Nhập quốc tịch Việt Nam cần những điều kiện gì?

NHẬP QUỐC TỊCH VIỆT NAM CẦN NHỮNG ĐIỀU KIỆN GÌ?

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hàng năm có đến hàng trăm hồ sơ xin nhập quốc tịch vào Việt Nam. Tuy nhiên, không phải hồ sơ nào cũng được phê duyệt bởi chưa đáp ứng được điều kiện mà pháp luật Việt Nam quy định.

Vậy, nhập quốc tịch Việt Nam cần những điều kiện gì và được quy định chi tiết như thế nào?
Dưới đây, Hãng Luật Anh Bằng điểm qua những quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam:

Theo Điều 19 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật quốc tịch năm 2014 quy định về điều kiện được nhập quóc tịch Việt Nam như sau:

Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
2. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;
3. Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam;
4. Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;
5. Có khả năng bảo đảm bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.

Điều kiện trên được quy định chi tiết tại Nghị định 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam, cụ thể:
- Điều kiện biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam là khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
- Người xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam phải là người đang thường trú tại Việt Nam và đã được Cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú.
Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp Thẻ thường trú.
- Khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.

Ảnh: Báo Dân sinh

Bên cạnh đó, Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện 3, 4, 5 (quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 19 Luật quốc tịch 2008), nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
- Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo đó, Nghị định 16/2020/NĐ-CP quy định chi tiết 2 trường hợp trên như sau:
1. Người có công lao đặc biệt đóng góp lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phải là người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó trên cơ sở hồ sơ, ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan và quy định của pháp luật chuyên ngành.
2. Người mà việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là người có tài năng thực sự vượt trội trong lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục, đã dành được giải thưởng quốc tế, huân chương, huy chương hoặc được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng nhận và cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về tài năng và có cơ sở cho thấy việc người được nhập quốc tịch Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển lĩnh vực nói trên của Việt Nam sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam.

Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định điều kiện xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời vẫn giữ quốc tịch cũ thì phải đáp ứng những điều kiện:
1. Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.
2. Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
3. Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.
4. Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng.
5. Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Như vậy, Nghị định 16/2020/NĐ-CP ban hành quy định tương đối chi tiết về các điều kiện nhập quốc tịch vào Việt Nam, điều này sẽ giúp người muốn nhập quốc tịch vào Việt Nam dễ dàng hơn trong quá trình chuẩn bị hồ sơ cũng như thuận tiện hơn trong công tác phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nghị định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 20/03/2020.

Trân trọng.

〉 Hãng Luật Anh Bằng | Dân sự | Đất đai | HNGĐ | Doanh nghiệp | Đầu tư | Sở hữu trí tuệ | Lao động | Hành chính | Hình sự | Đại diện... 

Share

Đường dây tư vấn nóng của HÃNG LUẬT ANH BẰNG

0913. 092. 912 - 0982 69 29 12
0243. 7.675.594 - 0243. 7. 673.930
luatsuanhbang@gmail.com
P.905, tầng 9 tòa nhà CT4.5, Ngõ 6, phố Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam