Quy định về Hợp đồng lao động thời vụ, Hợp đồng lao động dưới 3 tháng.

|  QUY ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG THỜI VỤ, HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG DƯỚI 3 THÁNG.

Nền kinh tế Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt từ khi tham gia các hiệp định thương mại tự do và sự đẩy mạnh cải cách chính sách thuận lợi nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân thì thị trường lao động của Việt Nam cũng ngày càng phát triển nhất là sự đa dạng các thành phần tham gia lao động đã làm phát sinh các loại hợp đồng mới. Trong số đó hợp đồng lao động thời vụ là một trong những loại hợp đồng được sử dụng ngày càng rộng rãi. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về loại hợp đồng này. Vậy hợp đồng thời vụ là gì? Được quy định như thế ? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi xin tư vấn các quy định về hợp đồng này.

1. Khái niệm hợp đồng thời vụ.

Hiện nay trong quy định của pháp luật lao động hiện hành không có quy định cụ thể về khái niệm hợp đồng lao động thời vụ mà chỉ có quy định chung về khái niệm hợp đồng lao động tại khoản 1 điều 13 Bộ luật lao động 2019 (có hiệu lực ngày 01/01/2021).

Trên cơ sở định nghĩa về từ “thời vụ”, và quy định về khái niệm hợp đồng lao động cùng với một số quy định tại Bộ luật lao động 2019 và tham khảo bộ luật lao động 2012 thì có thể hiểu một cách đơn giản về hợp đồng lao động thời vụ như: HĐLĐ thời vụ là sự thỏa thuận giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) về việc làm có trả lương theo mùa vụ hoặc công việc nhất định có tính chất không thường xuyên, có thời hạn dưới 12 tháng, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Về phân loại hợp đồng thì chỉ gồm hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn, như vậy dựa trên khái niệm về hợp đồng lao động thời vụ và cách phân loại hợp đồng theo khoản 1 Điều 20 Bộ luật lao động 2019 ta có thể xác định hợp đồng lao động thời vụ chính là hợp đồng xác định thời hạn.

2. Điều kiện để ký kết HĐLĐ.

Để biết được điều kiện để ký hợp đồng lao động theo thời vụ thì trước tiên phải xác định tính chất công việc người lao động tham gia là gì, nếu bản chất của công việc là theo thời vụ, tạm thời, dưới 12 tháng và không có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, thì sẽ ký kết hợp đồng lao động theo thời vụ.

3. Hình thức hợp đồng thời vụ.

Căn cứ theo Điều 14 Bộ luật lao động 2019 thì hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 2 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản.

Tuy nhiên đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng thì hai bên có thể giao kết bằng lời nói (Khoản 2 điều 12 Bộ Luật Lao động 2019).

Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động ( khoản 2 điều 18 Bộ Luật lao động 2019).

4. Nội dung hợp đồng lao động.

Hợp đồng lao động thời vụ, như đã phân tích được xác định là một trong những loại hợp đồng lao động, nên mặc dù pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong việc quy định các điều khoản trong hợp đồng lao động, nhưng về mặt nguyên tắc, hợp đồng lao động vẫn cần phải có những nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật (Điều 21 Bộ luật lao động 2019) như :
-  Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
-  Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
-  Công việc và địa điểm làm việc;
-  Thời hạn của hợp đồng lao động;
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
- Chế độ nâng bậc, nâng lương;
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

5. Các chính sách về Bảo hiểm xã hội.

Theo Điểm a, b khoản 1 điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, các đối tượng cần tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
Như vậy có thể thấy, người lao động thời vụ dù làm việc trong thời gian ngắn, từ đủ 1 tháng trở lên cũng cần phải tham gia vào việc đóng bảo hiển xã hội bắt buộc dựa vào quy định của Luật Bảo hiểm.

6. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
- Đối với người lao động:
Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 điều 35 Bộ luật lao động 2019 và người lao động cần phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời có thời hạn dưới 12 tháng ( điểm c khoản 1 Điều 35 BLLĐ 2019).
- Đối với người sử dụng lao động:
Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 36 BLLĐ 2019 và người sử dụng lao động cần phải báo cho người lao động trước ít nhất 03 ngày làm việc. Tuy nhiên đối với trường hợp: Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại điều 31 của bộ luật này và Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động mà không cần báo trước ( theo Khoản 2, khoản 3 điều 36 BLLĐ 2019).
Trân trọng được gửi tới Quý Bạn đọc tham khảo *

Chúng tôi, Hãng Luật Anh Bằng (từ năm 2007) tại Hà Nội. Chúng tôi tự hào là hãng luật có nhiều kinh nghiệm về tư vấn, thực hiện các dịch vụ pháp lý về lao động, Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), chế độ về thai sản, lao động; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động trong các tranh chấp về HĐLD, BHXH...với giới chủ - NSDLĐ. Mọi thắc mắc, bận tâm vui lòng liên hệ theo Đường dây nói tiếp nhận yêu cầu tư vấn, trợ giúp về LĐ, BHXH...: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 (HC); 0913 092 912 - 0982 69 29 12 (24/7).

Trân trọng !
Hãng Luật Anh Bằng | Luật sư chuyên tư vấn | Lao động | Tiền Lương | BHXH | BHYT | BHTN | Chế độ | Tranh chấp Lao động, BHXH...

Share

Đường dây tư vấn nóng của HÃNG LUẬT ANH BẰNG

0913. 092. 912 - 0982 69 29 12
0243. 7.675.594 - 0243. 7. 673.930
luatsuanhbang@gmail.com
P.905, tầng 9 tòa nhà CT4.5, Ngõ 6, phố Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam