Quy định về Điều kiện có Hiệu lực của Hợp đồng.

| QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG.

Từ xa xưa, con người đã biết trao đổi hàng hóa qua lại với nhau nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của mình. Khi nền văn minh ngày càng tiến bộ thì những trao đổi giao dịch đó càng tăng lên không chỉ dừng lại ở việc trao đổi hàng hóa. Chính vì vậy, sự ra đời của hợp đồng là nhu cầu thiết yếu và quan trọng đặc biệt là trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay.
Điều 385 Bộ luật dân sự 2015 đã quy định chung về khái niệm hợp đồng như sau:
“ Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Như vậy, về bản chất hợp đồng được hiểu đơn giản là sự thỏa thuận và trách nhiệm pháp lý ràng buộc giữa các bên thỏa thuận đó.
Vậy cần những điều kiện gì để hợp đồng có hiệu lực ?

Ảnh minh họa: Nguồn internet.

» Điều kiện về mặt hình thức.
Hợp đồng là một loại giao dịch dân sự do đó tại Điều 119 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
1, Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2, Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Dựa vào quy định trên có thể hiểu rằng hình thức của hợp đồng có thể bằng lời nói hoặc lập thành văn bản. Trong một số trường hợp cụ thể tùy loại hợp đồng pháp luật quy định cần phải công chứng, chứng thực thì phải công chứng chứng thực thì hợp đồng đó mới được coi là có hiệu lực.

» Điều kiện về mặt nội dung.
Về mặt nội dung, pháp luật cũng quy định rõ ràng về các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực như sau:
1, Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.” (Khoản 1 điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015)

Đầu tiên, về mặt chủ thể:
Chủ thể trong giao dịch dân sự phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch đó. Chủ thể có thể là cá nhân hoặc pháp nhân.
- Đối với cá nhân:
Năng lực pháp luật dân sự có từ khi sinh ra và chấm dứt khi người đó chết. Theo quy định tại điều 18 Bộ luật dân sự 2015 thì năng lực này không bị hạn chế trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. (Điều 19 Bộ luật dân sự năm 2015).
Theo như quy định này, có thể thấy tùy vào các hợp đồng giao dịch cụ thể mà cá nhân tham gia vào hợp đồng có những quy định cụ thể khác nhau. Ví dụ: Các giao dịch dân sự do người chưa đủ 16 tuổi thì bắt buộc phải do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, hoặc đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì có thể tự thực hiện các giao dịch trừ giao dịch liên quan đến bất động sản hoặc động sản phải đăng ký và một số giao dịch khác theo luật quy định.
Theo quy định thì người đại diện theo pháp luật của cá nhân thông thường là cha mẹ đối với con chưa thành niên, người giám hộ đối với người được giám hộ hoặc do tòa án chỉ định.
- Đối với pháp nhân:
Theo quy định tại điều 86 Bộ luật dân sự năm 2015 thì:
1, Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2, Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký.
3, Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.”

Như vậy, có thể hiểu đơn giản rằng, năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân cũng phát sinh khi pháp nhân sinh ra và chấm dứt khi pháp nhân đó chấm dứt hoạt động.
Pháp nhân khi thực hiện hợp đồng phải thông qua đại diện của pháp nhân. Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Nếu là người đại diện theo pháp luật thì người đó phải đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại điều 137 bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
1, Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:
a) Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;
b) Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;
c) Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
2, Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật này.”

Trong trường hợp đại diện theo ủy quyền của pháp nhân được quy định tại điều 138 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
1, Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2, Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
3, Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.”
Ngoài ra, đại diện theo ủy quyền chỉ được xác lập, thực hiện hợp đồng trong phạm vi được ủy quyền.

Thứ hai, về sự tự nguyện của các bên trong hợp đồng:
Một trong những điều kiện để hợp đồng dân sự có hiệu lực tiếp theo là sự tự nguyện của các bên tham gia. Tự nguyện xác lập, thực hiện hợp đồng là việc chủ thể tự mình quyết định là có tham gia hay không tham gia vào hợp đồng theo nguyện vọng của cá nhân mình, mà không chịu sự chi phối hay sự tác động, can thiệp chủ quan nào từ những người khác. Theo quan điểm của Toà án nhân dân tối cao thì “người tham gia giao dịch (hợp đồng) hoàn toàn tự nguyện được hiểu là: các bên tham gia giao dịch hoàn toàn tự do bày tỏ ý chí, nguyện vọng của mình, tự nguyện thoả thuận với nhau về các nội dung của giao dịch mà không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép từ phía bên kia hoặc của người khác; các bên tự nguyện thoả thuận các vấn đề nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình”.
Theo qui định của Bộ luật dân sự năm 2015, hợp đồng bị coi là được xác lập thiếu yếu tố tự nguyện nếu thuộc một trong năm trường hợp sau đây:
– Hợp đồng giả tạo (Điều 124):
Là hợp đồng được lập ra nhưng không phản ánh đúng bản chất của quan hệ đích thực giữa các bên, thể hiện ở việc các bên xác lập hợp đồng để che đậy một giao dịch khác hay một hành vi trái pháp luật của một hoặc các bên.
– Hợp đồng được xác lập do nhầm lẫn (Điều 126):
Đó là việc một hoặc các bên hình dung sai về sự việc, chủ thể, đối tượng hoặc các nội dung của hợp đồng nên đã xác lập hợp đồng trái với ý nguyện đích thực của mình. Ví dụ: người mua bảo hiểm tưởng là khi mua bảo hiểm thì được hưởng tiền bảo hiểm trong mọi trường hợp có rủi ro, nhưng thực tế là điều khoản bảo hiểm đã có những loại trừ nên một số loại rủi ro sẽ không được bảo hiểm. Pháp luật Việt Nam chỉ chấp nhận hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn về nội dung của hợp đồng.
– Hợp đồng xác lập do bị lừa dối (Điều 127):
Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó. Biểu hiện của sự lừa dối là hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật khiến cho bên kia tin vào các thông tin đó mà xác lập hợp đồng bất lợi cho họ hoặc trái với nguyện vọng đích thực của họ.
– Hợp đồng xác lập bởi sự đe dọa (Điều 127):
Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình. Sự đe dọa thường được hiểu là việc một bên cố ý gây ra sự sợ hãi cho bên kia bằng hành vi bạo lực vật chất hoặc sự khủng bố tinh thần, làm bên kia tê liệt ý chí hoặc làm mất khả năng kháng cự nên đã xác lập hợp đồng trái với nguyện vọng đích thực của họ.
– Xác lập hợp đồng trong lúc không nhận thức, điều khiển được hành vi của mình (Điều 128):
Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Một người bình thường, vào thời điểm giao kết hợp đồng, đã ở trong tình trạng bị bệnh tâm thần, bệnh thần kinh tới mức không nhận thức, điều khiển được hành vi của mình hoặc đang sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích khác dẫn đến việc mất khả năng nhận thức tạm thời… thì được xem là không tự nguyện xác lập, giao kết hợp đồng.
Tự nguyện giao kết hợp đồng là điều kiện cơ bản để các bên xác lập quan hệ hợp đồng vì bản chất của hợp đồng vốn là sự thống nhất ý chí của các bên thông qua sự thỏa thuận tự do và tự nguyện. Do vậy, hợp đồng xác lập thiếu yếu tố tự nguyện thì đương nhiên vô hiệu (nếu được xác lập do giả tạo) hoặc có thể bị vô hiệu (trong các trường hợp còn lại).

Thứ ba, về mục đích và nội dung của hợp đồng:
Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì các giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì sẽ bị coi là vô hiệu.
Điều 123 quy định cụ thể:
“Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.”
Có thể hiểu rằng, nội dung và mục đích của hợp đồng không được trái luật và vi phạm điều cấm của xã hội.

Như vậy, để một hợp đồng có hiệu lực thì hợp đồng đó phải đáp ứng điều kiện cả về mặt nội dung và hình thức.
Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo.

HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. Since 2007. Chúng tôi,
hãng luật hàng đầu tại Hà nội với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn,cung ứng các dịch vụ pháp lý về thẩm định, soạn thảo các loại hợp đồng Dân sự, Kinh doanh thương mại, Lao động...; đàm phán, thương lượng điều khoản, ký kết Hợp đồng... HÃNG LUẬT ANH BẰNG luôn cẩn trọng, nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng nhu cầu của khách hàng để đưa ra các tham vấn, phương án, giải pháp tối ưu cho khách hàng. Triết lý hoạt động của chúng tôi là: Tạo lập, Nền tảng, Vững bền. Tạo lập một nền tảng pháp lý bền vững cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân. Quý vị có bất kỳ vấn đề pháp lý bậm tâm nào về Hợp đồng, tranh chấp Hợp đồng...xin mời hãy liên hệ với chúng tôi để được các Luật sư nhiều kinh nghiệm tư vấn giải pháp tối ưu và thụ hưởng dịch vụ chuyên nghiệp, đẳng cấp và hoàn hảo. Đường dây tiếp nhận yêu cầu: 0243.7.673.930 - 0243.7.675.594 (HC); Hotline: 0913 092 912 - 0982 69 29 12 Ls Bằng;
Trân trọng.
〉〉 Hãng Luật Anh Bằng | Luật sư | Dân sự | Đất đai | HNGĐ | Doanh nghiệp | Đầu tư | Sở hữu trí tuệ | Hành chính | Lao động | Hợp đồng

Share

Đường dây tư vấn nóng của HÃNG LUẬT ANH BẰNG

0913. 092. 912 - 0982 69 29 12
0243. 7.675.594 - 0243. 7. 673.930
luatsuanhbang@gmail.com
P.905, tầng 9 tòa nhà CT4.5, Ngõ 6, phố Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam