QUY ĐỊNH VỀ CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐỐI TƯỢNG SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP.

QUY ĐỊNH VỀ CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐỐI TƯỢNG SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP.

Hotline tư vấn sở hữu trí tuệ: 0906222161 (Ms Hằng)

Chủ sở hữu có thể độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp trong thời hạn bảo hộ, theo đó, tổ chức, cá nhân khác muốn sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đang trong thời gian bảo hộ nhằm mục đích thương mại phải được chủ sở hữu công nghiệp cho phép (chuyển quyền sử dụng), thông thường dưới hình thức ký kết hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.

Theo Điều 141 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: “Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình”. Và cũng theo quy định tại điều này, việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản hay còn gọi là hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Về bản chất, chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chỉ chuyển giao quyền sử dụng. Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp vẫn là bên chuyển giao. Bên nhận chuyển giao chỉ có quyền sử dụng đối với đối tượng sở hữu công nghiệp.

Tuy nhiên trong việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có một số hạn chế quy định tại Điều 142 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 như sau:

  • Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tên thương mại không được chuyển giao.
  • Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.
  • Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.
  • Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá về việc hàng hoá đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.
  • Bên được chuyển quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền có nghĩa vụ sử dụng sáng chế như chủ sở hữu sáng chế theo quy định tại khoản 1 Điều 136 của Luật này.

Về các dạng hợp đồng, Theo Điều 143 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp gồm 3 dạng hợp đồng: Hợp đồng độc quyền, hợp đồng không độc quyền và hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thứ cấp. Cụ thể:

Hợp đồng độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó nếu được phép của bên được chuyển quyền;

Hợp đồng không độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không độc quyền với người khác;

Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thứ cấp là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó theo một hợp đồng khác.

Về nội dung của các hợp đồng nói trên, tại khoản 1 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây: Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền; Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng; Dạng hợp đồng; Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ; Thời hạn hợp đồng; Giá chuyển giao quyền sử dụng; Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.

Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là một hình thức khai thác quyền sở hữu công nghiệp, qua đó chủ sở hữu công nghiệp thu về một khoản phí chuyển quyền sử dụng hoặc lợi ích vật chất khác mà không phải trực tiếp sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Hình thức này đặc biệt thích hợp đối với những chủ sở hữu công nghiệp không hoạt động kinh doanh hoặc không có năng lực kinh doanh. Chuyển quyền sử dụng còn góp phần phổ biến công nghệ, nâng cao hiệu quả đầu tư nghiên cứu - triển khai, hạn chế độc quyền và thúc đẩy việc tạo ra công nghệ mới. Vì vậy, có thể nói rằng, chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đem lại lợi ích cho cả chủ sở hữu công nghiệp, người được chuyển quyền sử dụng và toàn xã hội nói chung.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc yêu cầu tư vấn về đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cũng như các vấn đề sở hữu trí tuệ khác hãy nhanh chóng liên hệ với Hãng luật Anh Bằng để được tư vấn giải pháp tối ưu và thụ hưởng dịch vụ chuyên nghiệp, đẳng cấp và hoàn hảo. Với đội ngũ Luật sư nhiều năm kinh nghiệm cùng với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, nhiệt tình và tận tâm sẽ là một sự lựa chọn hoàn hảo để đưa ra các tham vấn, phương án, giải pháp tối ưu nhất cho khách hàng. Hotline tư vấn Sở hữu trí tuệ: 0906222161 (Ms Hằng) - Hotline Giám đốc Hãng luật: 0913092912 (Ls. Bùi Minh Bằng)

Trân trọng./

Share

Đường dây tư vấn nóng của HÃNG LUẬT ANH BẰNG

0913. 092. 912 - 0982 69 29 12
0243. 7.675.594 - 0243. 7. 673.930
luatsuanhbang@gmail.com
P.905, tầng 9 tòa nhà CT4.5, Ngõ 6, phố Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam