NGƯỜI DÂN ĐƯỢC QUAY PHIM CẢNH SÁT GIAO THÔNG LÀM NHIỆM VỤ.

|  NGƯỜI DÂN ĐƯỢC QUAY PHIM CẢNH SÁT GIAO THÔNG LÀM NHIỆM VỤ.

Ngày 26/11/2019, Bộ Công An ban hành Thông tư số 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc và nội dung thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bao gồm: Nội dung, hình thức công khai của Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Những việc tham gia ý kiến, hình thức tham gia ý kiến của nhân dân về hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Trách nhiệm của nhân dân, việc giám sát, hình thức giám sát công an nhân dân của nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Trong đó, điểm đáng chú ý và nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận là việc người dân được quay phim cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ.

Cụ thể, Tại Điều 10 của Thông tư, Bộ Công an quy định những việc nhân dân giám sát Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như sau:

"Điều 10. Những việc Nhân dân giám sát Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
1. Việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
2. Việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ.
3. Việc Nhân dân giám sát Công an nhân dân thực hiện các quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ"

Đồng thời, Bộ Công an quy định các hình thức giám sát của nhân dân tại Điều 11 của Thông tư, bao gồm 5 hình thức :
- Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.
- Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.
- Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ.
- Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
- Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

Ảnh: Báo tin tức

Như vậy, từ nay, để thực hiện quyền giám sát của mình, nhân dân có thể sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình (quay phim, chụp ảnh) công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tuy vậy, việc giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ;
b) Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông);
c) Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Thông tư bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/01/2020.

Trân trọng.

Hãng Luật Anh Bằng | Dân sự | Đất đai | HNGĐ | Doanh nghiệp | Đầu tư | Sở hữu trí tuệ | Lao động | Hành chính | Hình sự | Đại diện... 

Share

Đường dây tư vấn nóng của HÃNG LUẬT ANH BẰNG

0913. 092. 912 - 0982 69 29 12
0243. 7.675.594 - 0243. 7. 673.930
luatsuanhbang@gmail.com
P.905, tầng 9 tòa nhà CT4.5, Ngõ 6, phố Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam