Hóa đơn điện tử - Bước đi hướng tới Chính phủ số

HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ - BƯỚC ĐI HƯỚNG TỚI CHÍNH PHỦ SỐ

Ngày nay, với sự phát triển thần tốc của công nghệ, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế hiện đại. Chúng ta đang sống trong một “thời đại công nghệ”, “thời đại 4.0” với mọi hoạt động đời sống xã hội đều được áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến. Để phù hợp với xu thế, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp cải cách, sửa đổi, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, tạo tiền đề xây dựng một đất nước công nghệ số. Và quản lý thuế là một trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên áp dụng công nghệ.

Hóa đơn điện tử áp dụng trên cả nước?

Ngày 17/9/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế số 38 ngày 13/6/2019, Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Theo đó, từ ngày 01/7/2022 hóa đơn giấy sẽ không còn hiệu lực, thay vào đó là áp dụng hóa đơn điện tử trên cả nước. Thông tư cũng khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 01/7/2022.

Để triển khai thực hiện Thông tư 78/2021/TT-BTC,  Tổng Cục Thuế đã quyết định triển khai Hóa đơn điện tử qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 triển khai cho 6 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định; Giai đoạn 2 sẽ triển khai cho 57 tỉnh, thành phố còn lại. Thực tế, 6 tỉnh, thành phố triển khai Hóa đơn điện tử ở giai đoạn 1, các doanh nghiệp hầu hết đều đã sử dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư 32 trước đây.

Những điểm đáng chú ý về hóa đơn điện tử theo Thông tư 78

  1. Được ủy nhiệm cho bên thứ ba lập hóa đơn điện tử:

Tại Điều 3 Thông tư 78, người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được quyền ủy nhiệm cho bên thứ ba (là bên có quan hệ liên kết với người bán, là đối tượng đủ điều kiện sử dụng hoá đơn điện tử và không thuộc trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử) lập hóa đơn điện tử cho hoạt động bán hàng hoá, dịch vụ.

Việc ủy nhiệm phải được lập bằng văn bản (hợp đồng hoặc thỏa thuận) giữa bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm và thể hiện đầy đủ các thông tin theo quy định. Hóa đơn điện tử ủy nhiệm phải thể hiện tên, địa chỉ, mã số thuế của bên ủy nhiệm và tên, địa chỉ, mã số thuế của bên nhận ủy nhiệm và phải đúng thực tế phát sinh.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của bên ủy nhiệm và bên lập ủy nhiệm khi thực hiện việc ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử.

Như vậy, Hướng dẫn này đã cụ thể hóa Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về việc người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có thể ủy nhiệm bên thứ ba lập hóa đơn điện tử cho hoạt động bán hàng hoá, dịch vụ.

  1. Quy định về thời điểm lập hóa đơn đối với riêng dịch vụ ngân hàng:

Trường hợp cung cấp dịch vụ ngân hàng ngày lập hóa đơn thực hiện định kỳ theo hợp đồng giữa hai bên kèm bảng kê hoặc chứng từ khác có xác nhận của hai bên, nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ;

Trường hợp cung cấp dịch vụ ngân hàng với số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần có thời gian đối soát dữ liệu giữa ngân hàng và các bên thứ ba có liên quan (tổ chức thanh toán, tổ chức thẻ quốc tế hoặc các tổ chức khác), thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 10 của tháng sau tháng phát sinh.

  1. Xử lý hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế có sai sót:

Thông tư 78 quy định xử lý hóa đơn điện tử, bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế có sai sót trong một số trường hợp sau:

- Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải cấp lại mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử có sai sót cần xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế thì người bán được lựa chọn để thông báo việc điều chỉnh cho từng hóa đơn hoặc thông báo việc điều chỉnh cho nhiều hóa đơn điện tử có sai sót và gửi thông báo đến cơ quan thuế bất cứ thời gian nào nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của kỳ kê khai thuế giá trị gia tăng phát sinh hóa đơn điện tử điều chỉnh;

- Trường hợp người bán lập hóa đơn khi thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ sau đó có phát sinh việc hủy hoặc chấm dứt việc cung cấp dịch vụ thì người bán thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã lập và thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa;

- Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót và người bán đã xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế, sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì các lần xử lý tiếp theo người bán sẽ thực hiện theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu;

- Trường hợp theo quy định hóa đơn điện tử được lập không có ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn có sai sót thì người bán chỉ thực hiện điều chỉnh mà không thực hiện hủy hoặc thay thế;

- Riêng đối với nội dung về giá trị trên hóa đơn có sai sót thì: điều chỉnh tăng (ghi dấu dương), điều chỉnh giảm (ghi dấu âm) đúng với thực tế điều chỉnh.

  1. Quy định hóa đơn điện tử được tạo từ máy tính tiền:

Hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế đảm bảo nguyên tắc: Nhận biết được hóa đơn in từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế; Không bắt buộc có chữ ký số; Khoản chi mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn (hoặc sao chụp hóa đơn hoặc tra thông tin từ Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế về hóa đơn) được khởi tạo từ máy tính tiền được xác định là khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi xác định nghĩa vụ thuế.

Doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo mô hình kinh doanh (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống; nhà hàng; khách sạn; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác) được lựa chọn sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử có mã, hóa đơn điện tử không có mã.

Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế phải có các nội dung được quy định rõ tại Khoản 3 Điều 8 Thông tư 78.

  1. Từ ngày 01/7/2022, các Thông tư, Quyết định của Bộ Tài chính liên quan đến hóa đơn được ban hành trước đó sẽ hết hiệu lực thi hành.

Như vậy, với những điểm mới được hướng dẫn tại Thông tư số 78, ngành Thuế đã tổ chức xây dựng, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để nhanh chóng triển khai các giai đoạn, hoàn thiện chuyển đổi sang hóa đơn điện tử trước ngày 01/7/2022. Việc triển khai sử dụng hóa đơn điện tử ở 6 tỉnh, thành phố (giai đoạn 1) ở thời điểm hiện tại cũng đóng vai trò quan trọng đến việc triển khai thực hiện Hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước, tạo tiền đề, kinh nghiệm cho giai đoạn 2.

Có thể thấy, việc sử dụng hóa đơn điện tử trên cả nước sẽ giúp cơ quan thuế thuận tiện hơn trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động. Áp dụng hóa đơn điện tử góp phần khắc phục được tình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên), làm giả hóa đơn, tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh; giúp triển khai thương mại điện tử được hoàn thiện hơn từ đặt hàng trên mạng, giao hóa đơn điện tử qua mạng, thanh toán qua mạng… Đồng thời, triển khai hóa đơn điện tử là là giải pháp, bước tiến quan trọng trong công tác hiện đại hóa ngành thuế góp phần cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hướng tới Chính phủ số, đất nước công nghệ số.

Trân trọng.

 Hãng Luật Anh Bằng | Dân sự | Đất đai | HNGĐ | Doanh nghiệp | Đầu tư | Sở hữu trí tuệ | Lao động | Hành chính | Hình sự | Đại diện... 

Share

Đường dây tư vấn nóng của HÃNG LUẬT ANH BẰNG

0913. 092. 912 - 0982 69 29 12
0243. 7.675.594 - 0243. 7. 673.930
luatsuanhbang@gmail.com
P.905, tầng 9 tòa nhà CT4.5, Ngõ 6, phố Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam