10 Luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 khóa XIV

10 Luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 khóa XIV

Tại kỳ họp Quốc hội thứ 9, Khóa XIV họp từ ngày 20/05/2020 đến ngày 19/06/2020, Quốc hội đã chính thức thông qua 10 Luật, 21 Nghị quyết.

Dưới đây, Hãng Luật Anh Bằng điểm qua 10 Luật vừa được Quốc hội thông qua như sau:

1. Luật giám định tư pháp sửa đổi 2020:

Luật giám định tư pháp sửa đổi 2020 được Quốc hội thông qua ngày 10/06/2020 được 449 đại biểu tán thành, tương đương 92,96% tổng số đại biểu Quốc hội. sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

2. Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020:

Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 được Quốc hội thông qua ngày 16/06/2020 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được ban hành nhằm thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đối thoại, góp phần hạn chế các vụ việc Tòa án phải đưa ra xét xử. Luật gồm 04 chương, 42 điều quy định về: nguyên tắc, chính sách của Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên khi thực hiện hòa giải, đối thoại, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại thành tại Tòa án….

3. Luật Thanh niên 2020:

Luật Thanh niên 2020 được Quốc hội thông qua ngày 16/06/2020

Luật gồm 07 chương, 41 điều quy định về chính sách của Nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình; với những quy định mới như: tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên; thiết lập cơ chế đối thoại giữa người đứng đầu Chính phủ, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị với thanh niên về các vấn đề liên quan đến thanh niên; quản lý nhà nước về thanh niên; thiết lập, làm rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức thanh niên, cơ sở giáo dục, gia đình đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên…

Luật Thanh niên có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

4. Luật Doanh nghiệp sửa đổi:

Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua ngày 17/06/2020 với 90,68% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Luật gồm 10 chương, 218 điều với nhiều nội dung mới như: sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước; sửa đổi quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% (Luật Doanh nghiệp năm 2014) xuống 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên có quyền tiếp cận thông tin về tình hình hoạt động của công ty và triệu tập họp đại hội đồng cổ đông; bổ sung trường hợp ngoại trừ đối với quy định bổ nhiệm thành viên Hội đồng thành viên không quá 2 nhiệm kỳ; quy định đối tượng tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự; bỏ thủ tục báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp, thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh; quy định chi tiết quyền, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán thuộc Hội đồng quản trị; làm rõ đối tượng được mua và chuyển nhượng trái phiếu…

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

5. Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi:

Luật này được Quốc hội thông qua ngày 17/06/2020, Trong đó đã bổ sung một số loại hình thiên tai, công trình phòng, chống thiên tai cho phù hợp với thực tế; quy định về việc được phép sử dụng bãi nổi, cù lao nơi chưa có công trình xây dựng; làm rõ nguồn nhân lực, nguồn ngân sách cho phòng, chống thiên tai; quy định rõ về Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương; bổ sung, mở rộng thẩm quyền vận động quyên góp để hỗ trợ, cứu trợ thiên tai đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; bổ sung quy định về vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng cho phòng, chống thiên tai...

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2021.

6. Luật Đầu tư

Luật đầu tư được Quốc hội thông qua ngày 17/06/2020

Luật gồm 7 chương, 79 điều với nhiều quy định mới như: phân định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng; bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; quy định có tính nguyên tắc về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; nguyên tắc, điều kiện áp dụng, chính sách ưu đãi đầu tư; ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt; việc chấp thuận chủ trương đầu tư và các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4...

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021, trừ quy định tại khoản 3 Điều 75 có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2020.

7. Luật xây dựng sửa đổi:

Luật xây dựng sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 17/06/2020 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.

Luật đã sửa đổi 65 nội dung của Luật Xây dựng năm 2014 và sửa đổi, bổ sung Điều 17 của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2019/QH14 về hình thức phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Trong đó đã quy định một số chính sách mới sau: phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng địa phương thay cho Bộ Xây dựng; cấp phép các công trình xây dựng cấp đặc biệt đã; quy định cụ thể điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, những loại công trình xây dựng được miễn giấy phép; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, chủ đầu tư, thúc đẩy các biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, trừ một số trường hợp cụ thể tại khoản 2 Điều 3 của Luật.

8. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi:

Luật này được Quốc hội thông qua ngày 18/06/2020, sửa đổi, bổ sung 67 Điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp, trong đó đã bổ sung một số quy định để tiếp tục khẳng định, làm rõ và sâu sắc hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc đưa hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội vào quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi một số quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương; sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm làm rõ và nâng cao hơn trách nhiệm của các cơ quan trong toàn bộ quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

9. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư:

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được Quốc hội thông qua vào ngày 18/06/2020 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) gồm 11 chương, 101 điều quy định về hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư; hoạt động quản lý nhà nước, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

10. Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi:

Luật Tổ chức Quốc hội được Quốc hội thông qua ngày 19/06/2020, được ban hành nhằm cụ thể hóa các quy định của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Trên đây là 10 Luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV được Hãng Luật Anh Bằng tổng hợp lại. Hy vọng bài biết có thể giúp Quý bạn đọc kịp thời cập nhật và tiếp cận pháp luật phù hợp.

Trân trọng.

 Hãng Luật Anh Bằng | Dân sự | Đất đai | HNGĐ | Doanh nghiệp | Đầu tư | Sở hữu trí tuệ | Lao động | Hành chính | Hình sự | Đại diện... 

Share

Đường dây tư vấn nóng của HÃNG LUẬT ANH BẰNG

0913. 092. 912 - 0982 69 29 12
0243. 7.675.594 - 0243. 7. 673.930
luatsuanhbang@gmail.com
P.905, tầng 9 tòa nhà CT4.5, Ngõ 6, phố Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam