ chồng... là lý do để ly hôn thì luật cũng quy định rõ ràng phải có cơ sở nhận định chung rằng tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì mới giải quyết cho ly hôn.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật HN&GĐ năm 2014 và điểm d khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016 về việc hướng dẫn thi hành một số qui định của Luật HN&GĐ năm 2014 thì tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỉ lệ tài sản mà vợ chồng được chia: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Chia đôi là nguyên tắc và sẽ “giữ vai trò chi phối” trong mối quan hệ với các yếu tố khác. Nhưng nếu có xuất hiện yếu tố khác: Chẳng hạn yếu tố công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung, hay yếu tố lỗi của một trong hai bên trong việc vì phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng thì sẽ ảnh hưởng đến việc chia tài sản chung của vợ chồng.

Như vậy, theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn đã có bổ sung yếu tố lỗi vào một trong những căn cứ trong phân chia tài sản chung giữa vợ chồng. Tuy nhiên, việc giải quyết chế độ tài sản vợ chồng vẫn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng thì Tòa án mới giải quyết theo quy định của Luật. Quy định này góp phần vào việc ổn định quan hệ hôn nhân và gia đình đồng thời bảo vệ quyền lợi của bên “bị hại” trong quan hệ hôn nhân và gia đình, mà phần lớn là phụ nữ.

Tuy nhiên, những lỗi trực tiếp dẫn đến ly hôn thì mới xem xét làm căn cứ chia tài sản chung. Vì vậy những lỗi không phải nguyên nhân trực tiếp sẽ không được xem xét, vô hình chung sẽ dẫn đến thiếu xót …
Qua đó, có thể thấy rằng việc đưa ra những nguyên nhân của hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được để cụ thể hóa căn cứ cho ly hôn “vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng” trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho Tòa án khi giải quyết việc ly hôn theo yêu cầu của một bên. Đây là một quy định rất tiến bộ mang ý nghĩa quan trọng nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền con người và bảo vệ quyền con người trong tiến trình hội nhập quốc tế. Điều này cũng tạo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật khi giải quyết việc ly hôn trong cả nước.

Hãng Luật Anh Bằng, trân trọng được gửi tới Quý Bạn đọc tham khảo*. Nếu có vấn đề pháp lý nào bận tâm, thắc mắc về Hôn nhân gia đình, Ly hôn, tranh chấp tài sản chung, quyền nuôi con...xin mời liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, trợ giúp. Điện thoại: 0243.7.673.930 * 0913 092 912 * 0982 69 29 12 - Ls Bằng.

Trân trọng./.

Hãng Luật Anh Bằng | Luật sư tư vấn | Hôn nhân gia đình | Thuận tình ly hôn | Đơn phương ly hôn | Chia tài sản | Quyền nuôi con 

Share

Đường dây tư vấn nóng của HÃNG LUẬT ANH BẰNG

0913. 092. 912 - 0982 69 29 12
0243. 7.675.594 - 0243. 7. 673.930
luatsuanhbang@gmail.com
P.905, tầng 9 tòa nhà CT4.5, Ngõ 6, phố Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam