Hãng Luật Anh Bằng. Thời hiệu, quy định về thời hiệu khởi kiện, yêu cầu

HÃNG LUẬT ANH BẰNG | THỜI HIỆU, CÁC QUY ĐỊNH VỀ THỜI HIỆU KHỞI KIỆN, YÊU CẦU  TÒA ÁN GIẢI QUYẾT VỤ ÁN, VIỆC DÂN SỰ.

1. Khái niệm thời hiệu.

Bộ luật Dân sự năm 2015 tại Điều 149 quy định:

Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.

Như vậy, thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định, các chủ thể tham gia vào quan hệ dân sự không thể thỏa thuận để kéo dài hoặc rút ngắn thời hạn này. Khi thời hiệu được xác định có thể xác định được thời hạn bắt đầu đến thời hạn kết thúc. Sau khi khoảng thời gian đó kết thúc thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể.

2. Thời hiệu được áp dụng khi nào?

Tại Khoản 2, Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc.

Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

Như vậy, nếu các bên không yêu cầu áp dụng thời hiệu thì Tòa án sẽ không đề cập đến vấn đề thời hiệu. Khi một bên yêu cầu áp dụng thời hiệu thì điều kiện đặt ra là yêu cầu này phải được đưa ra trước Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc. Tuy nhiên, Tòa án sẽ không áp dụng thời hiệu trong trường hợp người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu từ chối.

3. Các loại thời hiệu.

Căn cứ vào Điều 150 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có 4 loại thời hiệu bao gồm: thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự, thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

* Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự. Ở đây, thời hiệu là một sự kiện pháp lý làm phát sinh quyền dân sự cho chủ thể trong các trường hợp được pháp luật quy định cụ thể.

* Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ. Ở đây, người có nghĩa vụ dân sự thì sẽ được miễn trừ nghĩa vụ dân sự tương ứng với thời điểm kết thúc thời hạn. Khi một chủ thể tham gia và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự thì họ phải thực hiện nghĩa vụ trong thời hạn do pháp luật quy định.

* Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu các bên không yêu cầu áp dụng thời hiệu thì Tòa án sẽ không đề cập đến vấn đề thời hiệu.

* Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu. Trong quan hệ pháp luật dân sự, người có nghĩa vụ phải tự nguyện thực hiện nghĩa vụ đối với người có quyền. Khi người có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ thì nguời có quyền có thể yêu cầu Tòa án buộc họ phải thực hiện thông qua các biện pháp cưỡng chế phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Khi các quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác bảo vệ và chỉ được thực hiện trong thời hạn xác định.

- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tại Điều 184 chỉ quy định thời hiệu bao gồm 2 loại: thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

4. Cách tính thời hiệu.

Theo Điều 151 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“Thời hiệu là thời hạn do luật quy định và khoảng thời gian của thời hạn đó bao giờ cũng diễn ra liền nhau nên thời hiệu luôn được tính từ thời điểm bắt đầu đến thời điểm kết thúc của một khoảng thời gian liền nhau.

Như vậy, thời hiệu được xác định khi xác định được thời điểm bắt đầu cũng như thời điểm kết thúc. Ngày đầu tiên của thời hiệu sẽ là thời điểm bắt đầu của thời hiệu; ngày cuối cùng của thời hiệu sẽ là thời điểm kết thúc của thời hiệu. Cách tính thời hiệu phải tuân thủ theo luật quy định.

5. Các quy định về thời hiệu khởi kiện.

“Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện (Khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Khoản 1 Điều 154 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Thời hiệu khởi kiện có thể bị ngắt quãng khi xảy ra các sự kiện nhất định được pháp luật quy định. Vì vậy, trong khoảng thời gian này sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Tại Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể các sự kiện xảy ra không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự như sau:

- Có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu.

Theo Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phụ được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Ví dụ: lũ lụt, bệnh dịch, bạo động, chiến tranh,...

“Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự của mình”. Ví dụ: đi công tác đột xuất,...

- Người có quyền khởi kiện chưa thành niên, mất hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng chưa có người đại diện hợp pháp. Do vậy, pháp luật sẽ tạm dừng thời hiệu khởi kiện vì những người này không thể có khả năng tự yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Hiện nay, thời hiệu khởi hiện được quy định trong rất nhiều bộ luật, luật ở các lĩnh vực khác nhau như dân sự, hôn nhân và gia đình, tố tụng hành chính, kinh doanh, lao động,... Thời hiệu khởi kiện sẽ được quy định khác nhau dựa vào các trường hợp cụ thể như sau:

- Thời hiệu khởi kiện về giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015).

- Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 588 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Tuy nhiên, trong một số trường hợp do sự yêu cầu của chủ thể về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, tại Điều 155 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong những trường hợp sau đây:

- Yêu cầu bảo vệ quyền nhân dân không gắn với tài sản;

- Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan quy định khác;

- Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai;

- Trường hợp khác do Luật quy định.

Hãng Luật Anh Bằng trân trọng được gửi tới Quý Bạn đọc tham khảo * Nếu có bất kỳ vấn đề nào bận tâm, băn khoăn tới thời hiệu khởi kiện vụ án, yêu cầu vụ việc, khôi phục thời hiệu; xử lý trong trường hợp hết, không khôi phục được thời hiệu; trình tự, thủ tục, hồ sơ khởi kiện vụ án về dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh tế, hành chính..xin mời Quý vị liên hệ với Hãng Luật Anh Bằng để được tư vấn, trợ giúp kịp thời. Đường dây nóng: 0913 092 912 * 0982 69 29 12

Trân trọng.

〉〉 Hãng Luật Anh Bằng | Luật sư | Dân sự | Hôn nhân gia đình | Lao động | Kinh tế | Hành chính | Hình sự...

HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. since 2007 | VPGD: P. 905, Tòa nhà CT 4.5, ngõ 6, Phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội | Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 * E : luatsuanhbang@gmail.com | Hotline GĐ : 0913 092 912 - 0982 69 29 12 Luật sư Minh Bằng | Web: hangluatanhbang.vn

Share

Đường dây tư vấn nóng của HÃNG LUẬT ANH BẰNG

0913. 092. 912 - 0982 69 29 12
0243. 7.675.594 - 0243. 7. 673.930
luatsuanhbang@gmail.com
P.905, tầng 9 tòa nhà CT4.5, Ngõ 6, phố Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam