Ly hôn, Ly hôn có yếu tố nước ngoài - Giải quyết như thế nào ?

| LY HÔN, LY HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI. TƯ VẤN ĐƠN KIỆN, LUẬT SƯ BẢO VỆ TRANH CHẤP QUYỀN NUÔI CON, TÀI SẢN KHI LY HÔN.

Kết hôn là việc nam nữ xác định mối quan hệ vợ chồng với nhau theo qui định pháp luật, là khởi nguồn cho cuộc sống mới trong đời sống hôn nhân gia đình. Nhưng khi mục đích hôn nhân không đạt được, các nguyên tắc hôn nhân bị vi phạm và hai bên không thể duy trì đời sống vợ chồng thì ly hôn là giải pháp cuối, cùng nhau hướng tới mục tiêu chung là xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc cùng cho cả hai. Hiện nay, theo qui định tại khoản 1 điều 51 Luật hôn nhân gi a đình năm 2014 “vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”. Như vậy hiện nay có hai hình thức ly hôn là thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn. Đơn phương ly hôn là trường hợp chỉ một trong hai bên có nguyện vọng ly hôn, hoặc cả hai có nguyện vọng ly hôn nhưng có tranh chấp với nhau về tài sản và/hoặc con cái. Trong thực tiễn giải quyết các vụ án về đơn phương ly hôn thường gặp các trường hợp đơn phương ly hôn mà bị đơn đang ở nước ngoài hay có địa chỉ thường trú (theo đăng ký kết hôn) nhưng hiện tại không biết bị đơn đang cư trú, làm việc tại đâu? Làm thế nào có thể đơn phương ly hôn trong trường hợp này?


Căn cứ pháp lý:
- Luật hôn nhân gia đình 2014;
- Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015;
- Công văn 253/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 của TANDTC hướng dẫn về giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ;
- Nghị định 326/2016/UBTVQH14 Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí lệ phí tòa án.
- Các Nghị quyết hướng dẫn của HĐTP Tòa án nhân dân tối cao.

1, Xác định thẩm quyền giải quyết đơn phương ly hôn.
Theo quy định tại Điều 28 và Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì việc giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình hay yêu cầu về hôn nhân và gia đình đều thuộc thẩm quyền của Tòa án.

a, Thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp huyện.
Theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 35 BLTTDS 2015 thì: “Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này” thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Căn cứ vào Khoản 1, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ như sau:
Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.”
Tuy nhiên, trong trường hợp bị đơn không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam thì căn cứ vào điểm a khoản 1 điều 40 BLTTDS 2015 quy định rằng:
Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:
Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;

Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;”

Như vậy, Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn là Tòa án nhân dân huyện nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc. Nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc yêu cầu Tòa án nơi nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn thì nguyên đơn có quyền thực hiện thủ tục ly hôn tại nơi mình cư trú.

Đặc biệt, theo khoản 4 Điều 35: “Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam”

b, Thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Khoản 3, Điều 35 BLTTDS quy định : “Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 (tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình) và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện.”
Về thẩm quyền theo cấp Tòa án: căn cứ điều 36, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo cấp những vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài (có một bên ở nước ngoài hoặc tài sản ở nước ngoài) thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nhân dân cấp Tỉnh/thành phố giải quyết.

2, Xác định thẩm quyền giải quyết đơn phương ly hôn của Tòa án trong một số trường hợp.

2.1, Thẩm quyền giải quyết đơn phương ly hôn trong trường hợp không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn.
Trên thực tế không phải lúc nào nguyên đơn cũng biết địa chỉ cư trú của bị đơn mà khi trong cuộc sống hôn nhân có mâu thuẫn, tranh chấp nên vợ chồng không còn chung sống với nhau do đó một trong hai bỏ nơi cư trú hiện tại mà đi làm ăn, lập nghiệp ở nơi khác và không có thông tin liên lạc với gia đình.
Theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 35 BLTTDS 2015 trường hợp này thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện giải quyết.
Căn cứ vào điểm a khoản 1 điều 40 BLTTDS 2015 quy định rằng: “Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:
“ Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;”
Theo quy định tại điều 79 luật Tố tụng dân sự nguyên đơn có nghĩa vụ phải cung cấp chứng cứ để chứng minh được nơi cư trú cuối cùng của bị đơn. Để cơ quan xác nhận nơi cư trú cuối cùng của bị đơn, nguyên đơn phải thực hiện:
+ Chứng minh nơi cư trú theo quy định tại điều 52 Bộ luật Dân sự:
“ Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống;
Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo qui định tại khoản 1 điều này thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống”.
+ Liên hệ với công an xã, phường, thị trấn nơi chồng đang sinh sống đề nghị xác nhận việc người bị yêu cầu ly hôn có thường xuyên sinh sống, cư trú thực tế ở đó không; nếu công an xác nhận người bị yêu cầu ly hôn đang sinh sống tại địa bàn này thì người yêu cầu ly hôn gửi đơn ly hôn đến Tòa án quận/huyện nơi đó để yêu cầu giải quyết ly hôn;
+ Liên hệ với cơ quan, tổ chức hoặc cơ sở nơi người bị yêu cầu ly hôn đang làm việc để xác nhận người đó đang làm việc tại đây và gửi đơn đến Tòa án nơi cơ quan, tổ chức, cơ sở nơi người bị yêu cầu ly hôn đang làm việc giải quyết việc ly hôn.
+ Nếu ly hôn đơn phương có tranh chấp về tài sản thì có thể nộp đơn tại tòa án nơi bị đơn có tài sản để giải quyết. Cần đưa chứng cứ chứng minh được tại tài sản nơi tòa thụ lý là tài sản của bị đơn (tài sản này có thể là tài sản riêng của bị đơn hoặc là tài sản chung của bị đơn với người khác kể cả nguyên đơn).

2.2, Xác định thẩm quyền giải quyết đơn phương ly hôn trong trường hợp bị đơn cư trú ở nước ngoài.
Theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam.
Về thẩm quyền theo cấp, Điều 35, Điều 37 Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Theo Công văn 253/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 của TANDTC hướng dẫn về giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ. Trường hợp người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người Việt Nam ở nước ngoài và chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài, nếu thông qua thân nhân của bị đơn mà có căn cứ để xác định họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Tòa án thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung. Sau khi xét xử, Tòa án cần gửi ngay cho thân nhân của bị đơn bản sao bản án hoặc quyết định để những người này chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bị đơn cư trú cuối cùng và nơi thân nhân của bị đơn cư trú để đương sự có thể sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng.

3, Trình tự, thủ tục giải quyết đơn phương ly hôn.
Bước 1: Người xin ly hôn nộp Đơn xin ly hôn tại Tòa án quận/huyện, nơi người bị ly hôn đang cư trú hoặc làm việc (không nhất thiết phải là nơi đăng ký kết hôn hoặc nơi có hộ khẩu, mà phải là nơi người bị ly hôn đang cư trú thực tế); hoặc Tòa án tỉnh nếu có yếu tố nước ngoài không thuộc thẩm quyền tòa án huyện. Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Tòa án ghi biên nhận Đơn xin ly hôn và hẹn ngày nhận kết quả.
Bước 2: Người nộp đơn sẽ nhận thông báo nộp tiền tạm ứng án phí tại Tòa án và trong vòng 05 ngày phải liên hệ Chi cục thi hành án quận/huyện/ tỉnh để nộp tiền tạm ứng án phí. Hiện nay, án phí ly hôn là 300.000 đồng.
+ Trong trường hợp có tranh chấp về tài sản có giá trị trên 6.000.000 đồng thì đương sự còn phải nộp án phí yêu cầu chia tài sản, được tính dựa trên tỉ lệ phần trăm giá trị của tài sản có tranh chấp.
+ Cần lưu ý rằng khi ly hôn có yếu tố nước ngoài, nếu có thủ tục ủy thác tư pháp như tống đạt giấy tờ, tài liệu cho vợ hoặc chồng đang ở nước ngoài thì người nộp đơn phải có trách nhiệm nộp lệ phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài là 200.000 đồng/lần ủy thác.
Bước 3: Người đóng tiền tạm ứng án phí nộp lại biên lai đóng tiền cho Tòa án để Tòa thụ lý vụ án.
Bước 4: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi thụ lý vụ án, Tòa án sẽ thông báo cho người bị ly hôn biết về đơn khởi kiện ly hôn và triệu tập các bên lên Tòa làm bản tự khai về yêu cầu ly hôn.
Bước 5: Tòa án sẽ tiến hành mở phiên hòa giải về yêu cầu ly hôn.
- Nếu hòa giải thành, hai bên vợ chồng thống nhất đoàn tụ thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn có yếu tố nước ngoài của họ.
- Trong trường hợp hai vợ chồng không đoàn tụ nhưng thỏa thuận được với nhau về vấn đề ly hôn, nuôi con và chia tài sản, sau 7 ngày kể từ ngày Tòa án lập biên bản hòa giải thành mà các bên không thay đổi ý kiến thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự.
- Trong trường hợp hòa giải không thành, Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

4, Hồ sơ làm thủ tục ly hôn.
Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, bao gồm:
- Đơn yêu cầu đơn phương ly hôn;
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản gốc);
- Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu của vợ, chồng (bản sao có công chứng hoặc chứng thực);
- Sổ hộ khẩu của vợ, chồng (bản sao có công chứng, chứng thực);
- Giấy khai sinh của các con (bản sao có chứng thực – nếu có yêu cầu giải quyết);
- Những giấy tờ, tài liệu có liên quan về quyền sở hữu tài sản (nếu có yêu cầu phân chia tài sản)
- Hồ sơ tài liệu chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài (nếu có), với trường hợp bị đơn đang ở nước ngoài.
Trong trường hợp bạn không có đầy đủ hồ sơ giấy tờ thì có thể xin xác nhận hoặc trích lục tại UBND xã nơi bị đơn có hộ khẩu.
Hình thức nộp: Có thể nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính.

5, Thời gian giải quyết:
Thời hạn chuẩn bị xét xử: Từ 4 đến 6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
Thời hạn mở phiên tòa: Từ 1 đến 2 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Tuy nhiên việc giải quyết cũng có phần phụ thuộc vào sự hợp tác của các bên và nội dung giải quyết tranh chấp của hai bên.
Bài viết có giá trị tham khảo *

Trên đây là toàn bộ quy định của pháp luật hiện nay về vấn đề, thủ tục đơn phương ly hôn. Hi vọng những thông tin trên của Hãng Luật Anh Bằng cung cấp sẽ giúp ích cho Quý khách hàng và bạn đọc. Để được tư vấn nhiều hơn, Quý khách hàng có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn ly hôn qua Hotline tư vấn: 0913 092 912 - 0982 69 29 12: Ls Bằng hoặc gửi yêu cầu tới : Luatsuanhbang@gmail.com.
Trân trọng.
Hãng Luật Anh Bằng | Tư vấn HNGĐ | Ly hôn | Ly hôn có yếu tố nước ngoài | Quyền nuôi con | Chia tài sản | Tài sản riêng | Yếu tố lỗi

Share

Đường dây tư vấn nóng của HÃNG LUẬT ANH BẰNG

0913. 092. 912 - 0982 69 29 12
0243. 7.675.594 - 0243. 7. 673.930
luatsuanhbang@gmail.com
P.905, tầng 9 tòa nhà CT4.5, Ngõ 6, phố Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam