Như thế nào thì được coi là Quyền Sở hữu trí tuệ ?

|  NHƯ THẾ NÀO ĐƯỢC COI LÀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ ?

Khả năng sáng tạo của con người là vô hạn, theo đó tài sản trí tuệ của con người không ngừng tăng thêm theo thời gian. Do vậy, việc tạo ra một hành lang pháp lý bảo vệ loại tài sản vô hình này là một nhiệm vụ cấp thiết. Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có những quy định về quyền sở hữu trí tuệ trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi và bổ sung năm 2009.

Cụ thể:
Theo khoản 1 điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi và bổ sung năm 2009 quy định: “Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.”

Với quy định này thì quyền sở hữu trí tuệ bao gồm 3 nhóm quyền chính, đó là: nhóm quyền tác giả (bản quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả), nhóm sở hữu công nghiệp (quyền sở hữu công nghiệp) và giống cây trồng (quyền đối với giống cây trồng).

Theo đó thì Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.

Để bảo vệ các tài sản trí tuệ của mình thì các chủ sở hữu cần đăng ký bảo hộ. Tuy vậy, không phải tất cả các tài sản trí tuệ đều được pháp luật bảo hộ. Để được cấp văn bằng bảo hộ thì các tài sản trí phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Thứ nhất, đối với điều kiện để bảo hộ quyền tác giả:
Về chủ thể, căn cứ Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi và bổ sung năm 2009 thì chỉ những tác giả, chủ sở hữu sau đây có tác phẩm mới đủ điều kiện bảo hộ quyền tác giả:
- Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả (chủ sở hữu quyền tác giả được quy định từ Điều 37 - Điều 42 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi và bổ sung năm 2009).
- Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại khoản 1 Điều này gồm: Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại khoản 1 Điều này gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Về các loại hình được bảo hộ, căn cứ Điều 14 quy định về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm: Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; Tác phẩm báo chí; Tác phẩm âm nhạc; Tác phẩm sân khấu; Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh); Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng; Tác phẩm nhiếp ảnh; Tác phẩm kiến trúc; Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học; Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh. Tác phẩm được bảo hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
Ngoài ra, các tác phẩm không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả ở Điều 15 bao gồm: Tin tức thời sự thuần túy đưa tin; Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó; Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.

Thứ hai, về điều kiện chung bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Mỗi một đối tượng của quyền Sở hữu công nghiệp có những đặc thù và điệu kiện bảo hộ khác nhau.
Ví dụ về điều kiện bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp, căn cứ Điều 63, Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Có tính mới, Có tính sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp.
- Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
- Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
- Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

Thứ ba, về điều kiện bảo hộ đối với giống cây trồng: Căn cứ Điều 158, Giống cây trồng được bảo hộ là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, thuộc Danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp.
- Giống cây trồng được coi là có tính mới nếu vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó chưa được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 164 của Luật này hoặc người được phép của người đó bán hoặc phân phối bằng cách khác nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký một năm hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký sáu năm đối với giống cây trồng thuộc loài thân gỗ và cây nhỏ, bốn năm đối với giống cây trồng khác.
- Giống cây trồng được coi là có tính khác biệt nếu có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn hoặc ngày ưu tiên nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên.
- Giống cây trồng được coi là có tính đồng nhất nếu có sự biểu hiện như nhau về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống.
- Giống cây trồng được coi là có tính ổn định nếu các tính trạng liên quan của giống cây trồng đó vẫn giữ được các biểu hiện như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống trong trường hợp nhân giống theo chu kỳ.
Ngoài ra, tên của giống cây trồng được coi là phù hợp nếu tên đó có khả năng dễ dàng phân biệt được với tên của các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi trong cùng một loài hoặc loài tương tự. Tên của giống cây trồng không được coi là phù hợp trong các trường hợp sau đây: Chỉ bao gồm các chữ số, trừ trường hợp chữ số liên quan đến đặc tính hoặc sự hình thành giống đó; Vi phạm đạo đức xã hội; Dễ gây hiểu nhầm về các đặc trưng, đặc tính của giống đó; Dễ gây hiểu nhầm về danh tính của tác giả; Trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày công bố đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng; Ảnh hưởng đến quyền đã có trước của tổ chức, cá nhân khác.

Có thể thấy, Luật sở hữu đã có những quy định rất cụ thể về điều kiện bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ cho các chủ sở hữu. Đây là những căn cứ pháp lý để các chủ sở hữu có thể bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.
Quyền sở hữu trí tuệ thuộc về sáng tạo trí óc con người và cần được đăng ký bảo hộ. Việc đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là rất cần thiết để chủ sở hữu được độc quyền sử dụng các tài sản trí tuệ của mình trên cơ sở được Pháp luật bảo vệ.

HÃNG LUẬT ANH BẰNG với đội ngũ Luật sư, chuyên gia dày dạn kinh nghiệm, làm việc trách nhiệm và tận tâm sẽ là một sự lựa chọn hoàn hảo để đưa ra các tham vấn, phương án, giải pháp tối ưu nhất cho khách hàng. Quý vị có bất kỳ vấn đề pháp lý bậm tâm nào về Sở hữu trí tuệ hãy liên hệ với chúng tôi để được các Luật sư với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn giải pháp tối ưu và thụ hưởng dịch vụ chuyên nghiệp, đẳng cấp và hoàn hảo. Điện thoại: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 (HC); Hotline 24/7: 0913 092 912 * 0982 69 2912 - Ls Bằng; 0906 222 161 Miss Hằng - Chuyên gia tư vấn SHTT.
Trân trọng.
〉〉 Hãng Luật Anh Bằng | Chuyên gia Sở hữu trí tuệ | Tư vấn | Đăng ký bảo hộ SHTT | Phản biện, Bảo vệ Đơn SHTT | Đại diện giải quyết tranh chấp SHTT...

Share

Đường dây tư vấn nóng của HÃNG LUẬT ANH BẰNG

0913. 092. 912 - 0982 69 29 12
0243. 7.675.594 - 0243. 7. 673.930
luatsuanhbang@gmail.com
P.905, tầng 9 tòa nhà CT4.5, Ngõ 6, phố Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam