Quy định của pháp luật về Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp Dân sự, Kinh doanh thương mại, Lao động

NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THỜI HIỆU GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP DÂN SỰ, KINH DOANH THƯƠNG MẠI VÀ LAO ĐỘNG

Trong tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại, lao động bên bị xâm phạm có quyền đệ đơn kiện yêu cầu cơ quan tài phán giải quyết để bảo vệ cho quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của mình. Tuy vậy, quyền này pháp luật quy định một thời hạn (khoảng thời gian) nhất định để thực hiện quyền - đó là thời hiệu. Nếu quá thời hạn luật định thì mất đi quyền yêu cầu, tức là hết thời hiệu. Cho nên, việc nắm bắt được quy định của pháp luật về thời hiệu yêu cầu cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp là cấp thiết đối với cá nhân, tổ chức, hộ gia đình tham gia vào các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại, lao động.

I .KHÁI NIỆM CHUNG VỀ THỜI HIỆU.

Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. (Khoản 1 Điều 149 Bộ luật dân sự 2015).

Trong giao lưu dân sự chủ thể tham gia quan hệ dân sự được hưởng các quyền và phải thực hiện các nghĩa vụ dân sự. Sự ổn định các quan hệ dân sự là một trong những mục đích điều chỉnh của pháp luật dân sự.

Do vậy, pháp luật quy định một thời hạn nhất đinh cho sự phát sinh, tồn tại hay chấm dứt quyền nghĩa vụ dân sự, thời hạn này được gọi là thời hiệu. Thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện (Điều 150 BLDS).

Như vậy, Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

II. THỜI HIỆU GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP DÂN SỰ.

Căn cứ vào quy định tại điều 150 Bộ luật dân sự 2015(BLDS) thì thời hiệu được phân biệt làm ba loại: Thời hiệu hưởng quyền dân sự, Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện, Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

1. Thời hiệu hưởng quyền dân sự và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự.

Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự. (Khoản 1 Điều 150 BLDS quy định)

Ở đây, thời hiện là một sự kiện pháp lý làm phát sinh quyền dân sự cho chủ thể, nhưng không phải bất cứ quyền dân sự nào cũng có thể xác lập theo thời hiệu mà chỉ trong những trường hợp pháp luật quy định.

Ví dụ: Khoản 1 Điền 230 BLDS quy định thời hiệu làm phát sinh quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên là 01 năm.

Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó, thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ đó (khoản 2 Điều 150 BLDS).

Khác với thời hiệu hưởng quyền dân sự cho phép chủ thể hưởng quyền khi kết thúc thời hạn luật định, thì trong thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự, người có nghĩa vụ được miễn trừ nghĩa vụ tương ứng với thời điểm kết thúc thời hạn. Khi một chủ thể tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó (nghĩa vụ tồn tại độc lập với các trái vụ), thì họ phải thực hiện nghĩa vụ trong một thời hạn do pháp luật quy định. Nếu hết thời hiệu thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ chấm dứt.

Xuất phát từ đặc điểm của pháp luật về thời hiệu, từ đặc điểm của các quyền nhân thân không gắn với tài sản của cá nhân, tổ chức, pháp luật quy định thời hiệu hưởng quyền dân sự không được áp dụng đối với trường hợp chiếm hữu tài sản thuộc sở hữu toàn dân không có căn cứ pháp luật và các quyền nhân thân không gắn với tài sản.

2. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu

Trong quan hệ dân sự, người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đối với người có quyền. Người có quyền có thể yêu cầu Toà án buộc người có nghĩa vụ thực đúng nghĩa vụ của họ, thông qua các biện pháp cưỡng chế phù hợp với quy định của pháp luật. Quyền yêu cầu Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quy lợi ích hợp pháp của mình chỉ được thực hiện trong một thời hạn xác định khi các quyền này bị xâm phạm, hạn đó mà chủ thể không thực hiện quyền khởi kiện thì bị mất quyền khởi kiện.

Bộ luật dân sự không quy định thời hiệu khởi kiện chung cho các quan hệ dân sự mà chỉ xác định nguyên tắc chung nhất về thời hiệu khởi kiện. Bộ luật chỉ quy định thời hiệu khởi kiện cho từng trường hợp riêng biệt.

Ví dụ: Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yệu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm đối với động sản và ba mươi năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế (Điều 623 BLDS). Thời hiệu khởi kiện giao dịch dân sự vô hiệu là 2 năm (khoản 1 Điều 132 BLDS) và có những trường hợp thời hiệu khởi kiện không bị hạn chế như Khoản 3 Điều 132 BLDS).

3. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện được hiểu là những trường hợp mà trong đó quyền khởi kiện không phụ thuộc vào thời gian.

Tại Điều 155 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về các trường hợp không áp dụng thời hiệu như sau:

- Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.

- Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

- Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.

- Trường hợp khác do luật quy định.

Thứ nhất, yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản. Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân mà không thể chuyển giao cho người khác. Khi bị xâm phạm thì cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ bất kì lúc nào.

Quyền nhân thân bao gồm: quyền có họ tên; quyền xác định dân tộc; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể; quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, uy tín; quyền đối với bí mật đời tư, quyền kết hôn, quyền ly hôn; quyền có quốc tịch; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại, cư trú; quyền lao động; quyển tự do sáng tạo, quyền của tác giả đối với tác phẩm; quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp.

Thứ hai, yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu: Quyền sở hữu là quyền đối với tài sản và luôn tồn tại khi tài sản còn. Vì thế, không áp dụng thời hiệu đối với việc khởi kiện yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu. Tuy nhiên, nhằm ổn định các quan hệ dân sự và bảo đảm quyền, lợi ích cho người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai, pháp luật dân sự đã quy định về thời hiệu xác lập quyền sở hữu. Theo đó, yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu sẽ bị hạn chế nếu quyền sở hữu đã được xác lập theo thời hiệu. Điều này có nghĩa rằng trong trường hợp một người đã chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai đối với tài sản thì chủ sở hữu của tài sản chỉ có thể khởi kiện yêu cầu bảo về quyền sở hữu của mình nếu việc chiếm hữu của người kia chưa đủ 10 năm đối với động sản, chưa đủ 30 năm đối với bất động sản. Cụ thể theo Điều 236 Bộ luật dân sự 2015:

Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật

Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Thứ ba, tranh chấp về quyền sử dụng đất. Đối với những trường hợp tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì quyền khởi kiện không áp dụng thời hiệu.

Thứ tư, Các trường hợp khác do luật quy định. Đây là trường hợp mở vì Việt Nam tồn tại nhiều ngành luật khác nhau điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội khác nhau. Trong Bộ luật Dân sự, các quy định cũng chỉ mang tính chất nguyên tắc nền tảng, chung và cơ bản nhất cho các quan hệ được xây dựng trên cơ sở bình đẳng về địa vị pháp lý. Chính vì thế, phải có sự ghi nhận mở này để không tạo sự chồng chéo giữa Bộ luật Dân sự với các luật chuyên ngành khác.

4. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự bao giờ cũng là khoảng thời gian diễn ra liền nhau từ thời điểm bắt đầu đến thời điểm kết thúc. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó có thể có một khoảng thời gian không được tính vào thời hiệu.

Theo Điều 156 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 156. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

- Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

- Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;

- Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:

a) Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;

b) Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

Tóm lại, các khoản thời gian sau sẽ không được tính vào thời hiệu:

- Khoảng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng. Là khoảng thời gian làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

- Khoảng thời gian xảy ra trở ngại khách quan. Là khoảng thời gian do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.

- Khoảng thời gian chưa có người đại diện. Trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện thì khoảng thời gian đó không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

- Khoảng thời gian chưa có người đại diện khác thay thế. Trong trường hợp người đại diện của người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đã chết (cá nhân), chấm dứt tồn tại (pháp nhân) hoặc vì lý do chính đáng nên không thể tiếp tục đại diện mà chưa có người đại diện khác thay thế thì khoảng thời gian chưa có người đại diện khác thay thế không được tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

5. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự.

Về nguyên tắc, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra một trong sự kiện quy định tại Điều 157 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 157. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự

1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:

a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

b) Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

c) Các bên đã tự hòa giải với nhau.

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này.

III. THỜI HIỆU KHỞI KIỆN TRANH CHẤP TRONG KINH DOANH THƯƠNG MẠI.

Về tranh chấp kinh doanh thương mại, tính đến thời điểm hiện tại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có điều luật nào quy định cụ thể về khái niệm tranh chấp kinh doanh thương mại. Nhìn chung, các quan điểm thống nhất rằng Tranh chấp kinh doanh thương mại là sự bất đồng, mâu thuẫn, xung đột về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong quá trình hoạt động kinh doanh thương mại và vì mục đích lợi nhuận. Tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc tranh chấp dân sự được giải quyết theo quy định pháp luật tố tụng dân sự.

1. Phân loại tranh chấp trong kinh doanh thương mại.

Tại Điều 30, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định nhóm 05 tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, cụ thể:

(i) Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận như: mua bán hàng hóa; cung ứng dịch vụ; phân phối; đại diện địa lý…

(ii) Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

(iii) Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.

(iv) Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

(v) Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

2. Thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp kinh doanh thương mại.

Theo khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự 2015 có định nghĩa về thời hiệu khởi kiện. Theo đó, đối với các vụ án kinh doanh thương mại, thời hiệu khởi kiện sẽ là thời hạn mà pháp luật cho phép chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án kinh doanh thương mại bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Đối với các tranh chấp kinh doanh thương mại mà văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hiệu khởi kiện (được thực hiện theo yêu cầu của đương sự) thì áp dụng thời hiệu khởi kiện được xác định trong văn bản quy phạm pháp luật đó.

Thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm và được xác định như sau:

+ Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định thời hạn thực hiện, nếu hết thời hạn đó mà bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết hạn thực hiện nghĩa vụ là ngày xảy ra xâm phạm;

+ Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên không thoả thuận hoặc pháp luật không quy định thời hạn thực hiện, nhưng theo quy định của pháp luật các bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho nhau biết trước trong một thời gian hợp lý, nếu hết thời hạn đã được thông báo đó bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết thời hạn đã được thông báo là ngày xảy ra xâm phạm.

Căn cứ theo quy định tại điều 319 Luật thương mại năm 2005 quy định về thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp trong kinh doanh thương mại thì thời hiệu khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 của Luật này. Tức là, trừ trường hợp sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Tòa án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng thì thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

Bộ luật dân sự 2015, tại Điều 429 quy định thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Hướng dẫn 29/HD-VKSTC ngày 25/9/2020 về một số nội dung trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại. Theo đó, về thời hiệu khởi kiện, đối với các tranh chấp kinh doanh thương mại mà văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hiệu khởi kiện (được thực hiện theo yêu cầu của đương sự) thì áp dụng thời hiệu khởi kiện được xác định trong văn bản quy phạm pháp luật đó.

Cần lưu ý một số trường hợp áp dụng thời hiệu có tính đặc thù sau:

- Đối với tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thì thời hiệu khởi kiện thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, cụ thể: "Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là ba năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp". - Đối với yêu cầu hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần, Kiểm sát viên cần lưu ý thời hiệu khởi kiện thực hiện theo Điều 147 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cụ thể: "Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông...".

 - Đối với yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn thì áp dụng điểm d, khoản 8 Điều 50 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cụ thể: "Yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thành viên, nếu trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết đó không thực hiện đúng hoặc không phù hợp với quy định của Luật này và Điều lệ công ty".

IV. THỜI HIỆU KHỞI KIỆN TRANH CHẤP LAO ĐỘNG.

1. Định nghĩa tranh chấp lao động.

Căn cứ theo Bộ luật lao động 2012 quy định:

- Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động. Tranh chấp lao động cá nhân là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động trong mối quan hệ lao động.

- Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa tập thể người lao động với người sử dụng lao động phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác.

- Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là tranh chấp lao động phát sinh từ việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác trong quá trình thương lượng giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động

2. Các loại tranh chấp lao động.

Tranh chấp giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động.

Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Tranh chấp lao động tập thể với người sử dụng lao động.

Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.

3. Thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại.( Theo quy định tại khoản 3 Điều 190 Bộ luật Lao động 2019).

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại.( Theo quy định tại khoản 3 Điều 194 Bộ luật Lao động 2019)

Tuy nhiên, pháp luật lao động chưa có quy định về việc loại trừ thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu hòa giải, nên đã dẫn đến việc bên tranh chấp mất quyền yêu cầu hòa giải do một số tình huống bất khả kháng như ốm đau, bệnh tật, tai nạn, … Những trường hợp này lý ra họ được quyền không tính vào thời hiệu yêu cầu khởi kiện như quy định về thời hiệu yêu cầu khởi kiện khác trong tranh chấp dân sự.

Ngoài ra, thời hiệu yêu cầu giải quyết hoặc khởi kiện tranh chấp lao động là 1 năm, đồng thời lại quy định thủ tục hòa giải là bắt buộc trước khi các bên tranh chấp quyết định đưa ra Tòa án để giải quyết sẽ có thể dẫn đến việc các bên tranh chấp không đủ thời hạn đưa tranh chấp ra khởi kiện tại Tòa.

Trong khi đó, thời hiệu khởi kiện các tranh chấp dân sự khác thường là 2 năm mà tranh chấp lao động lại chỉ có thời hạn là 1 năm, rõ ràng quy định này có thể làm hạn chế quyền khởi kiện của các bên trong tranh chấp lao động.

Hãng Luật Anh Bằng trân trọng được gửi tới Quý Bạn đọc tham khảo *. Nếu có bất kỳ vấn đề pháp lỳ nào bận tâm xin mời liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, trợ giúp pháp lý kịp thời. Đường dây nóng tư vấn toàn quốc: 0243.7.675.594 (HC) | 0913092912 - 0982692912 (cả ngày Thứ 7, CN)

Trân trọng.

〉〉 Hãng Luật Anh Bằng | Luật sư tư vấn | Dân sự | HNGĐ | Kinh tế | Lao động | Hành chính | Tranh tụng | Đại diện ...

HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. Since 2007 | VPGD: P. 905, Tòa nhà CT 4.5, ngõ 6, Phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội | Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 * E : luatsuanhbang@gmail.com | Hotline GĐ : 0913 092 912 - 0982 69 29 12 Luật sư Minh Bằng | Web: hangluatanhbang.vn

Share

Đường dây tư vấn nóng của HÃNG LUẬT ANH BẰNG

0913. 092. 912 - 0982 69 29 12
0243. 7.675.594 - 0243. 7. 673.930
luatsuanhbang@gmail.com
P.905, tầng 9 tòa nhà CT4.5, Ngõ 6, phố Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam