Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, hợp đồng lao động.

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Tranh chấp lao động là gì ? : Khoản 1 điều 179 Bộ luật lao động 2019 quy định về tranh chấp lao động: “Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.”

Việc giải quyết tranh chấp lao động cần phải được thực hiện theo những nguyên tắc nhất định được quy định tại điều 180 Bộ luật lao động 2019. Để giải quyết tranh chấp lao động có rất nhiều phương thức: (i) giải quyết trnh chấp lao động thông qua thương lượng trực tiếp giữa các bên, (ii) giải quyết thông qua hòa giải, (iii) giải quyết theo thủ tục trọng tài và tòa án. Các bên có thể lựa chọn một trong số các phương thức nêu trên tùy vào mức độ phức tạp của mỗi tranh chấp lao động.

Cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động theo BLLĐ 2019 được quy định tại điều 187 đối với tranh chấp lao động cá nhân, điều 191 đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền và điều 196 đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Điều 187. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm: (1) Hòa giải viên lao động;(2) Hội đồng trọng tài lao động;(3) Tòa án nhân dân.

Điều 191. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền. (1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm: (a) Hòa giải viên lao động; (b) Hội đồng trọng tài lao động; (c) Tòa án nhân dân. (2) Tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.

Điều 195. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. (1) Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm: (a) Hòa giải viên lao động; (b) Hội đồng trọng tài lao động. (2) Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công. Về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo pháp luật Việt Nam sẽ được giải quyết theo cá nhân và tập thể cụ thể:

* Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

Cơ sở pháp lý theo Điều 188 của Bộ luật Lao động 2019 quy định cụ thể về trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân như sau:

Thứ nhất: Thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ một số tranh chấp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải: 

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan .Tại phiên họp hòa giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp hòa giải. Hòa giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các bên thương lượng để giải quyết tranh chấp.Trường hợp các bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.Trường hợp các bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Trường hợp các bên chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.Trường hợp phương án hòa giải không được chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành. Biên bản hòa giải không thành phải có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hòa giải viên lao động. Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải không thành phải được gửi cho các bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản.

Thứ hai: Giải quyết tranh chấp tại hội đồng trọng tài lao động.Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường họp: không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật lao động năm 2019 hoặc trường hợp hết thời hạn hòa giải quy định mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành theo quy định tại khoản 4 Điều 188. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi cho các bên, luật đã quy định cụ thể thời hạn giải quyết tranh chấp của hội đồng trọng tài, theo đó: (1) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 189 Bộ luật lao động năm 2019, ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp; (2) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban trọng tài lao động được thành lập, ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp. Trường hợp hết thời hạn 07 ngày theo quy định mà ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn 30 ngày quy định khoản 3 Điều 189 Bộ luật lao động năm 2019 mà ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu toà án giải quyết. Đồng thời, nếu một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu toà án giải quyết.

Thứ ba: Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại toà án. Trường họp tranh chấp không bắt buộc phải qua hoà giải; hết thời hạn hoà giải mà không tiến hành hoà giải; hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thoả thuận trong biên bản hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu hội đồng trọng tài lao động hoặc toà án giải quyết. Trường hợp các bên lựa chọn phương thức giải quyết tại hội đồng trọng tài thì trong thời gian hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp các bên không được đồng thời yêu cầu toà án giải quyết, chỉ trong trường họp ban trọng tài không được thành lập hoặc hết thời hạn giải quyết màkhông ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của ban hoà giải thì các bên có quyền yêu cầu toà án giải quyết. Đương nhiên, toà án chỉ thụ lý những vụ việc đúng thẩm quyền và đảm bảo yêu cầu về thời hiệu giải quyết. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Việc giải quyết tranh chấp tại toà án tuân theo quy định về trình tự, thủ tục tố tụng quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

* Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền: Tranh chấp về quyền là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động phát sinh. Tranh chấp lao động tập thể về quyền được giải quyết qua: hòa giải tại hòa giải viên lao động (Điều 192), hội đồng trọng tài lao động hoặc tòa án nhân dân (Điều 193). Thời hiệu yêu cầu giải quyết đối với yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm, hội đồng trọng tài là 09 tháng và tòa án là 01 năm.

Về trình tự, thủ tục tranh chấp lao động tập thể về quyền được giải quyết qua thủ tục: (1) hoà giải tại hoà giải viên lao động, (2) hội đồng trọng tài lao động hoặc giải quyết tại toà án nhân dân. Khác với tranh chấp lao động cá nhân có những trường hợp đặc biệt riêng để có thể bỏ qua bước giải quyết, ở tranh chấp lao động tập thể về quyền điều này không đặt ra, đồng nghĩa với việc để giải quyết được yêu cầu, mục đích của mình, các bên phải tuân thủ trình tự, thủ tục theo thứ tự các bước, các giai đoạn giải quyết.

Thứ nhất, hoà giải tại hoà giải viên lao động. Việc giải quyết thông qua thủ tục hoà giải của hoà giải viên lao động trước khi yêu cầu hội đồng trọng tài hay toà án giải quyết là bắt buộc đối với giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền.

Theo quy định tại Điều 192 Bộ luật lao động năm 2019 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp của hoà giải viên lao động bao gồm tất cả các tranh chấp lao động, trong đó có tranh chấp lao động tập thể về quyền. Thủ tục và nội dung giải quyết của hoà giải viên lao động với tranh chấp lao động tập thể về quyền tương tự như giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. Kết quả cũng là biên bản hoà giải thành nếu các bên thoả thuận được hoặc nhất trí với phương án hoà giải của hoà giải viên. Biên bản hoà giải không thành sẽ được lập trong trường hợp các bên không nhất trí với phương án hoà giải của hoà giải viên hoặc triệu tập họp lệ đến lần thứ hai mà một bên tranh chấp vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng. Đối với các tranh chấp về sự khác nhau trong hiểu và thực hiện quy định pháp luật hoặc người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử, thao túng tổ chức đại diện người lao động (điểm b, c khoản 2 Điều 179 Bộ luật lao động năm 2019) mà xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì hoà giải viên lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.

Thứ hai, giải quyết tại hội đồng trọng tài lao động hoặc toà án.Trong trường hợp hai bên hanh chấp lao động tập thể về quyền tiến hành hoà giải tại hoà giải viên lao động không thành hoặc hoà giải thành nhưng một bên không thực thi biên bản hoà giải hoặc hết hạn giải quyết theo quy định mà hoà giải viên lao động không giải quyết vụ việc thì hai bên có thể thoả thuận yêu cầu hội đồng trọng tài lao động giải quyết những tranh chấp, một trong hai bên hoặc cả hai bên được yêu cầu toà án giải quyết tranh chấp.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết, ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập ban trọng tài phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửỉ cho các bên tranh chấp. Trường hợp phát hiện ra tranh chấp có hành vi vi phạm pháp luật thì không ra quyết định giải quyết mà lập biên bản, chuyển hồ sơ, tài liệu tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định pháp luật. Đương nhiên trong thời gian giải quyết theo thủ tục trọng tài, các bên không được đồng thời yêu cầu toà án giải quyết tranh chấp (Điều 192, Điều l93 Bộ luật lao động năm 2019; Điều 193 Bộ luật lao động năm 2019).

* Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích:

Đây là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động bao gồm: tranh chấp lao động phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể hoặc khi một bên từ chối hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn luật định. Trình tự thủ tục được quy định tại điều 196, điều 197 Bộ luật lao động 2019:

Thứ nhất, hoà giải tại hoà giải viên lao động. Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích tại hoà giải viên lao động tương tự như thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tập thể về quyền. Kết quả của bước hoà giải này là biên bản hoà giải thành hoặc biên bản hoà giải không thành. Trường hợp hoà giải thành, biên bản hoà giải thành có giá trị pháp lý như thoả ước lao động tập thể tại doanh nghiệp ( Khoản 2 Điều 196 Bộ luật lao động năm 2019). Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc hết thời hạn hoà giải mà hoà giải viên không tiến hành hoà giải hoặc một trong hai bên không thực hiện thoả thuận trong biên bản hoà giải thành thì có quyền lựa chọn phương thức yêu cầu hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tổ chức đại diện người lao động tiến hành đình công ( Khoản 3 Điều 196 Bộ luật lao động năm 2019).

Thứ hai, giải quyết tranh chấp tại hội đồng trọng tài lao động.Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của hội đồng trọng tài lao động được quy định tại Điều 196 và Điều 197 Bộ luật lao động năm 2019. Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu hội đồng trọng tài giải quyết, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp ban trọng tài lao động phải được thành lập và trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập, ban trọng tài phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên. Khi lựa chọn phương thức giải quyết qua hội đồng trọng tài, tổ chức đại diện người lao động không được tiến hành đình công trong thời gian hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp.

Trong trường hợp hết thời hạn quy định mà ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc không ra quyết định về vụ việc trong thời hạn luật định hoặc người sử dụng lao động không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của ban trọng tài, thì tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp có quyền tiến hành thủ tục đình công.

Nhìn chung, tuân theo nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động thì các tranh chấp lao động trước khi yêu cầu hội đồng trọng tài lao động và toà án giải quyết đều phải giải quyết thông qua hoà giải tại hoà giải viên lao động. Tuy nhiên, đối với một số loại tranh chấp lao động cá nhân nhất định có ảnh hưởng trực tiếp, xâm hại nghiêm tượng đến quyền và lợi ích của người lao động, cần giải quyết dứt điểm hay do đặc thù riêng của tranh chấp thì không bắt buộc phải qua thủ tục hoà giải

Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động phát sinh trong một số trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 179 Bộ luật lao động năm 2019. Từ đó cho thấy, nội dung tranh chấp đều xoay quanh những vấn đề đã được quy định, đã được xác lập vì vậy việc giải quyết tranh chấp là có căn cứ pháp lý để đưa ra quyết định.

Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động, bao gồm: tranh chấp lao động phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể hoặc khi một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn luật định (Khoản 3 Điều 179 Bộ luật lao động năm 2019). Như vậy, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có nội dung gắn liền với việc thương lượng tập thể. Như vậy, cơ sở để giải quyết tranh chấp không phải là những nội dung đã được quy định hay thoả thuận. Do đó, phương thức thương lượng, hoà giải hay trọng tài đóng vai trò quyết định cho sự thành công của giải quyết loại tranh chấp này.

Hãng Luật Anh Bằng trân trọng được gửi tới Quý Bạn đọc tham khảo * Nếu có bất kỳ vấn đề nào bận tâm, băn khoăn tới lao động, hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn...; tranh chấp hợp đồng lao động, BHXH, chế độ trợ cấp...xin mời Quý vị liên hệ với Hãng Luật Anh Bằng để được tư vấn, trợ giúp kịp thời. Đường dây nóng: 0913 092 912 * 0982 69 29 12

Trân trọng.

〉〉 Hãng Luật Anh Bằng | Luật sư | Lao động | Hợp đồng lao động | BHXH | Chế độ trợ cấp | Tranh chấp lao động | Tranh tụng lao động...

HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. since 2007 | VPGD: P. 905, Tòa nhà CT 4.5, ngõ 6, Phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội | Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 * E : luatsuanhbang@gmail.com | Hotline GĐ: 0913 092 912 - 0982 69 29 12 Luật sư Minh Bằng | Web: hangluatanhbang.vn

Share

Đường dây tư vấn nóng của HÃNG LUẬT ANH BẰNG

0913. 092. 912 - 0982 69 29 12
0243. 7.675.594 - 0243. 7. 673.930
luatsuanhbang@gmail.com
P.905, tầng 9 tòa nhà CT4.5, Ngõ 6, phố Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam