Những điểm mới đáng chú ý về Hộ tịch từ tháng 7/2020

7 ĐIỂM MỚI CỦA THÔNG TƯ 04/2020/TT-BTP VỀ HỘ TỊCH

Ngày 28/05/2020, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 16 tháng 7 năm 2020 thay thế cho Thông tư 15/2015/TT-BTP về hướng dẫn Luật hộ tịch năm 2014 và Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và thi hành Luật Hộ tịch năm 2014.

Cùng Hãng Luật Anh Bằng điểm qua một số điểm mới đáng chú ý của Thông tư này:

1. Về đăng kí khai sinh cho con mà bố mẹ không trực tiếp thực hiện được:

Theo Thông tư 15/2015/TT-BTP thì việc ủy quyền đăng kí hộ tịch là việc khai sinh cho trẻ em mà cha mẹ ủy quyền cho người khác đi khai sinh hộ, người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì phải có văn bản ủy quyền, văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người uỷ quyền.

Nhằm cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, Theo quy định mới tại Thông tư 04/2020/TT-BTP, trường hợp người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ em, nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về các nội dung khai sinh.

Như vậy, từ ngày 16/07/2020, việc bố mẹ ủy quyền cho ông, bà, người thân thích khác quy định tại khoản 1 điều 15 Luật hộ tịch đi đăng kí khai sinh cho con thì không cần văn bản ủy quyền của cha mẹ trẻ.

2. Người yêu cầu đăng kí hộ tịch có thể nộp bản chụp giấy tờ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc.

Theo Khoản 3 Điều 3 Thông tư 04 thì người đăng kí hộ tịch có thể nộp các giấy tờ sau:

- Bản sao được chứng thực từ bản chính

- Bản sao được cấp từ sổ gốc

- Bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ để đối chiếu.

Trường hợp người yêu cầu nộp bản chụp kèm theo bản chính thì người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra đối chiếu với bản chính sau đó trả lại bản chính cho người yêu cầu, không được yêu cầu nộp bản sao các loại giấy tờ đó.

3. Không được đặt tên con quá dài: 

Nội dung này được hướng dẫn tại Điều 6 của Thông tư, cụ thể:

- Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.

- Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ.

4. Cấp lại giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bị mất khi chưa đăng kí kết hôn

Trường hợp người yêu cầu cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn mà không nộp lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã được cấp trước đây (được giải quyết theo thủ tục sau)

- Người yêu cầu phải trình bày rõ lý do không nộp lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký hộ tịch có văn bản trao đổi với nơi dự định đăng ký kết hôn trước đây để xác minh.

- Trường hợp không xác minh được hoặc không nhận được kết quả xác minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho phép người yêu cầu lập văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư này. Cơ quan đăng kí phải giải thích rõ về việc cam đoan về trách nhiệm và hệ quả pháp lí nếu cam đoan không đúng sự thật.

5. Đơn giản hóa chứng cứ, chứng minh việc nhận cha, mẹ, con.

Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật Hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

- Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

- Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

Thông tư 04 đã bãi bỏ các nguồn chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con là thư từ, phim ảnh, vật dụng, đồ vật để giảm bớt thủ tục cho việc nhận cha, mẹ, con.

6. Bổ sung trường hợp con sinh ra trong thời kì hôn nhân nhưng không được thừa nhận là con chung.

Trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con thì do Tòa án nhân dân xác định theo quy định pháp luật.

Trường hợp Tòa án nhân dân từ chối giải quyết thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em chưa xác định được cha hoặc đăng ký nhận cha, con, hồ sơ phải có văn bản từ chối giải quyết của Tòa án và chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Thông tư này.

7. Bổ sung quy định về bổ sung hộ tịch và cải chính hộ tịch.

- Việc cải chính hộ tịch chỉ được giải quyết sau khi xác định có sai sót khi đăng ký hộ tịch; không cải chính nội dung trên giấy tờ hộ tịch đã được cấp hợp lệ nhằm hợp thức hóa thông tin trên hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác.

- Giấy tờ hộ tịch được cấp hợp lệ kể từ ngày 01/01/2016 mà thông tin hộ tịch còn thiếu thì được bổ sung, nếu có giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hợp lệ chứng minh.

- Trường hợp cá nhân đã được đăng ký khai sinh trước ngày 01/01/2016 nhưng Giấy khai sinh, Sổ đăng ký khai sinh không ghi ngày, tháng sinh thì được bổ sung ngày, tháng sinh theo Giấy chứng sinh hoặc văn bản xác nhận của cơ sở y tế nơi cá nhân sinh ra.

Trân trọng.

 Hãng Luật Anh Bằng | Dân sự | Đất đai | HNGĐ | Doanh nghiệp | Đầu tư | Sở hữu trí tuệ | Lao động | Hành chính | Hình sự | Đại diện... 

Share

Đường dây tư vấn nóng của HÃNG LUẬT ANH BẰNG

0913. 092. 912 - 0982 69 29 12
0243. 7.675.594 - 0243. 7. 673.930
luatsuanhbang@gmail.com
P.905, tầng 9 tòa nhà CT4.5, Ngõ 6, phố Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam