Quy định về thời hiệu, đối tượng khởi kiện và thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính.

QUY ĐỊNH VỀ THỜI HIỆU, ĐỐI TƯỢNG KHỞI KIỆN VÀ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

Vụ án hành chính là vụ án phát sinh khi cá nhân, cơ quan tổ chức khởi kiện yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc,….. Cụ thể, tranh chấp ở đây là về tính hợp pháp của các quyết định hành chính và hành vi hành chính này theo quy định của pháp luật, các chủ thể khởi kiện lên Tòa án để yêu cầu xem xét tính hợp pháp của các quyết định hành chính, hành vi hành chính, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của mình. Vì vậy, cần nắm rõ các quy định về thời hiệu, đối tượng khởi kiện và thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.

1. Quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.

Theo Điều 116 Luật Tố tụng hành chính 2015 (bổ sung bởi khoản 7 Điều 2 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019), thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính được quy định như sau:

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:

01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước;

Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau:

01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.

Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính 2015 thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Các quy định của Bộ luật dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu được áp dụng trong tố tụng hành chính.

2. Đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính.

Pháp luật đã có quy định rất cụ thể và chi tiết về vấn đề đối tượng khởi kiện vụ án hành chính, cụ thể là theo quy định tại Điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2015 , quy định về đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính như sau:

- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây:

+ Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật;

+ Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng;

+ Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

- Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.

- Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

- Khiếu kiện danh sách cử tri.

Theo quy định này có thể hiểu các đối tượng khởi kiện vụ án hành chính bao gồm:

a/. Quyết định hành chính.

Các cơ quan có thẩm quyền có thể ban hành rất nhiều quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Các quyết định hành chính này bao gồm ba loại là quyết định chỉ đạo, quyết định quy phạm và quyết định cá biệt. Trong đó, quyết định hành chính cá biệt được coi là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Có thể hiểu quyết định hành chính cá biệt là văn bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cơ quan, tổ chức đó có thẩm quyền ban hành, áp dụng một lần với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Các cá nhân, tổ chức, cơ quan có quyền khởi kiện khi cho rằng quyết định hành chính cá biệt này xâm phạm đến quyền, lợi ích của mình.

b/. Hành vi hành chính.

Hành vi hành chính được hiểu là các hành vi của các cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện một nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. (khoản 3 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015).

Theo đó, có thể hiểu hành vi hành chính được coi là một dạng của quyết định hành chính. Nó có thể được thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động.

Các cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện hành vi hành chính khi cho rằng hành vi đó xâm phạm đến quyền, lợi ích của mình.

Tuy nhiên, không phải tất cả các quyết định hành chính và hành vi hành chính đều thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính, theo quy định trên có thể thấy ngoại trừ một số trường hợp như: đó là quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật hoặc quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng hoặc quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức

c/. Quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống.

Quyết định kỷ luật buộc thôi việc hiểu là các  là văn bản được thể hiện dưới hình thức quyết định của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính chỉ là những quyết định kỷ luật buộc thôi việc chỉ áp dụng đối với các công chức giữ chức vụ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống.

d/. Quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Theo quy định của pháp luật, có thể hiểu vụ việc cạnh tranh là các hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Khi xảy ra vụ việc cạnh tranh, các bên không có quyền khởi kiện vụ án hành chính.Thẩm quyền  xử lý vụ việc cạnh tranh là do Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh giải quyết hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh giải quyết đối. Kết quả của việc giải quyết vụ việc cạnh tranh là quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Các cá nhân, cơ quan, tổ chức chỉ có quyền khởi kiện vụ án hành chính về quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Nghĩa là, khi có quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nếu không đồng ý với quyết định các cá nhân, tổ chức, cơ quan có thể khiếu nại đối với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, kết quả của hoạt động giải quyết khiếu nại này là quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Khi các cá nhân, tổ chức, cơ quan này không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại đó thì mới được khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

đ/. Các cá nhân, tổ chức cơ quan có thể khởi kiện vụ án hành chính liên quan đến danh sách cử tri.

Theo quy định của pháp luật, có thể xác định danh sách cử tri có thể bị khởi kiện bao gồm: Danh sách cử tri bầu cử Đại biểu Quốc hội; Danh sách cử tri bầu cử Hội đồng nhân dân; Danh sách cử tri trưng cầu ý dân.

3. Thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính.

Thẩm quyền xét xử vụ án hành chính của Tòa án là việc giải quyết các tranh chấp hành chính giữa chủ thể quản lý hành chính Nhà nước với cá nhân, tổ chức được xác định theo cấp xét xử, trong phạm vi địa giới hành chính nhất định nhằm thực hiện việc xem xét, đánh giá đưa ra kết luận và định đoạt các vấn đề pháp lý của vụ án thông qua hoạt động xét xử.

a/. Về thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo loại việc.

Điều 30 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định về đối tượng xét xử vụ án hành chính gồm:

“1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây:

a) Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật;

b) Quyết định, hành vi cuả Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng;

c) Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

2. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.

3. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại và quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

4. Khiếu kiện danh sách cử tri”.

Việc sử dụng phương pháp loại trừ để quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc xác định quyền khởi kiện vụ án hành chính và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý hành chính. Điểm mới của Luật tố tụng hành chính 2015 là quy định rõ ràng hơn và bổ sung thêm trường hợp loại trừ về “áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng” là quy định phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khách quan.

Đối với thẩm quyền về loại việc có nhiều điểm mới, song cần được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng như: Việc giải thích quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật tố tụng hành chính cần được cụ thể hóa hơn nữa trong các văn bản hướng dẫn để đảm bảo việc xác định thẩm quyền của Tòa án một cách thống nhất, chính xác và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thụ lý, xét xử hành chính.

b/. Về thẩm quyền xét xử hành chính theo cấp và lãnh thổ.

Tòa hành chính ở nước ta được thành lập trong hệ thống Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án cấp huyện không tổ chức Tòa hành chính mà có các thẩm phán chuyên trách thực hiện việc xét xử án hành chính. Tòa hành chính ở nước ta tổ chức theo đơn vị hành chính - lãnh thổ và trùng với cơ quan hành chính về lãnh thổ và về cấp. Thẩm quyền này được quy định cụ thể tại Điều 31, 32 Luật tố tụng hành chính 2015.

* Tòa án nhân dân cấp huyện được giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các loại khiếu kiện sau đây:

 - Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;

- Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó;

- Khiếu kiện danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án”.

* Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định tại Điều 32 Luật tố tụng hành chính, theo đó Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án; khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án và của người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước đó; khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện…

Luật tố tụng hành chính 2015 quy định thẩm quyền giải quyết khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thì không thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp tỉnh. Việc quy định như vậy sẽ bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, độc lập và khách quan trong việc giải quyết các khiếu kiện hành chính.

c/. Về thẩm quyền của Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hành chính.

Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hành chính quy định tại Điều 193 Luật tố tụng hành chính 2015, theo đó “Hội đồng xét xử xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện, quyết định giải quyết khiếu nại và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan”. Việc quy định cụ thể thẩm quyền của Hội đồng xét xử đã tạo cơ sở để Hội đồng xét xử ra Bản án, quyết định cụ thể, rõ ràng  đảm bảo việc thi hành bản án, quyết định được thuận lợi và hiệu quả.

Điểm mới đáng ghi nhận trong việc quy định thẩm quyền ra phán quyết của hội đồng xét xử sơ thẩm là có thể kiến nghị sửa đổi, bổ sung, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Ngoài thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của các quyết định hành chính, hành vi hành chính, Tòa án nhân dân còn có thẩm quyền giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính. Đây là những thiệt hại thực tế do quyết định hành chính và hành vi hành chính gây ra.

Hãng Luật Anh Bằng trân trọng được gửi tới Quý Bạn đọc tham khảo *  Quý khách hàng, thân chủ có bất cứ vần đề nào quan tâm, bận tâm tới khiếu nại, khởi kiện hành chính liên quan đến Quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước cho rằng xâm phậm đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của mình, của cán nhân, tổ chức khác xin mời liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, trợ giúp. Đường dây nóng tư vấn pháp luật về khiếu, kiện hành chính toàn quốc: 0913 092 912 - 0982 692 912 * Email: luatsuanhbang@gmail.com

Trân trọng.

〉〉 Hãng Luật Anh Bằng | Luật sư | Dân sự | Đất đai | Hôn nhân gia đình | Hành chính | Lao động | Kinh tế | Hình sự

HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. since 2007 | VPGD: P. 905, Tòa nhà CT 4.5, ngõ 6, Phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội | Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 * E : luatsuanhbang@gmail.com | Hotline GĐ: 0913 092 912 - 0982 69 29 12 Ls Minh Bằng | Web: hangluatanhbang.vn

Share

Đường dây tư vấn nóng của HÃNG LUẬT ANH BẰNG

0913. 092. 912 - 0982 69 29 12
0243. 7.675.594 - 0243. 7. 673.930
luatsuanhbang@gmail.com
P.905, tầng 9 tòa nhà CT4.5, Ngõ 6, phố Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam