Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Ngày 08/04/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử với nhiều điểm mới đáng chú ý sau:

Thứ nhất, Về đối tượng áp dụng, Nghị định này áp dụng với 06 đối tượng, bao gồm:

1. Các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính

  • Bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng cục và tương đương, cục, vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết thủ tục hành chính và tham gia vào quá trình giải quyết thủ tục hành chính;
  • Ủy ban nhân dân các cấp; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết thủ tục hành chính.
    Các cơ quan quy định tại điểm a, b khoản này sau đây được gọi tắt là cơ quan có thẩm quyền.

2. Cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này, sỹ quan, hạ sỹ quan quân đội, sỹ quan, hạ sỹ quan công an thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức).

3. Tổ chức, cá nhân có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và tổ chức, cá nhân khác có liên quan (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân).

4. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích; doanh nghiệp, cá nhân được thuê hoặc được ủy quyền thực hiện thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.

5. Ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán tham gia cung cấp dịch vụ thanh toán trên môi trường điện tử.

6. Khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ công khác áp dụng Nghị định này trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức, cá nhân.

Thứ hai, thay vì cấp bản sao bằng giấy như trước đây thì tới đây, tổ chức, cá nhân có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp bản sao điện tử theo 02 cách:

- Cấp bản sao điện tử từ sổ gốc;

- Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giấy tờ, tài liệu.

Với trường hợp cấp bản sao từ sổ gốc, cơ quan đang quản lý sổ gốc sẽ căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao điện tử có chữ ký số của cơ quan cho người yêu cầu. Bản sao này có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Với trường hợp chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, thủ tục được thực hiện như sau:

- Tổ chức, cá nhân xuất trình bản chính giấy tờ, tài liệu làm cơ sở để chứng thực bản sao;

- Người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính, chụp điện tử bản chính, nhận lời chứng chứng thực bản sao từ bản chính và thực hiện ký số của người chứng thực, cơ quan có thẩm quyền chứng thực và cập nhật vào sổ chứng thực.

Tương tự, bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính dạng văn bản giấy cũng có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 22/05/2020.

Trân trọng.

 Hãng Luật Anh Bằng | Dân sự | Đất đai | HNGĐ | Doanh nghiệp | Đầu tư | Sở hữu trí tuệ | Lao động | Hành chính | Hình sự | Đại diện... 

Share

Đường dây tư vấn nóng của HÃNG LUẬT ANH BẰNG

0913. 092. 912 - 0982 69 29 12
0243. 7.675.594 - 0243. 7. 673.930
luatsuanhbang@gmail.com
P.905, tầng 9 tòa nhà CT4.5, Ngõ 6, phố Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam