Các quy định pháp luật mới nhất về thời hiệu.

CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT MỚI NHẤT VỀ THỜI HIỆU.

1. Thời hiệu là gì ?

Thời hiệu là khoảng thời gian thời gian do luật quy định được xác định từ thời điểm bắt đầu đên thời điểm kết thúc mà khi kết thúc khoảng thời gian đó thì phát sinh một hậu quả pháp lý nhất định đối với chủ thể. Hậu quả pháp lý của thời hiệu có thể là chủ thể được hưởng một quyền dân sự; được miễn việc thực hiện nghĩa vụ dân sự; mất quyền khởi kiện vụ án dân sự; mất quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Theo khoản 1 Điều 149 Bộ luật dân sự 2015:

“Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.”

Thời hiệu đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định các quan hệ dân sự. Nếu không quy định thời hiệu, mỗi chủ thể tham gia vào quan hộ dân sự luôn bị đe dọa bởi tranh chấp có thể xảy ra, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và đời sống của họ. Hơn nữa, các căn cứ phát sinh quan hệ dân sự do thời gian làm cho quá trình chứng minh phức tạp. Khi giải quyết các tranh chấp dân sự, Toà án cần phải tiến hành điều tra thu thập chứng cứ để xác định sự thật khách quan nên nếu thời gian đã qua đi quá lâu, quá trình thu thập chứng cứ khó bảo đảm chính xác.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

2. So sánh thời hạn và thời hiệu.

Thời hiệu và thời hạn là hai thuật ngữ pháp lýí hay bị nhầm lẫn với nhau nên việc phân biệt hai thuật ngữ này là khá quan trọng.

Tại Điệu 149 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về thời hiệu như sau:

“Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.”

Theo Điều 144 Bộ luật dân sự 2015:

“1. Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác.

2. Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra.”

Như vậy có thể thấy thời hiệu khác thời hạn ở những điểm cơ bản sau:

- Đơn vị tính:

Thời hạn: bất kỳ đơn vị nào (ngày, tháng, năm…) hoặc một sự kiện có thể xảy ra.

Thời hiệu: năm

- Điểm bắt đầu và kết thúc:

Thời hạn: Ngày bắt đầu của thời hạn không tính vào thời hạn

Thời hiệu: Ngày bắt đầu của thời hiệu có tính vào thời hiệu.

- Gia hạn:

Thời hạn: thời hạn đã hết có thể gia hạn, kéo dài thời hạn.

Thời hiệu: thời hiệu hết thì không được gia hạn, không được rút ngắn hoặc kéo dài

- Hậu quả pháp lí:

Thời hạn: chủ thể tham gia giao dịch dân sự đó phải gánh chịu hậu quả bất lợi nào đó.

Thời hiệu: không phải gánh chịu hậu quả pháp lý.

- Phân loại:

Thời hạn: Dựa vào chủ thể quy định có 3 loại: Thời hạn do luật định; Thời hạn thỏa thuận theo ý chí của các bên; Thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định khi xem xét, giải quyết các vụ việc cụ thể.

– Thời hiệu: Bao gồm 4 loại: Thời hiệu hưởng quyền dân sự; Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự; Thời hiệu khởi kiện; Thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự.

3. Thời hiệu hưởng quyền dân sự và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự.

Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự nhất định. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ là khi thời hạn đó kết thúc thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.

Trong Bộ luật Dân sự năm 2015, nhận diện thời hiệu hưởng quyền được ghi nhận tại khoản 1 Điều 150 và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ được ghi nhận tại khoản 2 Điều luật này. Tại Điều 151 của Bộ luật, nhà làm luật một lần nữa khẳng định việc hưởng quyền dân sự hay miễn trừ nghĩa vụ chỉ chính thức bắt đầu khi thời hiệu để hưởng quyền hoặc thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ kết thúc. Cụ thể: Nếu xem xét việc xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc, nhà làm luật quy định:

“…trường hợp gia cầm của một người bị thất lạc mà người khác bắt được người bắt được phải thông báo công khai để chủ sở hữu gia cầm biết mà nhận lại. Sau 01 tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì quyền sở hữu đối với gia cầm và hoa lợi do gia cầm sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia cầm" (Điều 232 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Nếu ông A bắt được 10 con gà đi lạc vào vườn nhà mình vào ngày 15/02/2020. Đến ngày 17/2/2020 ông A mới báo chính quyền địa phương cũng như làm thông báo công khai về việc ông bắt được 10 con gà đi lạc trong vườn nhà mình. Thời hiệu bắt đầu tính 01 tháng để xem xét xác lập quyền sở hữu cho ông A là ngày 17/02/2020. Theo điểm c khoản 1 Điều 146 Bộ luật Dân sự năm 2015, mặc dù tháng 2 có 29 ngày nhưng để tính 01 tháng thời hiệu thì ngày kết thúc thời hiệu là ngày 17/3/2020 và phải là thời điểm kết thúc ngày 17/3/2020 này. Như vậy, bước sang giây đầu tiên của ngày 18/3/2020, ông A chính thức được xác lập quyền sở hữu đối với 10 con gà đi lạc sang vườn nhà mình nếu như không có bất kỳ ai đến nhận hoặc người đến nhận là chủ sở hữu nhưng không chứng minh được mình là chủ sở hữu của 10 con gà này. Đồng thời, trong thời hạn 01 tháng này, ông A luôn có nghĩa vụ phải hoàn trả cả số gà và hoa lợi sinh từ 10 con gà này (nếu có) cho chủ sở hữu của số gà này. Nên khi hết thời hiệu nêu trên, ông A cũng miễn trừ thực hiện nghĩa vụ hoàn trả số gà cho chủ sở hữu trước của đàn gà.

Một trường hợp khác như, cha mẹ là người đại diện cho con chưa thành niên. Nghĩa vụ đại diện cho con chưa thành niên của cha mẹ sẽ liên tục từ lúc con sinh ra cho đến khi con kết thúc ngày sinh nhật lần thứ 18 của con. Khi sang ngày đầu tiên của tuổi 19 của con, cha mẹ được miễn trừ nghĩa vụ đại diện cho con chưa thành niên.

Điểm cần lưu ý, khi việc hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự được chuyển giao hợp pháp cho người khác thì vẫn được coi là liên tục trong thời hiệu hưởng quyền. Ví dụ như khi việc giám hộ đối với người chưa thành niên được chuyển giao cho người giám hộ mới thì nghĩa vụ của người giám hộ mới cũng chấm dứt khi người được giám hộ đã thành niên. Ví dụ khác như, ông A chiếm hữu con gia súc đi lạc và làm thông báo tìm chủ sở hữu. Thời gian ông A chiếm hữu được 03 tháng và sau đó ông chuyển giao việc chiếm hữu cho ông B vì cả nhà ông A di chuyển chỗ ở sang một khu vực khác. Ông A chuyển giao hoàn toàn các quyền cho ông B thì ông B cũng được xác lập quyền sở hữu sau khi đủ 06 tháng kể từ ngày ông A chiếm hữu hợp pháp đối với con gia súc đi lạc. Điều này đồng nghĩa, ông B chỉ cần thêm 03 tháng kể từ thời điểm ông A chuyển toàn bộ quyền chiếm hữu hợp pháp cho ông B là ông B đã được tính đủ 06 tháng thời hiệu xác lập hưởng quyền dân sự đối với con gia súc đi lạc theo quy định của luật.

Một nội dung nữa cần lưu ý đối với việc áp dụng thời hiệu hưởng quyền dân sự hoặc thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là luôn phải đảm bảo tính liên tục về mặt thời gian. Nguyên tắc này được ghi nhận với nội dung cơ bản là giữa thời điểm bắt đầu với thời điểm kết thúc thời hiệu thì không được phép gián đoạn dù cho là khoảng thời gian nhỏ nhất. Trường họp có gián đoạn thì thời hiệu này phải tính lại từ đấu. Các trường hợp được coi là gián đoạn được nhà làm luật ghi nhận cụ thể:

Một là, “có sự giải quyết bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với quyền, nghĩa vụ đang được áp dụng thời hiệu” (điểm a khoản 2 Điều 153 Bộ luật Dân sự năm 2015). Điển hình truờng hợp này có thể thấy thông qua ví dụ như sau. Khi đi thăm lúa ở đồng, A phát hiện ra một con trâu bị thất lạc. A dắt về nhà nuôi và thực hiện thủ tục thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi A cư trú theo đúng quy định của luật. Một tháng sau kể từ ngày Uỷ ban nhân dân cấp xã thông báo công khai thì B viết đơn đến để xin nhận lại trâu, đồng thời giữa A và B xảy ra tranh chấp vì A cho rằng đó không phải trâu của B. Tuy nhiên, tại buổi làm việc với Uỷ ban nhân dân cấp xã, B không đưa ra được bất cứ một bằng chứng gì chứng minh con trâu đó là của B nên không được công nhận. Sau đó, B khởi kiện ra tòa. Qua quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ việc, thu thập chứng cứ, tòa án ra bản án trong đó quyết định không công nhận con trâu thuộc sở hữu của B. Như vậy, trường hợp này thời hiệu xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc của A theo Điều 231 bị gián đoạn bởi có sự giải quyết bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Hai là, “quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu mà bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan tranh chấp và đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án” (điểm b khoản 2 Điều 153 Bộ luật Dân sự năm 2015). Ví dụ cho trường hợp này kể đến trường hợp A phát hiện ra tài sản không xác định ai là chủ sở hữu. A thực hiện việc thông báo và giao nộp cho ủy ban nhân dân cấp xã nơi gần nhất theo đúng quy định của luật (khoản 2 Điều 228 Bộ luật Dân sự năm 2015).Ủy ban nhân dân cấp xã đã thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau đó 2 tháng, có người đến nhận là chủ sở hữu tài sản. Vì cho rằng người đến nhận tài sản là mạo danh vì lòng tham nên người phát hiện tài sản đã kiện ra tòa. Dựa trên hồ sơ vụ việc, các chứng cứ mà người đến nhận cung cấp, tòa án công nhận quyền sở hữu của người đó và ra quyết định để Uỷ ban nhân dân cấp xã giao trả tài sản cho chủ sở hữu làm thất lạc tài sản.

Đối với trường hợp này, thời hiệu hưởng quyền sở hữu của người phát hiện bị gián đoạn do quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu mà bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan tranh chấp và đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

4. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu giải quyết vụ án dân sự được hiểu là một thời hạn với điểm bắt đầu và điểm kết thúc mà trong khoảng thời gian này, chủ thể có quyền khởi kiện ra Toà án để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự nhằm bảo vệ quyền, lợi ích họp pháp của mình hoặc của người thứ ba. Điểm đáng lưu ý là khi thời hạn này kết thúc, chủ thể cũng không còn quyền khởi kiện nữa. Trường hợp pháp luật quy định, nếu giao dịch dân sự do bị nhầm lẫn thì các chủ thể có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án tuyên giao dịch dân sự vô hiệu trong thời hạn là 02 năm kể từ ngày biết và nhận biết được mình bị nhầm lẫn.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được hiểu là thời hạn với điểm bắt đầu và điểm kết thúc mà trong khoảng thời gian này, chủ thể có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong các mối quan hệ dân sự. Khi hết thời hạn này thì chủ thể cũng mất quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự. Việc dân sự được hiểu là các chủ thể không có trah chấp nhưng yêu cầu Toà án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý nào đó. Ví dụ như, Điều 418 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định

“Người yêu cầu công nhận kết quả hoà giải thành ngoài Toà án phải gửi đơn đến Toà án trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày các bên đạt được thoả thuận hoà giải thành”.

Như vậy, thời hiệu yêu cầu công nhận hoà giải thành là 06 tháng kể từ ngày các bên đạt được thoả thuận hòa giải thành và nếu hết thời hạn này mà các bên không yêu cầu thì sẽ mất quyền yêu cầu.

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự đều bắt đấu tính thời hạn này kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm chỉ trừ trường hợp có quy định khác. Điểm đáng lưu ý, quy định của pháp luật dân sự hiện hành nhấn mạnh yếu tố “biết và phải biết” về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm so với quy định cũ là “tính từ ngày quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm” (Điều 159 Bộ luật Dân sự năm 2005). Sự thay đổi này hoàn toàn hợp lý vì việc ngày bị xâm phạm với ngày ý thức được quyền, lợi ích bị xâm phạm có thể khác biệt và quan trọng hơn cả là chủ thể có quyền phải ý thức, nhận thức về việc bị xâm phạm này. Thế nên, quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành phù hợp hơn và tạo điều kiện cho người có quyền khởi kiện hoặc quyền yêu cầu thực hiện tốt hơn quyền của mình.

5. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Mặc dù thời hiệu được ghi nhận có thể bắt nguồn từ tính hữu hạn của mọi sự vật, hiện tượng trong đời sống. Ttuy nhiên, có một số trường hợp mà không thể giới hạn về mặt thời gian, ít nhất cho đến khi hết một đời người - tức là lúc chấm dứt tư cách chủ thể cá nhân, để cho phép các chủ thể bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nhà làm luật không ghi nhận thời hiệu áp dụng đối với việc khởi kiện.

Cụ thể:

Một là, nhà làm luật không áp dụng thời hiệu nếu yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản. Quyền nhân thân không gắn với tài sản là các quyền gắn với giá trị nhân thân mà làm nên sự riêng biệt, làm nên tiếng nói, vị thế của một cá nhân trong cuộc đời. Hơn nữa, nhân thân không gắn với tài sản sẽ mãi mãi là những giá trị làm nên hình ảnh riêng của cá nhân kể cả trường họp cá nhân đó đã chết. Hơn nữa, con người thường có quan niệm: “để tiếng thơm cho đời” tức là kể cả sau khi chết, những giá trị còn lại của mỗi cá nhân đó vẫn cần được tôn trọng, bảo vệ. Chính vì thế, khi quyền nhân thân không gắn với tài sản của cá nhân bị xâm phạm thì pháp luật không áp dụng thời hiệu nên chính vì thế, nhiều cá nhân sau khi chết thì chính người thân thích của người này vẫn khởi kiện những đối tượng đã hoặc/và đang có hành vi xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân này.

Hai là, không áp dụng thời hiệu yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Khởi nguồn cho việc pháp luật ghi nhận này xuất phát từ việc ghi nhận quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với tài sản không bị giới hạn về mặt thời gian. Hơn nữa, bảo vệ quyền sở hữu tạo nền tảng, cơ sở để bảo hộ quyền thừa kế. Nói một cách khác, khi được ghi nhận quyền sở hữu đối với tài sản thì sau khi chủ sở hữu là cá nhân chết mới đặt ra việc chia thừa kế phần tài sản của người chết để lại. Chính vì thế, khi xâm phạm quyền sở hữu thì sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện là vì vậy.

Ba là, tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định về đất đai. Đất đai là tài sản lớn và thuộc sở hữu toàn dân. Nhà nước với tư cách là người đại diện cho toàn dân thực hiện quyền chủ sở hữu bằng cách giao quyền sử dụng đất cho các chủ thể trong xã hội. Quyền sử dụng đất là một bất động sản vô hình luôn gắn liền với đất đai và được coi là một loại tài sản có giá trị lớn đối với người dân Việt Nam. Đặc biệt, quyền sử dụng đất còn là nền tảng để mỗi cá nhân sống theo quan niệm truyền thông “an cư rồi mới lạc nghiệp”. Đất đai mà người dân Việt Nam sử dụng thường lâu dài, ổn định từ đời này truyền sang đời khác, thậm chí nhiều thế hệ sinh sống cùng nhau trên cùng một diện tích đất nhất định - đây cũng là nét đặc trưng của văn hoá Việt Nam. Chính vì vậy, các tranh chấp về quyền sử dụng đất cũng diễn ra tương đối phổ biến, thường xuyên và dai dẳng. Việc không quy định về thời hiệu trong giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất là hoàn toàn phù hợp với lòng dân cũng như truyền thống văn hoá dân tộc là vĩ lẽ đó.

Bốn là, các trường hợp khác do luật quy định không áp dụng thời hiệu. Đây là trường hợp mở vì Việt Nam tồn tại nhiều ngành luật khác nhau điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội khác nhau. Trong Bộ luật Dân sự, các quy định cũng chỉ mang tính chất nguyên tắc nền tảng, chung và cơ bản nhất cho các quan hệ được xây dựng trên cơ sở bình đẳng về địa vị pháp lý. Chính vì thế, phải có sự ghi nhận mở này để không tạo sự chồng chéo giữa Bộ luật Dân sự với các luật chuyên ngành khác.

6. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Cuộc sống với nhiều sự kiện xảy ra bất ngờ, nằm ngoài khả năng kiểm soát, phán đoán hoặc nhận thức của con người. Vì lý do này nên bản thân những người xây dựng luật phải dự liệu các trường hợp mà khi xảy ra sự kiện này thì sẽ không tính khoảng thời gian đó vào trong thời hiệu. Việc xây dựng nguyên tắc này dựa trên hai lý do cơ bản: (i) Trước hết, ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích họp pháp cho mọi chủ thể, đặc biệt trong các trường họp mà người có quyền, lợi ích họp pháp không biết hoặc không thể bảo vệ quyền lợi của mình do yếu tố khách quan đem lại. (ii) Thứ hai, học thuyết chủ thể chỉ phải chịu trách nhiệm do hành vi sai trái, vi phạm pháp luật của mình gây ra còn các trường hợp mà chủ thể không có lỗi thì đương nhiên sẽ không phải chịu trách nhiệm. Chính vì thế, nhà làm luật phải loại bỏ các khoảng thời gian mà khi xảy ra sự kiện khách quan nhất định thì không được tính vào thời hiệu để chủ thể có quyền khởi kiện giải quyết vụ án dân sự hoặc quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự. Những trường hợp được ghi nhận gồm:

Thứ nhất, khoảng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

Sự kiện bất khả kháng được định nghĩa là “sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Các sự kiện chỉ là sự kiện bất khả kháng khi thoả mãn được ba yếu tố:

1. Sự kiện mang tính khách quan. Điều này đồng nghĩa là không lệ thuộc vào ý chí của các bên chủ thể;

2. Sự kiện xảy ra mà không thể lường trước được. Tức là, các chủ thể không thể nhận biết và không thể nhận biết đầy đủ hoặc nhận biết được việc sự kiện này có thể xảy ra trong thời gian thực hiện quan hệ pháp luật dân sự;

3. Khi xảy ra sự kiện thì đã không thể khắc phục được mặc dù áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Tóm lại, sự kiện khách quan này xảy ra nằm ngoài sự nhận thức và ứng phó của các chủ thể và làm cho các chủ thể không thể thực hiện việc khởi kiện yêu cầu giải quyết vụ án dân sự hoặc yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự được. Một số sự kiện bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bạo loạn, bão, lũ lụt, động đất... dẫn đến các chủ thể không thể thực hiện được việc khởi kiện hoặc yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự cho mình.

Trở ngại khách quan được hiểu là “những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình”. Như vậy, trở ngại khách quan thực tế là hậu quả của các yếu tố khách quan mà làm cho chính bản thân người có quyền, nghĩa vụ không nhận thức được về việc bị xâm phạm hoặc nhận thức được nhưng không thể thực hiện được quyền khởi kiện hoặc yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hoặc vụ việc dân sự của mình. Ví dụ như, sau khi xảy ra lũ lụt đã cuốn trôi đoạn đường kéo dài vài kilomet dẫn đến việc việc đi lại của người dân bị cô lập khi không có đường để đi ra. Nên mặc dù lũ lụt đã qua đi (sự kiện khách quan đã xảy ra) dẫn đến trở ngại khách quan (không có đường đi đi lại, lưu thông) nên dù chủ thể biết quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm nhưng bản thân không thể đi đến được Toà án thực hiện quyền của mình theo luật định.

Thứ hai, trường hợp chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền định nghĩa được luật hoá tại Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015. Người yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đây là các trường hợp đòi hỏi bắt buộc phải có người đại diện của cá nhân (cha mẹ hoặc người giám hộ). Riêng trường hợp người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì phạm vi đại diện được xác định ngay trong quyết định tuyên bố cá nhân này bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nên những giao dịch nằm trong những giao dịch bắt buộc phải có người đại diện thì phải đợi khi có người đại diện thì mới thực hiện. Thường trường hợp này chỉ xảy ra nếu chưa cử được người đại diện người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Khi không tính khoảng thời gian này vào thời hiệu thì sẽ bảo vệ được người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Thứ ba, trường hợp người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện thay thế trong trường họp:

1. Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;

2. Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được. Ví dụ như người đại diện không đảm bảo về mặt sức khoẻ để có thể thực hiện chức năng đại diện của mình.

7. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự.

Bản chất của bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện là khôi phục lại thời hiệu khởi kiện cho các chủ thể. Việc khôi phục thời hiệu này chỉ áp dụng đối với thời hiệu khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự. Như vậy, thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ và thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự sẽ không áp dụng bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Việc tính lại thời hiệu khởi hiện sẽ hướng đến bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích họp pháp cho các chủ thể. Các trường họp được tính lại thời hiệu khởi kiện bao gồm

Một là, bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện. Đây là trường hợp được hiểu, kể cả khi thời hiệu đã được tính kể từ thời điểm bên có quyền biết việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc cho đến khi thời hiệu khởi kiện đã hết, chỉ cần bên có nghĩa vụ thừa nhận nghĩa vụ của mình (dù một phần hay toàn bộ) với bên có quyền thì thời hiệu được tính mới cho nghĩa vụ được thừa nhận nêu trên. Việc thừa nhận nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ có thể được thể hiện theo nhiều hình thức khác nhau và quan trọng nhất là đủ căn cứ họp pháp để khẳng định sự thừa nhận nghĩa vụ của chủ thể này. Đặc biệt, bên có nghĩa vụ mới dừng lại ở việc thừa nhận, chưa thực hiện nghĩa vụ của mình.

Hai là, bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện. Điều này có sự khác biệt nhất định với trường hợp thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ ở chỗ, bên có nghĩa vụ không đưa ra sự thừa nhận nhưng lại thể hiện chấp nhận một phần nghĩa vụ thông qua việc thực hiện nghĩa vụ. Nói một cách khác, thông qua hành vi thực hiện một phần nghĩa vụ, bên có nghĩa vụ thừa nhận phần nghĩa vụ của mình nên thời hiệu được tính lại cho các bên.

Ba là, các bên đã tự hoà giải với nhau. Khi các bên tự hoà giải với nhau thì thời hiệu khởi kiện tính lại cho nghĩa vụ của các bên xác định trong kết quả hoà giải. Việc cho phép tính lại thời hiệu khởi kiện này dựa trên nguyên lý tôn trọng tự do thoả thuận, định đoạt của các bên chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự.

Hãng Luật Anh Bằng, trân trọng được gửi tới Quý Bạn đọc tham khảo*
Hãng Luật Anh Bằng (từ 2007), Chúng tôi hãng luật với nhiều năm kinh nghiệm, chuyên về tư vấn, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng trong lĩnh vực Dân sự, Đất đai, Hôn nhân gia đình, Thừa kế, Lao động, Lao động, Kinh doanh thương mại, Bồi thường, Hỗ trợ, Tái định cư...; Khiếu nại, Khởi kiện Quyết định hành chính, Hành vi hành chính về thu hồi đất, Bồi thường, Hỗ trợ, Tái định cư...Quý vị có vấn đề bận tâm, băn khoăn liên quan, xin mời liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, trợ giúp và thụ hưởng dịch vụ Luật sư chuyên nghiệp, trách nhiệm, tận tâm. Điện thoại: 0243.7.673.930 - 0243.7.675.594 (HC); 0913 092 912 - 0982 692912 (24/7)..
Trân trọng.

〉〉 Hãng Luật Anh Bằng | Luật sư | Chuyên sâu | Tận tâm | Trách nhiệm | Trung thành | Bảo vệ | Quyền lợi hợp pháp, chính đáng | Thân chủ | Dân sự | Đất đai | Nhà ở | Hôn nhân gia đình | Lao động | Hành chính | Kinh doanh thương mại | Khiếu kiện...

HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. since 2007 | VPGD: P. 905, Tòa nhà CT 4.5, ngõ 6, Phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội  | Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 * 0243. 7.647.459 | E : luatsuanhbang@gmail.com |  Hotline GĐ : 0913 092 912 - 0982 69 29 12 Luật sư Minh Bằng

Share

Đường dây tư vấn nóng của HÃNG LUẬT ANH BẰNG

0913. 092. 912 - 0982 69 29 12
0243. 7.675.594 - 0243. 7. 673.930
luatsuanhbang@gmail.com
P.905, tầng 9 tòa nhà CT4.5, Ngõ 6, phố Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam