Tổng hợp 14 Án lệ được thông qua năm 2023

TỔNG HỢP 14 ÁN LỆ ĐƯỢC THÔNG QUA NĂM 2023.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành các Quyết định số 39/QĐ-CA ngày 24/02/2023, Quyết định số 364/QĐ-CA ngày 01/10/2023 về việc ban hành 14 Án lệ (Án lệ 57 - 70). Hãng Luật Anh Bằng xin được tổng hợp để Quý Bạn đọc quan tâm tham khảo.

1. Án lệ số 57/2023/AL về hành vi gian dối nhằm tiếp cận tài sản trong tội “Cướp giật tài sản”.

Nguồn án lệ:

Bản án hình sự phúc thẩm số 590/2020/HS-PT ngày 18/12/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Cướp giật tài sản” đối với bị cáo Nguyễn Thành Quốc B.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 4 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Bị cáo dùng thủ đoạn gian dối để người quản lý tài sản chuyển giao tài sản cho bị cáo, sau đó lợi dụng sơ hở để nhanh chóng tẩu thoát.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cướp giật tài sản”.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[2] Kháng nghị phúc thẩm số 46/QĐ-VKS-P7 ngày 25/9/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm trong thời hạn luật định là hợp lệ nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp phúc thẩm.

[3] Căn cứ lời khai của bị cáo Nguyễn Thành Quốc B tại phiên tòa phúc thẩm, cùng các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở xác định: Từ khoảng đầu tháng 01/2020 đến ngày 04/02/2020, Nguyễn Thành Quốc B đã có hành vi sử dụng sim khuyến mãi tạo tài khoản trên các ứng dụng bán hàng trực tuyến, đặt mua các sản phẩm điện thoại có giá trị cao nhằm chiếm đoạt bán lấy tiền tiêu xài cá nhân. Để tiếp cận được tài sản, bị cáo chuẩn bị các xấp tiền mệnh giá từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng nhưng mỗi xấp chỉ để 02 tờ tiền thật ở mặt trên và mặt dưới, còn ở giữa là tiền âm phủ và dùng dây thun cột lại để khi giao nhận hàng, B sẽ lấy những xấp tiền được chuẩn bị trước cho người giao hàng thấy nhằm tạo niềm tin. Sau khi nhận và kiểm tra hàng, B lấy xấp tiền đã chuẩn bị trước đó đưa cho các bị hại, lợi dụng sơ hở khi bị hại tháo dây thun kiểm, đếm tiền thì B tăng ga, điều khiển xe tẩu thoát cùng tài sản. Bằng thủ đoạn nêu trên bị cáo đã chiếm đoạt tài sản của 05 bị hại, trị giá tài sản chiếm đoạt qua định giá là 175.270.000 đồng.

[4] Xét Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 46/QĐ-VKS-P7 ngày 25/9/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử nhận thấy: Bị cáo Nguyễn Thành Quốc B có thủ đoạn gian dối là để các bị hại thấy bị cáo có tiền, nhằm tạo niềm tin để tiếp cận tài sản. Thời điểm bị cáo thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, các bên đang thực hiện hành vi giao hàng - nhận tiền, việc chuyển giao tài sản giữa các bị hại và bị cáo chưa hoàn thành, bị cáo chưa ký nhận vào chứng từ giao hàng, tài sản vẫn trong tầm quản lý của các bị hại thì bị cáo đã tăng ga, điều khiển xe tẩu thoát cùng tài sản. Do đó, hành vi của bị cáo Nguyễn Thành Quốc B đã phạm vào tội “Cướp giật tài sản”. Bản án sơ thẩm số 111/2020/HSST ngày 27/8/2020 của Tòa án nhân dân quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng khoản 2 Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, xử phạt bị cáo Nguyễn Thành Quốc B là có căn cứ, đúng pháp luật.

[5] Tuy nhiên, xét bị cáo Nguyễn Thành Quốc B là người không có nghề nghiệp, thực hiện liên tiếp 05 vụ “Cướp giật tài sản”, số tiền hưởng lợi từ hành vi phạm tội được bị cáo sử dụng làm nguồn sống chính nên thuộc trường hợp “Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”, việc Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết này khi quyết định hình phạt đối với bị cáo B là thiếu sót. Do đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận một phần nội dung Kháng nghị 46/QĐ-VKS-P7 ngày 25/9/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc áp dụng tình tiết “Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. đối với bị cáo B. Về tình tiết “dùng thủ đoạn nguy hiểm”, xét tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi chiếm đoạt, bị hại đã tạm giao tài sản cho bị cáo quản lý, sau đó bị cáo mới tăng ga, điều khiển xe tẩu thoát nên không thuộc trường hợp “dùng thủ đoạn nguy hiểm” để cướp giật tài sản. Do đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không áp dụng điểm d khoản 2 Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. khi quyết định hình phạt đối với bị cáo B.

[6] Về mức hình phạt 06 (năm) tù về tội “Cướp giật tài sản” mà Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt là phù hợp với tính chất, mức độ hành vi và hậu quả tội phạm mà bị cáo đã thực hiện nên Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét giữ nguyên mức hình phạt đã tuyên.

[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[8] Bị cáo Nguyễn Thành Quốc B không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ Điều 345; điểm b khoản 1 Điều 355 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Chấp nhận một phần Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 46/QĐ-VKS-P7 ngày 25/9/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và sửa bản án sơ thẩm.

Căn cứ điểm b, c khoản 2 Điều 171; điểm b, s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015,

Xử phạt bị cáo Nguyễn Thành Quốc B 06 (sáu) năm tù về tội “Cướp giật tài sản”.

Thời hạn tù tính từ ngày 06/02/2020.

Căn cứ Điều 135, Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Bị cáo Nguyễn Thành Quốc B không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

NỘI DUNG ÁN LỆ:

“[4] Xét Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 46/QĐ-VKS-P7 ngày 25/9/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử nhận thấy: Bị cáo Nguyễn Thành Quốc B có thủ đoạn gian dối là để các bị hại thấy bị cáo có tiền, nhằm tạo niềm tin để tiếp cận tài sản. Thời điểm bị cáo thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, các bên đang thực hiện hành vi giao hàng - nhận tiền, việc chuyển giao tài sản giữa các bị hại và bị cáo chưa hoàn thành, bị cáo chưa ký nhận vào chứng từ giao hàng, tài sản vẫn trong tầm quản lý của các bị hại thì bị cáo đã tăng ga, điều khiển xe tẩu thoát cùng tài sản. Do đó, hành vi của bị cáo Nguyễn Thành Quốc B đã phạm vào tội “Cướp giật tài sản”. Bản án sơ thẩm số 111/2020/HSST ngày 27/8/2020 của Tòa án nhân dân quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng khoản 2 Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, xử phạt bị cáo Nguyễn Thành Quốc B là có căn cứ, đúng pháp luật.”

2. Án lệ số 58/2023/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua vào các ngày 01, 02, 03 tháng 02 năm 2023 và được công bố theo Quyết định số 39/QĐ-CAngày 24 tháng 02 năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ:

Bản án hình sự sơ thẩm số 179/2018/HSST ngày 14/9/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh về vụ án “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” đối với bị cáo Hoàng Đình Q.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 13, 16 và 18 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Bị cáo có hành vi vận chuyển 05 cá thể hổ và 01 bộ phận không thể tách rời sự sống của cá thể hổ thứ 06.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

- Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

- Điều 4 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự.

Từ khoá của án lệ:

“Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”; “Bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống”; “Điểm c khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự”.

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 03 giờ 15 phút ngày 07/01/2018, tại đoạn đường thuộc Km 114 + 710 Quốc lộ M, thuộc phường B, thành phố L, Tổ công tác Phương án 12, Phòng PC67 Công an tỉnh Quảng Ninh kiểm tra xe ô tô khách biển kiểm soát (BKS): 14B-019.26, do anh Nguyễn Văn H điều khiển, phát hiện bắt quả tang Hoàng Đình Q là khách đi trên xe vận chuyển: 01 hộp bìa các tông trong đó có 03 cá thể động vật còn sống nghi là cá thể khỉ; 01 hộp bìa các tông bên trong có 05 cá thể động vật đông lạnh (nghi là cá thể hổ con) và 01 bộ phận động vật (nghi là bộ phận sinh dục của cá thể hổ), trọng lượng 01 kg; một hộp bìa các tông bên trong có 10 bộ phận động vật (nghi là túi mật cá thể bò tót); một bọc nhỏ màu đen, bên trong có 20 bộ phận động vật (nghi là răng hổ); 03 bao (nghi là vẩy tê tê) có trọng lượng lần lượt là 20kg, 10kg, 20kg; một thùng xốp màu trắng bên trong có nhiều miếng thịt đông lạnh nghi là thịt hổ, được cho vào 03 túi nilon có trọng lượng là 41 kg thịt đông lạnh đã được cắt thành từng miếng.

Ngoài ra, còn thu của Q: 02 điện thoại di động, trong đó: 01 chiếc Nokia model RM-1134 màu đen, số IMEI 355127079886596, trong gắn SIM số 091.556.1306; 01 chiếc Iphone 7 màu đỏ, số IMEI 353804089230427, trong gắn SIM số 096.142.1102 và 2.000.000 đồng.

Tại bản Kết luận giám định số 51/STTNSV ngày 15/01/2018 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, kết luận:

- 03 cá thể động vật trong hộp bìa các tông còn sống là loài khỉ đuôi lợn có tên khoa học là Macaca leonica. Loài khỉ đuôi lợn Macaca leonica thuộc nhóm IIB- thực vật rừng, động vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, theo quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ.

- 05 cá thể động vật đông lạnh đã chết, sau khi giám định hình thái và ADN là loài hổ có tên khoa học Panthera tigris;

- 01 kg bộ phận sinh dục của cá thể động vật, sau khi giám định hình thái và ADN là bộ phận sinh dục đực của loài hổ có tên khoa học Panthera tiger, là bộ phận không thể tách rời sự sống;

- 41 kg (bốn mươi mốt ki-lô gram) thịt đông lạnh sau khi giám định AND là của loài hổ có tên khoa học Panthera tigris. Nếu tổng trọng lượng trên là của 1 cá thể thì sẽ dẫn đến cá thể hổ không thể tồn tại. Loài hổ Panthera tigris thuộc Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ;

- 50 kg (năm mươi ki-lô gram) mẫu vật giám định là bộ phận vẩy của loài tê tê có tên khoa học là Manis gigantea. Nếu số vẩy trên là của nhiều cá thể thì không ảnh hưởng đến sự sống. Loài tê tê có tên khoa học là Manis gigantea có tên trong Phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tại bản kết luận giám định động vật bổ sung số 101/STTNSV ngày 29/02/2018 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật - Viện hàn lâm và khoa học công nghệ Việt Nam, thể hiện:

- 20 răng nanh là của loài thú ăn thịt. Kết quả giám định AND của 01 mẫu răng nanh của loài chó, có tên khoa học Canis lupus familiaris, loài động vật nuôi thông thường.

- 05 bộ phận kích thước nhỏ, màu đen là túi mật, giám định AND của 01 (mẫu) là túi mật của loài chó, có tên khoa học Canis lupus familiaris, là loài động vật nuôi thông thường.

- 05 bộ phận kích thước lớn, dẹp màu hơi vàng là túi mật, giám định ADN của 01 (mẫu) là túi mật của loài bò, có tên khoa học Bos indicus, là loài động vật nuôi thông thường.

Cáo trạng số 169/CT-VKSHL, ngày 06/8/2018 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã truy tố bị cáo Hoàng Đình Q về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, quy định tại điểm c khoản 2 Điều 244 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị áp dụng điểm c khoản 2 Điều 244; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm a, b khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự; điểm a, b khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự xử phạt bị cáo Q mức án từ 08 năm đến 09 năm tù, tịch thu sung công quỹ nhà nước số tiền 2.000.000 đồng tịch thu phát mại sung công quỹ 02 chiếc điện thoại di động.

Các người làm chứng là anh Nguyễn Văn H, Nguyễn Văn T và Nguyễn Minh H1 có lời khai phù hợp với nhau với nội dung: Các anh là lái, phụ xe khách BKS 14B-019.26 chạy tuyến thành phố V - thành phố M. Khoảng 18h15ph xe của các anh xuất bến từ thành phố V đi thành phố M. Khi xe chạy đến cầu vượt N, thành phố Vinh thì đón 01 thanh niên, sau này biết tên là Hoàng Đình Q mang theo 03 túi nilon màu đen và khoác trên vai 01 ba lô màu đen. Khi xe chạy đến khu vực huyện D, Nghệ An thì thanh niên đó yêu cầu dừng xe và chuyển lên xe 03 thùng các tông. Khi xe chạy đến khu vực huyện Q, Nghệ An thì thanh niên đó lại yêu cầu dừng xe và tiếp tục chuyển lên xe 01 hộp xốp. Đến khoảng 03 giờ 15 phút khi xe chạy đến khu vực phường B thì bị công an kiểm tra, công an yêu cầu thanh niên kia mở hết số hàng để kiểm tra, thấy rằng:

- 03 túi nilon màu đen bên trong chứa các bộ phận động vật.

- 01 thùng các tông chứa 05 con hổ con và 01 bộ phận sinh dục động vật.

- 01 thùng các tông chứa 03 con khỉ con.

- 01 thùng các tông nhỏ chứa nhiều túi mật động vật.

- 01 hộp xốp chứa các miếng thịt động vật.

- 01 bọc nhỏ trong túi xách của thanh niên chứa nhiều răng động vật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[2] Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Hoàng Đình Q có lời khai: Bị cáo trước đây làm nghề phụ xe khách tuyến thành phố V - thành phố M, có nhiều người hay gửi hàng cho bị cáo vận chuyển và có số điện thoại của bị cáo. Vào khoảng 02 ngày trước ngày bị bắt thì có người đàn ông tên là S gọi điện thoại cho bị cáo thuê vận chuyển một số hàng hóa là động vật trong đó có hổ, khỉ, vẩy tê tê, mật bò, răng thú... từ thành phố V ra thành phố M với giá tiền công vận chuyển là 2.000.000đ. Anh S nói với bị cáo là đến nhận hàng tại cầu vượt N, thành phố V; huyện D và huyện Q, Nghệ An. Khoảng 16 giờ ngày 06/01/2018, anh S gọi điện bảo đi chuyển hàng, bị cáo gọi điện cho anh Nguyễn Minh H1 để đặt chỗ đi thành phố M, hẹn đón ở cầu vượt N. Khoảng 18 giờ 30 phút bị cáo đến cầu vượt N gặp một người đàn ông đưa cho bị cáo 03 túi màu đen và 2.000.000đ bảo là gửi cho anh S, bị cáo nhận hàng rồi đón xe khách BKS 14B - 019.26 đi thành phố M. Khi xe chạy đến khu vực huyện D, Nghệ An thì có người gọi điện thoại bảo là chuyển hàng cho anh S, bị cáo bảo xe khách dừng lại và xuống nhận hàng là 03 thùng các tông trong đó có một thùng hở, bị cáo nhìn thấy bên trong có 03 con khỉ. Đến khoảng 20 giờ 20 phút khi xe chạy đến khu vực huyện Q, Nghệ An thì lại có người gọi điện thoại bảo là chuyển hàng cho anh S, bị cáo bảo xe khách dừng lại và xuống nhận hàng là 01 thùng xốp và 01 bọc nhỏ màu đen (bị cáo cất trong túi đeo bên người). Đến khoảng 03 giờ 15 phút ngày 07/01/2018 khi xe chạy đến khu vực B, thành phố L thì bị công an kiểm tra. Công an yêu cầu mở các thùng hàng bị cáo nhận vận chuyển ra và thấy:

[3] - 03 túi nilon màu đen bên trong chứa vẩy tê tê, tổng trọng lượng 50kg.

[4] - 01 thùng các tông chứa 05 con hổ con đông lạnh đã chết và 01 bộ phận sinh dục hổ đực.

[5] - 01 thùng các tông chứa 03 con khỉ con.

[6] - 01 thùng các tông nhỏ chứa nhiều túi mật động vật.

[7] - 01 hộp xốp chứa các miếng thịt hổ.

[8] - 01 bọc nhỏ trong chứa nhiều răng động vật.

[9] Công an thu giữ các đồ vật nói trên cùng số tiền 2.000.000đ và 02 điện thoại của bị cáo. Bị cáo không biết lai lịch, địa chỉ của anh S và những người đàn ông gửi hàng cho S, chỉ giao dịch qua điện thoại, chưa gặp S lần nào.

[10] Lời khai nhận tội của bị cáo Hoàng Đình Q tại phiên tòa phù hợp với các lời khai nhận tội của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của các người làm chứng anh Nguyễn Văn H, Nguyễn Văn T và Nguyễn Minh H1, phù hợp với biên bản bắt người phạm tội quả tang do Tổ công tác phương án 12, công an tỉnh Quảng Ninh lập hồi 04 giờ 00 phút ngày 07/01/2018, phù hợp với kết luận giám định. Như vậy có đủ căn cứ kết luận vào khoảng 03 giờ 15 phút ngày 07/01/2018 tại khu vực Km 114+700 trên Quốc lộ 18A thuộc phường B, thành phố L, Công an Quảng Ninh bắt quả tang Hoàng Đình Q có hành vi vận chuyển trái phép 05 con hổ có tên khoa học Panthera tigris; 01 bộ phận sinh dục hổ đực có tên khoa học Panthera tigris là bộ phận không thể tách rời sự sống của 01 con hổ; 41kg thịt loài hổ có tên khoa học Panthera tigris; 50 kg vẩy tê tê có tên khoa học là Manis gigantea; 20 răng nanh của loài chó, có tên khoa học Canis lupus familiaris; 05 túi mật loài chó, có tên khoa học Canis lupus familiaris; 05 túi mật của loài bò, có tên khoa học Bos indicus.

[11] Theo Danh mục loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ nhóm IB ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Phụ lục I của Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có tên loài hổ có tên khoa học Panthera tigris và loài tê tê có tên khoa học là Manis gigantea hay còn gọi là tê tê khổng lồ. Như vậy hành vi của bị cáo Hoàng Đình Q đã phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự.

[12] Khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý, hiếm nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a khoản này;...”.

[13] Bị cáo đã vận chuyển 05 cá thể hổ đông lạnh có tên khoa học Panthera tigris; 01 bộ phận sinh dục đực của loài hổ có tên khoa học Panthera tiger, theo kết luận giám định là bộ phận không thể tách rời sự sống của một con hổ; 41 kg thịt của loài hổ có tên khoa học Panthera tigris, theo kết luận giám định nếu tổng số lượng thịt trên là của 1 cá thể hổ thì sẽ dẫn đến cá thể hổ không thể tồn tại; 50 kg vẩy của loài tê tê có tên khoa học là Manis gigantea, theo kết luận giám định nếu số vẩy trên là của nhiều cá thể thì không ảnh hưởng đến sự sống.

[14] Kết luận giám định không xác định được 50kg vẩy tê tê là vẩy trên nhiều cá thể hay trên một cá thể tê tê nên không thể xác định đây là bộ phận không thể tách rời sự sống của con tê tê.

[15] Kết luận giám định không xác định được 41 kg thịt hổ là thịt của một con hổ hay thịt của nhiều con hổ nên không thể xác định đây là bộ phận không thể tách rời sự sống của con hổ.

[16] Kết luận giám định chưa xác định 01 bộ phận sinh dục hổ đực có phải của một trong năm con hổ đông lạnh hay không. Do toàn bộ số tang vật trên đã bị tiêu hủy không thể cho giám định bổ sung. Tuy nhiên, theo Biên bản xác định tình trạng sản phẩm, sức khỏe động vật (bút lục 89) thì 05 cá thể hổ đông lạnh đã chết là hổ con có trọng lượng từ 0,99kg đến 2,99kg; 01 bộ phận sinh dục của hổ đực có trọng lượng 0,98kg. Như vậy, dựa vào trọng lượng kg có căn cứ khẳng định 01 bộ phận sinh dục của hổ đực đó không phải là bộ phận sinh dục của một trong 05 con hổ con đông lạnh vì không có loài hổ nào có thể có bộ phận sinh dục đực chiếm đến từ 1/2 đến 1/4 trọng lượng cơ thể. Theo kết luận giám định thì bộ phận sinh dục đó là bộ phận không thể tách rời sự sống của con hổ nên có nghĩa phải có con hổ thứ 6 bị giết để có được bộ phận sinh dục đó cho bị cáo vận chuyển. Tức bị cáo Q có hành vi vận chuyển 05 con hổ và 01 bộ phận không thể tách rời sự sống của 01 con hổ thứ 6.

[17] Khoản 3 điều 244 Bộ luật Hình sự, điều luật quy định: “3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a)…; c) Từ 03 cá thể voi, tê giác trở lên hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể voi, tê giác trở lên; từ 06 cá thể gấu, hổ trở lên hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 06 cá thể gấu, hổ trở lên;”.

[18] Từ quy định của điều luật thấy rằng chỉ cần vận chuyển bộ phận không thể tách rời sự sống của 06 cá thể hổ trở lên là đã phạm vào điểm c khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự. Nội dung của điều luật này nhằm đến việc xử lý các hành vi phạm tội nghiêm trọng xâm phạm đến sự sống của từ 06 cá thể hổ trở lên. Bị cáo vận chuyển 05 cá thể hổ và 01 bộ phận không thể tách rời sự sống của cá thể hổ thứ 6 là đã xâm phạm đến sự sống của 06 cá thể hổ nên phải chịu hình phạt quy định tại điểm c khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự.

[19] Tại phiên tòa hôm nay đại diện Viện kiểm sát đề nghị truy tố bị cáo theo điểm c khoản 2 Điều 244 Bộ luật Hình sự nhưng Hội đồng xét xử thấy rằng bị cáo đã phạm vào quy định tại điểm c khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự nên cần áp dụng quy định tại khoản 2 điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự.

[20] Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm vào các quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học của các loài động vật hoang dã, quý hiếm trong môi trường sinh thái. Bị cáo mặc dù biết pháp luật nghiêm cấm nhưng vẫn thực hiện hành vi vận chuyển số lượng lớn động vật nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ nên cần thiết phải xử lý nghiêm khắc, cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, mới có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

[21] Hội đồng xét xử cũng xem xét bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải nên giảm một phần hình phạt cho bị cáo theo điểm s khoản 1 điều 51 Bộ luật Hình sự. Bị cáo phạm tội lần đầu, có bố đẻ là bộ đội chống Mỹ được thưởng nhiều huân huy chương nên giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự .

[22] Về hình phạt bổ sung: Xét bị cáo chỉ là đối tượng vận chuyển thuê, không có tài sản thu nhập gì nên không cần thiết áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền với bị cáo.

[23] Về vật chứng: Các vật chứng của vụ án là 05 cá thể hổ, 01 bộ phận sinh dục của hổ đực, 50kg vẩy tê tê, mật chó, mật bò, răng chó và 01 cá thể khỉ đã chết cơ quan điều tra đã tiêu hủy; 02 cá thể khỉ còn sống cơ quan điều tra đã bàn giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh theo quy định nên không xem xét. Số tiền 2.000.000đ là tiền do bị cáo phạm tội mà có nên tịch thu sung công quỹ nhà nước. 02 chiếc điện thoại cùng sim điện thoại đi kèm bị cáo sử dụng làm công cụ phương tiện để phạm tội nên cần tịch thu phát mại sung công quỹ nhà nước.

[24] Đối với hành vi vận chuyển 03 cá thể khỉ đuôi lợn; 05 túi mật và 20 răng nanh đều là của loài chó nuôi thường, 05 túi mật của loài bò nuôi thông thường. Không đủ căn cứ để xử lý hình sự nên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Hoàng Đình Q.

[25] Đối với đối tượng tên S và 03 người đàn ông gửi hàng động vật hoang dã cho Q, hiện chưa xác minh được lai lịch, Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ xử lý sau.

[26] Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử bị cáo Hoàng Đình Q, các Điều tra viên, Kiểm sát viên cơ bản đã thực hiện đúng trình tự và thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, bảo đảm các quyền và nghĩa vụ cho những người tham gia tố tụng, không có quyết định tố tụng, hành vi tố tụng nào bị khiếu nại.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 244, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, khoản 2 Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Xử phạt: Hoàng Đình Q 10 (mười) năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt 07/01/2018.

Căn cứ vào điểm a, b khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự; điểm a, b khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tịch thu sung công quỹ nhà nước số tiền 2.000.000đ, tịch thu phát mại sung công quỹ nhà nước 02 chiếc điện thoại cùng sim đi kèm (tất cả theo biên bản giao nhận vật chứng số: 179/BB-THA; ngày 08 tháng 8 năm 2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Hạ Long).

Căn cứ Điều 331, Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Bị cáo phải nộp 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm.

Án xử công khai sơ thẩm, báo cho bị cáo biết có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“[13] Bị cáo đã vận chuyển 05 cá thể hổ đông lạnh có tên khoa học Panthera tigris; 01 bộ phận sinh dục đực của loài hổ có tên khoa học Panthera tiger, theo kết luận giám định là bộ phận không thể tách rời sự sống của một con hổ; 41 kg thịt của loài hổ có tên khoa học Panthera tigris, theo kết luận giám định nếu tổng số lượng thịt trên là của 1 cá thể hổ thì sẽ dẫn đến cá thể hổ không thể tồn tại;...

[16] Kết luận giám định chưa xác định 01 bộ phận sinh dục hổ đực có phải của một trong năm con hổ đông lạnh hay không. Do toàn bộ số tang vật trên đã bị tiêu hủy không thể cho giám định bổ sung. Tuy nhiên, theo Biên bản xác định tình trạng sản phẩm, sức khỏe động vật (bút lục 89) thì 05 cá thể hổ đông lạnh đã chết là hổ con có trọng lượng từ 0,99kg đến 2,99kg; 01 bộ phận sinh dục của hổ đực có trọng lượng 0,98kg. Như vậy, dựa vào trọng lượng kg có căn cứ khẳng định 01 bộ phận sinh dục của hổ đực đó không phải là bộ phận sinh dục của một trong 05 con hổ con đông lạnh vì không có loài hổ nào có thể có bộ phận sinh dục đực chiếm đến từ 1/2 đến 1/4 trọng lượng cơ thể. Theo kết luận giám định thì bộ phận sinh dục đó là bộ phận không thể tách rời sự sống của con hổ nên có nghĩa phải có con hổ thứ 6 bị giết để có được bộ phận sinh dục đó cho bị cáo vận chuyển. Tức bị cáo Q có hành vi vận chuyển 05 con hổ và 01 bộ phận không thể tách rời sự sống của 01 con hổ thứ 6.

[18] Từ quy định của điều luật thấy rằng chỉ cần vận chuyển bộ phận không thể tách rời sự sống của 06 cá thể hổ trở lên là đã phạm vào điểm c khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự. Nội dung của điều luật này nhằm đến việc xử lý các hành vi phạm tội nghiêm trọng xâm phạm đến sự sống của từ 06 cá thể hổ trở lên. Bị cáo vận chuyển 05 cá thể hổ và 01 bộ phận không thể tách rời sự sống của cá thể hổ thứ 6 là đã xâm phạm đến sự sống của 06 cá thể hổ nên phải chịu hình phạt quy định tại điểm c khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự.”

3. Án lệ số 59/2023/AL về lỗi cố ý gián tiếp trong vụ án “Giết người”.

Nguồn án lệ:

Bản án phúc thẩm số 50/2020/HS-PT ngày 10/12/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái về vụ án “Giết người” đối với các bị cáo Triệu Văn M, Đặng Văn T.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 3, 4 và 5 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Bị cáo dùng hung khí nguy hiểm tấn công bị hại. Bị hại điều khiển xe mô tô bỏ chạy, bị cáo tiếp tục truy đuổi làm bị hại lo sợ phải tăng tốc bỏ chạy. Khi bị hại bị tai nạn thì bị cáo mới dừng việc truy đuổi. Bị hại tử vong trên đường đi cấp cứu.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” với lỗi cố ý gián tiếp.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[2] Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Trấn Yên, kháng cáo của các bị cáo và đại diện hợp pháp của bị hại đúng hình thức, trong hạn luật định, đủ điều kiện để giải quyết phúc thẩm.

[3] Lời khai tại phiên tòa phúc thẩm của bị cáo Đặng Văn T, bị cáo Triệu Văn M phù hợp với nhau, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án như lời khai của Nguyễn Thị L, các kết luận giám định, biên bản khám nghiệm hiện trường, vật chứng thu giữ trong vụ án, từ đó đã đủ cơ sở xác định: Vào khoảng 20 giờ ngày 20/12/2018, Đặng Văn T và Triệu Văn M dùng tay, chân đấm đá, rồi sử dụng gậy kim loại đánh nhiều nhát vào đầu, mặt, tay, sườn, lưng của Nguyễn Ngọc V. Khi V điều khiển xe mô tô bỏ chạy thì T và M dùng xe mô tô tiếp tục truy đuổi theo V để đánh với vận tốc trên 50km/giờ. T cầm theo gậy sắt, còn M hô to “Đ** mẹ chúng mày đứng lại”. V thấy vậy tăng ga bỏ chạy, khi đến ngã ba thuộc địa phận thôn 4, xã T, huyện Y do đi nhanh không làm chủ tay lái, V lao xe qua đường lên bãi đất trống thì bị ngã xe và tử vong trên đường đi cấp cứu.

[4] Hành vi của các bị cáo T và M sử dụng gậy kim loại, là hung khí nguy hiểm đánh nhiều nhát vào vùng đầu, mặt, thân thể V, sau đó dùng xe mô tô truy đuổi V là rất nguy hiểm. Anh V trong tình trạng vừa bị đánh đau, lại vẫn bị các bị cáo truy đuổi, uy hiếp, đe dọa, buộc anh V lo sợ tiếp tục bị đánh nên đã điều khiển xe mô tô bỏ chạy với vận tốc nhanh, trên đường bê tông liên thôn có nhiều khúc cua liên tiếp, nhiều đoạn có độ dốc lớn trong điều kiện trời tối, có khả năng gây tai nạn nguy hiểm dẫn đến chết người. Các bị cáo buộc phải nhận thức được điều đó, nhưng vẫn tiếp tục đuổi theo anh V 1300 mét, cho đến khi thấy anh V bị ngã xe mới dừng lại. Với hành vi nguy hiểm nêu trên, có đủ cơ sở để xác định hành vi phạm tội của các bị cáo là rất quyết liệt, chứng tỏ về mặt chủ quan các bị cáo không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, nhưng có ý thức chấp nhận để hậu quả chết người xảy ra và thực tế là anh V đã chết.

[5] Như vậy, đã đủ căn cứ kết luận các bị cáo T và M đã phạm vào tội “Giết người” với lỗi cố ý gián tiếp. Việc cấp sơ thẩm điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” là không chính xác. Do đó, cần hủy bản án sơ thẩm để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 358 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

[6] Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện Trấn Yến đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì có căn cứ cho thấy hành vi của các bị can đã thực hiện cấu thành tội “Giết người”, nhưng Viện kiểm sát nhân dân huyện Trấn Yên giữ nguyên quyết định truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”, nên Tòa án nhân dân huyện Trấn Yên đã xét xử theo thẩm quyền và kiến nghị kháng nghị về tội danh trong bản án. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không có lỗi trong việc cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm.

[7] Do bản án sơ thẩm bị hủy để điều tra lại nên những nội dung kháng cáo, kháng nghị về hình phạt và trách nhiệm dân sự được xem xét, giải quyết trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử lại vụ án.

[8] Các bị cáo và đại diện hợp pháp của người bị hại không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ điểm c khoản 1, khoản 2 Điều 355; điểm a khoản 1 Điều 358 của Bộ luật Tố tụng hình sự,

1. Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 22/2020/HS-ST ngày 16 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái để điều tra lại.

Giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

2. Về án phí: Căn cứ điểm f khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, các bị cáo và đại diện hợp pháp của người bị hại không phải chịu án phí phúc thẩm.

Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“[3] Lời khai tại phiên tòa phúc thẩm của bị cáo Đặng Văn T, bị cáo Triệu Văn M phù hợp với nhau, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án như lời khai của Nguyễn Thị L, các kết luận giám định, biên bản khám nghiệm hiện trường, vật chứng thu giữ trong vụ án, từ đó đã đủ cơ sở xác định: Vào khoảng 20 giờ ngày 20/12/2018, Đặng Văn T và Triệu Văn M dùng tay, chân đấm đá, rồi sử dụng gậy kim loại đánh nhiều nhát vào đầu, mặt, tay, sườn, lưng của Nguyễn Ngọc V. Khi V điều khiển xe mô tô bỏ chạy thì T và M dùng xe mô tô tiếp tục truy đuổi theo V để đánh với vận tốc trên 50km/giờ. T cầm theo gậy sắt, còn M hô to “Đ** mẹ chúng mày đứng lại”. V thấy vậy tăng ga bỏ chạy, khi đến ngã ba thuộc địa phận thôn 4, xã T, huyện Y do đi nhanh không làm chủ tay lái, V lao xe qua đường lên bãi đất trống thì bị ngã xe và tử vong trên đường đi cấp cứu.

[4] Hành vi của các bị cáo T và M sử dụng gậy kim loại, là hung khí nguy hiểm đánh nhiều nhát vào vùng đầu, mặt, thân thể V, sau đó dùng xe mô tô truy đuổi V là rất nguy hiểm. Anh V trong tình trạng vừa bị đánh đau, lại vẫn bị các bị cáo truy đuổi, uy hiếp, đe dọa, buộc anh V lo sợ tiếp tục bị đánh nên đã điều khiển xe mô tô bỏ chạy với vận tốc nhanh, trên đường bê tông liên thôn có nhiều khúc cua liên tiếp, nhiều đoạn có độ dốc lớn trong điều kiện trời tối, có khả năng gây tai nạn nguy hiểm dẫn đến chết người. Các bị cáo buộc phải nhận thức được điều đó, nhưng vẫn tiếp tục đuổi theo anh V 1300 mét, cho đến khi thấy anh V bị ngã xe mới dừng lại. Với hành vi nguy hiểm nêu trên, có đủ cơ sở để xác định hành vi phạm tội của các bị cáo là rất quyết liệt, chứng tỏ về mặt chủ quan các bị cáo không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, nhưng có ý thức chấp nhận để hậu quả chết người xảy ra và thực tế là anh V đã chết.

[5] Như vậy, đã đủ căn cứ kết luận các bị cáo T và M đã phạm vào tội “Giết người” với lỗi cố ý gián tiếp...”.

4. Án lệ số 60/2023/AL về thời hạn trả thưởng xổ số kiến thiết.

Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 239/2022/DS-GĐT ngày 05/9/2022 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp trả thưởng tiền xổ số kiến thiết” giữa nguyên đơn là ông Thái Hữu T với bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xổ số kiến thiết A.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 2, 3, 4, 6 và 7 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Thể lệ tham gia dự thưởng của công ty xổ số kiến thiết xác định thời hạn trả thưởng đối với vé số trúng thưởng được tính theo ngày.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án phải xác định ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 147 Bộ luật Dân sự năm 2015; ngày cuối cùng của thời hạn trả thưởng được xác định theo quy định tại Điều 148 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

- Khoản 2 Điều 147, khoản 1, 5 và 6 Điều 148 Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Khoản 1 Điều 30 Thông tư số 75/2013/TT-BTC ngày 4 tháng 6 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về hoạt động kinh doanh xổ số.

Từ khóa của án lệ:

“Tranh chấp trả thưởng xổ số”; “Kinh doanh xổ số”; “Thời hạn trả thưởng”.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Thể lệ Tham gia dự thưởng vé xổ số truyền thống 6 chữ số (Ban hành kèm theo Quyết định số 22/QĐ.XS ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Công ty xổ số kiến thiết A và Công văn số 16055/BTC-TCNH ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Bộ Tài chính) “xác định thời hạn kết thúc trả thưởng là ngày 27 tháng 11 năm 2020” là không phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015.

[2] Tại khoản 1 Điều 30 Thông tư 75/2013/TT-BTC ngày 4 tháng 6 năm 2013 quy định “Thời hạn lĩnh thưởng của vé xổ số trúng thưởng là 30 ngày, kể từ ngày xác định kết quả trúng thưởng hoặc kể từ ngày hết hạn lưu hành của vé xổ số...”, Tờ vé số do Công ty xổ số kiến thiết A phát hành loại vé số kiến thiết truyền thống 06 số có ký hiệu AG-10K5 mang số F123007 ngày 29 tháng 10 năm 2020; ngày quay mở thưởng là ngày 29 tháng 10 năm 2020; phía mặt sau của tờ vé số có ghi nhận “Quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày xác định kết quả trúng thưởng, những vé trúng thưởng không người lãnh sẽ sung công quỹ”.

[3] Căn cứ vào những quy định trên có cơ sở xác định: Công ty xổ số kiến thiết A với người mua vé số chấp nhận quy định chung về thời hạn để tính trúng thưởng là “ngày”; Tại khoản 2 Điều 147 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định”.

[4] Theo tờ vé số kiến thiết truyền thống 06 số do ông Thái Hữu T trúng thưởng có ký hiệu AG-10K5 mang số F123007 ngày 29 tháng 10 năm 2020 của Công ty xổ số kiến thiết A phát hành có kết quả xổ số là ngày 29 tháng 10 năm 2020. Trong trường hợp này phải xác định ngày bắt đầu tính thời hạn 30 ngày của Tờ vé số mở thưởng của ngày 29 tháng 10 năm 2020 là “ngày 30 tháng 10 năm 2020”, thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn là 24 giờ (một ngày là hai mươi tư giờ) theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 146 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[5] Ông Thái Hữu T khai khi phát hiện tờ vé số trúng thưởng lúc 22 giờ ngày 28/11/2020 ông đã nhiều lần liên hệ với Công ty xổ số kiến thiết A theo số điện thoại 0296.385.7904 được in mặt sau của tờ vé số. Ngày 29/11/2020, ông Thái Hữu T trực tiếp đến Công ty xổ số kiến thiết A và được bà Nguyễn Thị Kim T1 xác nhận: “Ngày 29 tháng 11 năm 2020 ông T có đến Công ty thông tin tờ vé số trúng thưởng. Tôi có trả lời theo Thông tư 75 của Bộ Tài chính là tờ vé đã trễ hạn và thứ 3 ngày 01 tháng 12 năm 2020, ông T mang tờ vé kỳ 10K5 mở ngày 29 tháng 10 năm 2020 và đơn xin cứu xét, phòng Trả thưởng - Kho quỹ tiếp nhận Tờ vé của ông”.

[6] Theo khoản 1, khoản 5 và khoản 6 Điều 148 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “1. Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn; 5. Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó; 6. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó”.

[7] Căn cứ vào những nội dung đã phân tích trên, Tòa án cấp phúc thẩm xác định Tờ vé số của ông T đã trúng thưởng và thời hạn ông T liên hệ để lãnh thưởng là còn trong thời hạn 30 ngày theo quy định thời hạn trả tiền thưởng của Công ty xổ số kiến thiết A và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T; buộc Công ty xổ số kiến thiết A có trách nhiệm trả thưởng cho ông Thái Hữu T đối với Tờ vé số trúng thưởng có ký hiệu AG-10K5 mang số F123007 trúng giải đặc biệt 2.000.000.000 đồng là có căn cứ pháp luật.

Vì các lẽ trên,

Căn cứ Điều 337 và Điều 343 Bộ luật Dân sự năm 2015;

QUYẾT ĐỊNH:

1. Không chấp nhận Quyết định kháng nghị số 35/2022/QĐ-VKS-DS ngày 21/01/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Giữ nguyên Bản án dân sự phúc thẩm số 89/2021/DS-PT ngày 12/8/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang về vụ án “Tranh chấp trả thưởng tiền xổ số kiến thiết” giữa nguyên đơn là ông Thái Hữu T với bị đơn là Công ty TNHH một thành viên xổ số kiến thiết A.

3. Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

NỘI DUNG ÁN LỆ:

“[2] Tại khoản 1 Điều 30 Thông tư 75/2013/TT-BTC ngày 4 tháng 6 năm 2013 quy định “Thời hạn lĩnh thưởng của vé xổ số trúng thưởng là 30 ngày, kể từ ngày xác định kết quả trúng thưởng hoặc kể từ ngày hết hạn lưu hành của vé xổ số... ”, Tờ vé số do Công ty xổ số kiến thiết A phát hành loại vé số kiến thiết truyền thống 06 số có ký hiệu AG-10K5 mang số F123007 ngày 29 tháng 10 năm 2020, ngày quay mở thưởng là ngày 29 tháng 10 năm 2020; phía mặt sau của tờ vé số có ghi nhận “Quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày xác định kết quả trúng thưởng, những vé trúng thưởng không người lãnh sẽ sung công quỹ”.

[3] Căn cứ vào những quy định trên có cơ sở xác định: Công ty xổ số kiến thiết A với người mua vé số chấp nhận quy định chung về thời hạn để tính trúng thưởng là “ngày”; Tại khoản 2 Điều 147 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định”.

[4] Theo tờ vé số kiến thiết truyền thống 06 số do ông Thái Hữu T trúng thưởng có ký hiệu AG-10K5 mang số F123007 ngày 29 tháng 10 năm 2020 của Công ty xổ số kiến thiết A phát hành có kết quả xổ số là ngày 29 tháng 10 năm 2020. Trong trường hợp này phải xác định ngày bắt đầu tính thời hạn 30 ngày của Tờ vé số mở thưởng của ngày 29 tháng 10 năm 2020 là “ngày 30 tháng 10 năm 2020 ”, thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn là 24 giờ (một ngày là hai mươi tư giờ)...

[6] Theo khoản 1, khoản 5 và khoản 6 Điều 148 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “1. Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn; 5. Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó; 6. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó”.

[7] Căn cứ vào những nội dung đã phân tích trên, Tòa án cấp phúc thẩm xác định Tờ vé số của ông T đã trúng thưởng và thời hạn ông T liên hệ để lãnh thưởng là còn trong thời hạn 30 ngày theo quy định thời hạn trả tiền thưởng của Công ty xổ số kiến thiết A và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T; buộc Công ty xổ số kiến thiết A có trách nhiệm trả thưởng cho ông Thải Hữu T đối với Tờ vé số trúng thưởng có ký hiệu AG-10K5 mang số F123007 trúng giải đặc biệt 2.000.000.000 đồng là có căn cứ pháp luật.”

5. Án lệ số 61/2023/AL về chấm dứt việc nuôi con nuôi khi con nuôi chưa thành niên.

Nguồn án lệ:

Quyết định sơ thẩm số 87/2019/QĐST-HNGĐ ngày 24/4/2019 của Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai về việc “Yêu cầu chấm việc nuôi con nuôi”, người yêu cầu là ông Trần Công T, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Nguyễn Thanh H và chị Trần Thị Thảo T I.

Vị trí nôi dung án lệ:

Đoạn 7, 8 phàn “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Cha đẻ, mẹ đẻ và cha nuôi, mẹ nuôi thống nhất giao lại con nuôi chưa thành niên cho cha đẻ, mẹ đẻ tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng; con nuôi có nguyện vọng được về sống với cha đẻ, mẹ đẻ và cha nuôi, mẹ nuôi có yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.

- Giải pháp pháp lý:

Trường họp này, Tòa án phải chấp nhận yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

- Các điều 25, 26 và 27 Luật Nuôi con nuôi năm 2010;

- Điều 78 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Từ khóa của án lê:

“Chấm dứt việc nuôi con nuôi”; “Con nuôi chưa thành niên”; “Tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi”.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ việc dân sự được thẩm tra tại phiên họp; ý kiến của đương sự và đại diện Viện kiểm sát tại phiên họp, Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom nhận định:

[2] Về tố tụng: Người yêu cầu nộp đơn và thực hiện các thủ tục theo đúng quy định.

[3] Ông Trần Công T, bà Nguyễn Thị Q, anh Nguyễn Thanh H và cháu Trần Minh Khánh HI có đơn xin vắng tại phiên họp xét, nên căn cứ theo khoản 2 Điều 367 của Bộ luật Tố tụng dân sự Tòa án mở phiên họp xét vắng mặt các đương sự nêu trên.

[4] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

[5] Ông Trần Công T, bà Nguyễn Thị Q yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi đối với cháu Trần Minh Khánh H I, sinh ngày 31/10/2003, địa chỉ: 113 dãy 8, khu B, ấp L, xã A, huyện B, tỉnh Đồng Nai. Nên căn cứ khoản 5 Điều 29, điểm b khoản 2 Điều 35, điểm 1 khoản 2 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì quan hệ của việc dân sự là: “Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi ” và thuộc thấm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom.

[6] Về nội dung:

[7] Năm 2015, ông Trần Công T và bà Nguyễn Thị Q nhận nuôi cháu Nguyễn Minh Khánh HI là con đẻ của anh Nguyễn Thanh H và chị Trần Thị Thảo TI làm con nuôi, các bên có làm hồ sơ nhận nuôi con nuôi và được ủy ban nhân dân xã A cấp giấy chứng nhận nuôi con nuôi số 01 ngày 15/9/2015 nên quan hệ nuôi con nuôi là họp pháp và các bên đều thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

[8] Nay cháu HI có nguyện vọng về ở với bố mẹ đẻ để có điều kiện chăm sóc và hỗ trợ các em ăn học, được bố mẹ nuôi là ông T, bà Q và bố mẹ đẻ là anh H, chị TI đồng ý, nên ông T, bà Q làm đơn đề nghị Tòa án chấm dứt việc nuôi con nuôi là tự nguyện và phù họp với quy định tại Điều 78 của Luật Hôn nhân và gia đình và Điều 25 của Luật Nuôi con nuôi. Do đó cần chấp nhận yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi của ông Trần Công T, bà Nguyễn Thị Q với cháu Trần Minh Khánh HI.

[9] Về lệ phí: Căn cứ Điều 149 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 37 Nghị quyết số 326/2016/ƯBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, ông Trần Công T và bà Nguyễn Thị Q phải nộp lệ phí sơ thẩm giải quyết việc dân sự là 300.000 đồng.

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào Điều 149, khoản 3 Điều 367, Điều 371, Điều 372 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 78 của Luật Hôn nhân và gia đình; Điều 25 của Luật Nuôi con nuôi; khoản 1 Điều 37 Nghị quyết số 326/2016/ƯBTVQH14 14 ngày 30 tháng 3 12 năm 2016 của Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Chấp nhận đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự của ông Trần Công T và bà Nguyễn Thị Q.

Chấm dứt việc nuôi con nuôi giữa ông Trần Công T, bà Nguyễn Thị Q với cháu Trần Minh Khánh H I, sinh ngày 31/10/2003 (theo giấy chứng nhận nuôi con nuôi số 01 ngày 15 tháng 09 năm 2015 của ủy ban nhân dân xã A, huyện B, tỉnh Đồng Nai).

Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ nuôi và con nuôi chấm dứt kể từ ngày quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

- Lệ phí sơ thẩm giải quyết việc dân sự: Ông Trần Công T và bà Nguyễn Thị Q phải chịu 300.000 đồng lệ phí sơ thẩm giải quyết việc dân sự, được trừ vào số tiền tạm ứng lệ phí 300.000 đồng, ông bà đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0006560 ngày 09/4/2019. Ông T, bà Q đã nộp xong lệ phí.

- Quyền kháng cáo: Chị Trần Thị Thảo TI có quyền kháng cáo quyết định trong hạn 10 ngày, kể từ ngày Tòa án ban hành quyết định; ông Trần Công T, bà Nguyễn Thị Q, anh Nguyễn Thanh H có quyền kháng cáo quyết định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được tống đạt họp lệ quyết định.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“[7] Năm 2015, ông Trần Công T và bà Nguyễn Thị Q nhận nuôi cháu Nguyễn Minh Khánh HI là con đẻ của anh Nguyễn Thanh H và chị Trần Thị Thảo TI làm con nuôi, các bên có làm hồ sơ nhận nuôi con nuôi và được úy ban nhân dân xã A cấp giấy chứng nhận nuôi con nuôi so 01 ngày 15/9/2015 nên quan hệ nuôi con nuôi là hợp pháp và các bên đều thực hiện đầy đủ quyển và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

[8] Nay cháu HI cỏ nguyện vọng về ở với bố mẹ đẻ để có điều kiện chăm sóc và ho trợ các em ăn học, được bo mẹ nuôi là ông T, bà Q và bo mẹ đẻ là anh H, chị TI đồng ỷ, nên ông T, bà Q làm đơn đề nghị Tòa án chấm dứt việc nuôi con nuôi là tự nguyên và phù hợp với quy định tại Điều 78 của Luật Hôn nhân và gia đình và Điều 25 của Luật Nuôi con nuôi. Do đó cần chấp nhận yêu câu châm dứt việc nuôi con nuôi của ông Trần Công T, bà Nguyên Thị Q với cháu Trân Minh Khảnh Hl.”

6. Án lệ số 62/2023/AL về thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên trong vụ án tranh chấp về xác định cha cho con.

Nguồn án lệ:

Bản án phúc thẩm số 07/2018/HN-PT ngày 22/3/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước về vụ án hôn nhân và gia đình “Xác định cha cho con, cấp dưỡng nuôi con ” giữa nguyên đơn là chị Lê Thị D với bị đơn là anh Trịnh Vinh c.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 4 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Sau khi người con được sinh ra, người mẹ khởi kiện yêu cầu xác định bị đơn là cha đẻ của người con và yêu cầu bị đon thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên. Tòa án xác định bị đơn là cha đẻ của người con và có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án phải xác định thời gian cấp dưỡng cho con chưa thành niên được tính kể từ khi người con được sinh ra.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

Khoản 24 Điều 3, Điều 107, Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Xét kháng cáo của anh c yêu cầu được nhận nuôi cháu Lê Gia p mà không cần chị D cấp dưỡng, thấy rằng: Từ khi được sinh ra cháu p được chị D một mình chăm sóc, nuôi dưỡng, phát triển bình thường về thể chất và tinh thần, Tòa án cấp sơ thẩm giao cháu P cho chị D nuôi dưỡng là phù hợp nên kháng cáo của anh C về phần này là không có căn cứ chấp nhận.

[2] Xét kháng cáo của anh c đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước hạ mức cấp dưỡng từ 1.500.000đ/tháng xuống 1.000.000đ/tháng, thấy rằng: Theo Biên bản xác minh của TAND huyện Lộc Ninh (BL33) thì chi phí trung bình để chăm sóc, nuôi dưỡng một đứa trẻ độ tuổi như cháu p cần 3.000.000đ/tháng. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm buộc anh c phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu P mỗi tháng 1.500.000đ (3.000.000đ : 2 người = 1.500.000đ/người) là phù hợp. Bởi lẽ, anh C là giáo viên có thu nhập ổn định, mức lương hàng tháng là 4.666.220 đồng (BL18), do đó kháng cáo của anh C đề nghị giảm mức cấp dưỡng xuống là không có căn cứ chấp nhận.

[3] Xét kháng cáo của chị Lê Thị D về việc buộc anh Trịnh Vinh c phải trả lại số tiền mà chị D một mình đã bỏ ra để cấp dưỡng nuôi cháu Lê Gia p từ khi sinh ngày 12/01/2014 cho đến ngày 12/10/2017 (ngày chị làm đơn khởi kiện) là 45 tháng với số tiền là 45 tháng X 1.500.000 đồng/tháng = 67.500.000 đồng, thấy răng: Tại phiên tòa phúc thẩm, anh c thừa nhận cháu p là con của mình, từ khi sinh ra đến nay cháu p do chị D nuôi dưỡng, là do anh C chưa được xác nhận là cha hợp pháp của cháu p, mặc dù vậy nhưng khi chị D sinh, anh C có đưa cho chị D 05 triệu đồng để chị chuẩn bị sinh. Sau đó anh C có đưa cho chị D mỗi năm trung bình 05 tháng, mỗi tháng 01 triệu đồng tiền cấp dưỡng nuôi con. Còn chị D chỉ thừa nhận anh C có đưa cho chị D 05 triệu đồng để chị chuẩn bị sinh và anh C chỉ đưa cho chị D ba lần mỗi lần 01 triệu đồng.

[4] Xét theo quy định tại Điều 82, 83; khoản 24 Điều 3, Điều 107, 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Điều 281 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con chưa thành niên được phát sinh từ khi người 3 con được sinh ra. Việc cấp dưỡng nuôi con là quyền và là nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con. Cháu Lê Gia p là con chung của chị Lê Thị D và anh Trịnh Vinh c, nhưng từ khi cháu p sinh ra là ngày^ 12/01/2014 cho đến ngày 12/10/2017 (ngày chị D làm đơn khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng), một mình chị D chăm sóc, nuôi dưỡng và chi trả các khoản chi phí nuôi con. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu buộc anh c hoàn trả lại số tiền chi phí mà chị D bỏ ra để nuôi cháu p từ ngày sinh ra 12/01/2014 cho đến ngày 12/10/2017 (ngày chị D làm đơn khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng) là không phù hợp làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích họp pháp của chị D. Do đó, cần chấp nhận một phần kháng cáo của chị D, buộc anh c phải hoàn trả lại cho chị D Vi của số tiền 02 triệu đồng/tháng mà chị D đã bỏ ra nuôi con tính từ ngày 12/01/2014 cho đến ngày 12/10/2017 như sau: 45 tháng X 1.000.000 đồng/tháng = 45.000.000 đồng.

[5] Anh C trình bày mỗi năm trung bình anh c đã cấp dưỡng 05 tháng, mỗi tháng 01 triệu đồng cho chị D nuôi con. Nhưng anh c không có tài liệu chứng cứ chứng minh, chị D chỉ thừa nhận có nhận của anh C 03 lần mỗi lần 01 triệu đồng tiền cấp dưỡng nuôi con, nên chỉ có cơ sở chấp nhận anh C có cấp dưỡng nuôi con cho chị D được 03 tháng, mỗi tháng l.OOO.OOOđ, tổng cộng là 3.000.000đ, số tiền này được khấu trừ vào số tiền 45.000.000đ cấp dưỡng nuôi con mà anh C phải hoàn trả lại cho chị D (45.000.000đ - 3.000.000đ)= 42.000.000đ.

[6] Riêng số tiền 5.000.000đ anh c đưa cho chị D, đây là chi phí sinh đẻ nên anh c không được trừ vào số tiền cấp dưỡng nuôi con.

[7] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm mức cấp dưỡng của anh c là có căn cứ.

[8] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước đề nghị không chấp nhận kháng cáo của chị D yêu cầu anh C phải cấp dưỡng nuôi con từ ngày 12/01/2014 cho đến ngày 12/10/2017 là không có căn cứ.

[9] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không có kháng nghị có hiệu lực từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[10] Án phí hôn nhân phúc thẩm: Anh Trịnh Vinh c phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ khoản 2 Điều 308, 309 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án;

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh Trịnh Vinh.

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của chị Lê Thị D.

Sửa Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 48/2017/HNGĐ-ST ngày 22/11/2017 của Toà án nhân dân huyện Lộc Ninh.

Áp dụng các điều 3, 14, 68,69,71,82, 83, 107, 110, 116, 117, 119 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Điều 281 Bộ luật Dân sự năm 2005.

[1] Công nhận sự thỏa thuận giữa chị Lê Thị D và anh Trịnh Vinh c. Xác định cháu Lê Gia p, sinh ngày 12/01/2014 là con ruột của chị Lê Thị D và anh Trịnh Vinh c. Giao cháu Lê Gia p cho chị Lê Thị D được quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến khi cháu Lê Gia p đủ 18 tuổi và có khả năng lao động.

[2] Buộc anh Trịnh Vinh c phải hoàn trả tiền cấp dưỡng nuôi con chung là cháu Lê Gia p cho chị Lê Thị D từ ngày 12/01/2014 đến 12/10/2017 là: 42.000.OOOđ (Bốn mươi hai triệu đồng). [3] Buộc anh Trịnh Vinh c phải cấp dưỡng nuôi con chung là cháu Lê Gia p cho chị Lê Thị D mỗi tháng 1.500.000 đồng (Một triệu năm trăm nghìn đồng) cho đến khi cháu Lê Gia p đủ 18 tuổi và có khả năng lao động. Thời gian bắt đầu tính cấp dưỡng tính từ ngày 12/10/2017 (Ngày chị D khởi kiện).

[4] Án phí hôn nhân sơ thẩm: Anh Trịnh Vinh c phải chịu 300.000 đồng. Chị Lê Thị D không phải chịu, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước hoàn trả cho chị D số tiền tạm ứng án phí 300.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0014898 ngày 12/10/2017.

[5] Án phí hôn nhân phúc thẩm: Anh Trịnh Vinh c phải chịu 300.000 đồng, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí anh c đã nộp theo biên lai số 0005554 ngày 30/11/2014 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

[6] Kể từ ngày bản án có hiệu lực, có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến thi hành xong tất cả các khoản tiền. Hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không có kháng nghị có hiệu lực từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“[4] Xét theo quy định tại Điều 82, 83; khoản 24 Điều 3, Điều 107, 110, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Điều 281 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con chưa thành niên được phát sinh từ khỉ người con được sinh ra. Việc cấp dưỡng nuôi con là quyên và là nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con. Cháu Lê Gia p là con chung của chị Lê Thị D và anh Trịnh Vinh c, nhưng từ khỉ cháu p sình ra là ngày 12/01/2014 cho đến ngày 12/10/2017 (ngày chị D làm đơn khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng) một mình chị D chăm sóc, nuôi dưỡng và chỉ trả các khoản chi phí nuôi con. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu buộc anh c hoàn trả lại số tiền chi phí mà 5 chị D bỏ ra để nuôi cháu p từ ngày sình ra 12/01/2014 cho đến ngày 12/10/2017 (ngày chị D làm đơn khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng) là không phù hợp làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị D. Do đó cần chấp nhận một phần kháng cáo của chị D, buộc anh c phải hoàn trả lại cho chị D Vi của so tiền 02 triệu đồng/tháng mà chị D đã bỏ ra nuôi con tính từ ngày 12/01/2014 cho đến ngày 12/10/2017 như sau: 45 tháng X 1.000.000 đồng/tháng = 45.000.000 đồng.”

7. Án lệ số 63/2023/AL về xem xét quyết định hành chính có liên quan đến hành vi hành chính bị khiếu kiện.

Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 04/2018/HC-GĐT ngày 23/10/2018 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về vụ án hành chính “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về việc cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự đô thị và yêu cầu đòi bồi thường do hành vi cưỡng chế gây ra” giữa người khởi kiện là ông Lê Hữu T, bà Lê Thị Ngọc L với người bị kiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường A.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 15 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Người khởi kiện khiếu kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính nhưng chỉ có hành vi hành chính còn thời hiệu khởi kiện.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án phải giải quyết yêu cầu khởi kiện đối với hành vi hành chính và có quyền xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính có liên quan đến hành vi hành chính bị khiếu kiện.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

Điều 6, Điều 116 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Theo đơn khởi kiện ngày 31/3/2014, vợ chồng ông Lê Hữu T, bà Lê Thị Ngọc L nêu các vấn đề:

[2] Khiếu kiện đối với Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 15/3/2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường A, thành phố H về việc cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại nhà số 45/266 đường P, phường A, thành phố H, do ông T, bà L làm chủ đầu tư xây dựng; ông bà cho rằng quyết định hành chính này là trái pháp luật.

[3] Khiếu kiện đối với hành vi cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường A, thành phố H tại nhà số 45/266 đường P, phường A, thành phố H và yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi cưỡng chế gây ra; ông bà cho rằng hành vi cưỡng chế này là trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.

[4] Xem xét nội dung khởi kiện và các tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, thấy:

[5] 1) Về khiếu kiện đối với quyết định hành chính:

[6] Ngày 15/3/2013, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường A, thành phố H ban hành Quyết định số 02/QĐ-UBND về việc cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại nhà số 45/266 đường P, phường A, thành phố H do ông T, bà L làm chủ đầu tư xây dựng. Ngày 18/3/2013 cán bộ Ủy ban nhân dân phường A tiến hành giao quyết định này cho ông T, bà L. Việc giao quyết định được lập biên bản vào lúc 11 giờ 30 phút với sự có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân phường, Mặt trận Tổ quốc, Tổ dân phố, cùng với 02 nhân chứng. Trong biên bản giao nhận thể hiện rõ số, ngày ban hành quyết định, nội dung cưỡng chế, bà L đã xem nội dung quyết định cưỡng chế nhưng không hợp tác, không ký vào biên bản và cho rằng việc cưỡng chế là không đúng pháp luật.

[7] Do đó, có cơ sở pháp lý xác định vào ngày 18/3/2013, vợ chồng ông T, bà L biết Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 15/3/2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường A.

[8] Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 104 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 thì thời hạn 1 năm (kể từ ngày biết được quyết định hành chính) để ông T, bà L thực hiện quyền khởi kiện đã kết thúc, nhưng ngày 31/3/2014 ông, bà mới khởi kiện nên Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm xác định thời hiệu khởi kiện Quyết định hành chính số 02 nêu trên đã hết là có căn cứ, đúng pháp luật.

[9] 2) Về khiếu kiện đối với hành vi hành chính:

[10] Ngày 12/3/2014, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường A thực hiện hành vi cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại nhà số 45/266 đường P, phường A, thành phố H.

[11] Ngày 31/3/2014, ông T, bà L làm đơn khởi kiện đối với hành vi cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường A và yêu cầu bồi thường thiệt hại 620.000.000 đồng do hành vi cưỡng chế gây ra.

[12] Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 104 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 thì đơn của ông T, bà L còn trong thời hiệu khởi kiện, cần phải được giải quyết theo quy định của pháp luật.

[13] Xét thấy:

[14] Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính đã hết là đúng pháp luật nhưng không tiếp tục giải quyết khiếu kiện đối với hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường A (mà đình chỉ giải quyết vụ án hành chính về yêu cầu khởi kiện đối với Quyết định hành chính số 02/QĐ-UBND ngày 15/3/2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường A và trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện) là không đúng pháp luật, giải quyết như vậy là chưa đầy đủ và toàn diện đối với yêu cầu khởi kiện, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hành chính. Do đó cần chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, hủy Quyết định giải quyết việc kháng cáo số 02/2015/QĐPT-HC ngày 23/7/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và hủy Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính số 04/2015/QĐST-HC ngày 21/5/2015 của Tòa án nhân dân thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế để xét xử sơ thẩm lại về khiếu kiện của ông T, bà L đối với hành vi cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường A, thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế và yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi cưỡng chế gây ra nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đương sự.

[15] Do hành vi cưỡng chế xuất phát từ quyết định cưỡng chế và có mối liên hệ với nhau nên trong quá trình giải quyết yêu cầu khởi kiện đối với hành vi cưỡng chế, Hội đồng xét xử có quyền xem xét tính hợp pháp của quyết định cưỡng chế nêu trên và các quyết định hành chính khác có liên quan đến hành vi hành chính bị khiếu kiện mà không phụ thuộc các quyết định này còn hay hết thời hiệu khởi kiện nhằm đảm bảo vụ án được giải quyết toàn diện, triệt để, đúng pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ khoản 3 Điều 272; Điều 277 và Điều 278 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

1. Chấp nhận Kháng nghị giám đốc thẩm số 01/2018/KN-HC ngày 14/6/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.

2. Hủy Quyết định giải quyết việc kháng cáo số 02/2015/QĐPT-HC ngày 23/7/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính số 04/2015/QĐST-HC ngày 21/5/2015 của Tòa án nhân dân thành phố Huế. Chuyển hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân thành phố Huế xét xử sơ thẩm lại về khiếu kiện của ông Lê Hữu T, bà Lê Thị Ngọc L đối với hành vi cưỡng chế nhà số 45/266 đường P, phường A, thành phố H của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường A, thành phố H và yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi cưỡng chế gây ra theo đúng quy định của pháp luật.

3. Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“[15] Do hành vi cưỡng chế xuất phát từ quyết định cưỡng chế và có mối liên hệ với nhau nên trong quá trình giải quyết yêu cầu khởi kiện đối với hành vi cưỡng chế, Hội đồng xét xử có quyền xem xét tính hợp pháp của quyết định cưỡng chế nêu trên và các quyết định hành chính khác có liên quan đến hành vi hành chính bị khiếu kiện mà không phụ thuộc các quyết định này còn hay hết thời hiệu khởi kiện nhằm đảm bảo vụ án được giải quyết toàn diện, triệt để, đúng pháp luật.”

8. Án lệ số 64/2023/AL về định khung hình phạt và tình định khung tăng nặng "có tổ chức" trong tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản".

Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 15/2022/HS-GĐT ngày 04/10/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án hình sự “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Trần Văn N và đồng phạm.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 7, 8, 12, 13 và 14 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ 1:

Bị cáo lên kế hoạch, chuẩn bị các công cụ, phương tiện phạm tội để bắt cóc bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản.

- Giải pháp pháp lý 1:

Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Tòa án phải căn cứ vào giá trị tài sản bị cáo định chiếm đoạt để định khung hình phạt.

- Tình huống án lệ 2:

Trong số các bị cáo có bị cáo là người cầm đầu, khởi xướng, trực tiếp rủ các bị cáo khác tham gia việc bắt giữ bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản, lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các bị cáo khác; giữa các bị cáo có sự cấu kết chặt chẽ, thực hiện hành vi nhất quán theo sự chỉ đạo của bị cáo cầm đầu.

- Giải pháp pháp lý 2:

Trường hợp này, các bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Về tội danh:

[2] Quá trình điều tra và tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, lời khai nhận của các bị cáo phù hợp với lời khai của bị hại, người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở xác định:

[3] Vào khoảng tháng 8/2018, anh Lưu Mạnh T vay của Trần Văn N 150.000.000 đồng. Do nhiều lần đòi nợ nhưng anh T không trả và nghỉ việc, trốn vào Thành phố Hồ Chí Minh nên N đã nghĩ cách bắt giữ anh T để đòi nợ. Sau khi bàn bạc, các bị cáo Phan Văn Q, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Diệu L, Nguyễn Quang T1 và Trịnh Anh T2 đã đồng ý tham gia. Các bị cáo đã dùng dây trói, đánh, bắt nhốt anh T từ khoảng 19 giờ 20 phút ngày 15/01/2019 đến khoảng 11 giờ ngày 19/01/2019 để gây áp lực, nhằm mục đích buộc anh T phải thông báo cho gia đình chuyển 150.000.000 đồng vào tài khoản của anh T để trả nợ cho N.

[4] Hành vi nêu trên của các bị cáo N, Q, Đ, L, T1, T2 đã đủ yếu tố cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự. Việc Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm kết án các bị cáo theo tội danh này là có căn cứ, đúng pháp luật.

[5] Về hình phạt:

[6] Về tình tiết định khung tăng nặng tại điểm e khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự.

[7] Trong vụ án này, các bị cáo thực hiện hành vi bắt giữ, trói, nhốt, đánh anh Lưu Mạnh T nhằm gây áp lực để T phải gọi cho gia đình, người thân chuyển số tiền 150.000.000 đồng mà anh T đã vay của Trần Văn N vào tài khoản của anh T, trả nợ cho N thì anh T mới được thả về. Như vậy, mục đích của chuỗi hành vi bắt giữ, trói, nhốt, đánh anh T mà các bị cáo thực hiện là nhằm chiếm đoạt số tiền 150.000.000 đồng của gia đình anh T. Việc chị Lưu Thị H (chị họ của anh T) mới chuyển vào tài khoản của anh T 02 lần với tổng số tiền là 15.000.000 đồng và trong tài khoản của anh T có sẵn 23.928.049 đồng nhưng các bị cáo chưa buộc anh T rút số tiền này để đưa cho các bị cáo, không làm thay đổi mục đích chiếm đoạt ban đầu của các bị cáo là 150.000.000 đồng.

[8] Do đó, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền 150.000.000 đồng là mục đích chiếm đoạt của các bị cáo từ khi bắt đầu việc bắt giữ anh Lưu Mạnh T. Các bị cáo phải bị xét xử về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung hình phạt “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng” được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự.

[9] Về lập luận của Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng các bị cáo trong vụ án này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 169 Bộ luật Hình sự với lý do các bị cáo chưa chiếm đoạt số tiền 150.000.000 đồng của gia đình anh T, thì thấy: tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” là tội phạm có cấu thành hình thức. Do đó, thời điểm tội phạm hoàn thành là khi các bị cáo có hành vi bắt giữ anh Lưu Mạnh T, gây áp lực để gia đình anh T phải chuyển số tiền 150.000.000 đồng theo yêu cầu của các bị cáo vào tài khoản của anh T, để anh T rút trả nợ cho N thì anh T mới được thả. Tội phạm hoàn thành không phụ thuộc vào việc các bị cáo đã chiếm đoạt được số tiền 150.000.000 đồng này hay chưa? Tình tiết “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng” là tình tiết định khung tăng nặng của khoản 1 Điều 169 Bộ luật Hình sự nên vẫn tuân theo nguyên tắc cấu thành hình thức của khoản 1, theo đó “số tiền chiếm đoạt” để định khung ở đây vẫn phải xem xét theo mục đích chiếm đoạt của các bị cáo khi thực hiện hành vi bắt giữ anh T. Việc Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng cụm từ “nhằm chiếm đoạt tài sản” ở khoản 1 và cụm từ “số tiền chiếm đoạt” ở khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự phải được hiểu khác nhau, theo đó cụm từ “nhằm chiếm đoạt tài sản” ở khoản 1 được hiểu là chỉ cần các bị cáo có mục đích chiếm đoạt tài sản của gia đình người bị bắt cóc, còn thực tế có chiếm đoạt được hay không không ảnh hưởng đến cấu thành tội phạm; còn cụm từ “số tiền chiếm đoạt” ở khoản 2 được hiểu là phải chiếm đoạt được số tiền này trên thực tế thì mới cấu thành tội phạm ở khung tăng nặng là không có căn cứ.

[10] Việc Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng cần xét xử các bị cáo với tình tiết định khung tăng nặng “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng” được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật, cần chấp nhận.

[11] Về tình tiết định khung tăng nặng tại điểm a khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự:

[12] Trong vụ án này, bị cáo Trần Văn N là người khởi xướng; trực tiếp rủ các bị cáo khác (Q, Đ, L, T1, T2) tham gia việc bắt giữ anh Lưu Mạnh T nhằm chiếm đoạt số tiền 150.000.000 đồng mà anh T vay của N; trực tiếp chuẩn bị các công cụ, phương tiện phạm tội như còng số 8, dây trói, xịt hơi cay ...; là người lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các bị cáo khác từ việc dùng zalo của bị cáo L mạo danh để kết bạn, rủ anh T từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, chọn địa điểm đón anh T (sân bay Nội Bài), phân công L đi đón anh T, chọn địa điểm, thời gian để xe taxi chở L và anh T phải tạm dừng dọc đường để xe taxi chở N và đồng bọn tiếp cận, bắt giữ anh T, chọn địa điểm nhốt anh T, phân công người trông giữ anh T ... do vậy, N là người tổ chức, cầm đầu, chủ mưu. Các bị cáo khác là người thực hành, giúp sức tích cực cho N trong kế hoạch bắt giữ anh T nhằm gây áp lực để gia đình anh T phải chuyển tiền theo yêu cầu của N vào tài khoản của anh T từ đó chiếm đoạt số tiền này, cấn trừ khoản nợ mà anh T đã vay của N trước đó. Giữa N và các bị cáo khác có sự cấu kết chặt chẽ, các bị cáo khác đều thực hiện nhất quán theo sự chỉ đạo của N. Hành vi bắt giữ, trói, nhốt, đánh anh T nhằm chiếm đoạt số tiền 150.000.000 đồng của gia đình anh T của các bị cáo kéo dài từ ngày 12/01/2019 đến ngày 19/01/2019. Do đó, hành vi của các bị cáo có dấu hiệu của phạm tội “có tổ chức” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự.

[13] Việc Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xét xử các bị cáo với tình tiết định khung tăng nặng “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng” ở điểm e khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự mà chưa xem xét tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức” như phân tích ở trên là thiếu sót.

[14] Việc Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị áp dụng thêm tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, cần được chấp nhận.

[15] Về hình phạt:

[16] Vai trò của các bị cáo trong vụ án:

[17] Bị cáo Trần Văn N là người khởi xướng, giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu.

[18] Các bị cáo Phan Văn Q, Nguyễn Văn Đ khi được bị cáo Trần Văn N rủ tham gia bắt giữ anh Lưu Mạnh T để đòi nợ đã giúp sức tích cực cho N, Q và Đ còn có hành vi bắt giữ, trói, đánh, đe dọa bị hại nên có vai trò thứ 2 sau N.

[19] Các bị cáo Nguyễn Quang T1, Trịnh Anh T2 có vai trò thứ 3 trong vụ án. Bị cáo Trịnh Anh T2 mặc dù không được bàn bạc từ trước nhưng tại nhà nghỉ gần sân bay Nội Bài, khi N bàn bạc về việc bắt anh T, T2 đã đồng ý và lái xe theo sự chỉ đạo của N.

[20] Bị cáo Nguyễn Diệu L có hành vi cho bị cáo Trần Văn N mượn tài khoản zalo để kết bạn, hẹn anh T từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội; tham gia đón và đưa anh Lưu Mạnh T đến điểm hẹn theo kế hoạch của N. Tuy nhiên, khi nhóm của N bắt giữ anh T thì L đã bỏ về Hà Nội và không tham gia nữa. Do đó, L giữ vai trò thấp nhất trong vụ án.

[21] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các bị cáo

[22] Tình tiết tăng nặng: các bị cáo không có tình tiết tăng nặng.

[23] Tình tiết giảm nhẹ: các bị cáo đều ra đầu thú, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội và ăn năn hối cải, các bị cáo đã bồi thường cho bị hại 20.000.000 đồng và bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo. Do đó, các bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

[24] Bị cáo L, Q, T1 và T2 có bố, mẹ, ông, bà nội, ngoại được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến nên được áp dụng thêm khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

[25] Tại giai đoạn phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Văn Đ có thêm tình tiết giảm nhẹ: có công tố giác 02 vụ án về cướp tài sản và trộm cắp tài sản được Công an huyện P, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận. Bị cáo Trần Văn N xuất trình thêm tài liệu thể hiện bị cáo đang thờ cúng liệt sĩ, ông bà nội bị cáo được tặng thưởng nhiều huân, huy chương; bị cáo còn cung cấp thông tin để cơ quan điều tra bắt giữ đối tượng mua bán trái phép chất ma túy, bị cáo được chính quyền địa phương xác nhận đã tự nguyện tham gia tích cực trong phong trào chống dịch Covid 19.

[26] Về nhân thân: các bị cáo N, Q, Đ, L đều có nhân thân tốt. Bị cáo T1 và bị cáo T2 tuy từng bị xét xử nhưng đã được đương nhiên xóa án tích trước khi phạm tội trong vụ án này thời gian khá lâu.

[27] Về quyết định hình phạt:

[28] Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng Thẩm phán thấy rằng:

[29] Hành vi phạm tội của các bị cáo N, Q, Đ, L, T1, T2 trong vụ án này phải bị xem xét trách nhiệm hình sự theo các điểm a, e khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự.

[30] Việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo với 01 tình tiết định khung tăng nặng tại điểm e khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự, áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự xử phạt các bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự (từ 05 năm đến 12 năm tù) là không nghiêm.

[31] Việc Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, xét xử các bị cáo theo khoản 1 Điều 169 Bộ luật Hình sự và giảm hình phạt cho tất cả các bị cáo là không có căn cứ.

[32] Do sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt nên không thể xét xử phúc thẩm lại theo hướng tăng hình phạt, bất lợi cho các bị cáo. Vì vậy, cần chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại, để xem xét toàn diện, khách quan tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội của các bị cáo, từ đó trên cơ sở vị trí, vai trò của từng bị cáo mà quyết định mức hình phạt phù hợp.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ Điều 382, khoản 3 Điều 388, Điều 391 và Điều 394 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

1. Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 29/QĐ-VKSTC ngày 31/8/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 535/2020/HSPT ngày 30/10/2020 của Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và Bản án hình sự sơ thẩm số 49/2019/HSST ngày 08/10/2019 của Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh về phần trách nhiệm hình sự đối với Trần Văn N, Phan Văn Q, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Quang T1, Nguyễn Diệu L và Trịnh Anh T2.

3. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“[7] Trong vụ án này, các bị cáo thực hiện hành vi bắt giữ, trói, nhốt, đánh anh Lưu Mạnh T nhằm gây áp lực để T phải gọi cho gia đình, người thân chuyển số tiền 150.000.000 đồng mà anh T đã vay của Trần Văn N vào tài khoản của anh T, trả nợ cho N thì anh T mới được thả về. Như vậy, mục đích của chuỗi hành vi bắt giữ, trói, nhốt, đánh anh T mà các bị cáo thực hiện là nhằm chiếm đoạt số tiền 150.000.000 đồng của gia đình anh T. Việc chị Lưu Thị H (chị họ của anh T) mới chuyển vào tài khoản của anh T 02 lần với tổng số tiền là 15.000.000 đồng và trong tài khoản của anh T có sẵn 23.928.049 đồng nhưng các bị cáo chưa buộc anh T rút số tiền này để đưa cho các bị cáo, không làm thay đổi mục đích chiếm đoạt ban đầu của các bị cáo là 150.000.000 đồng.

[8] Do đó, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền 150.000.000 đồng là mục đích chiếm đoạt của các bị cáo từ khi bắt đầu việc bắt giữ anh Lưu Mạnh T. Các bị cáo phải bị xét xử về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung hình phạt “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng” được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự.”

“[12] Trong vụ án này, bị cáo Trần Văn N là người khởi xướng; trực tiếp rủ các bị cáo khác (Q, Đ, L, T1, T2) tham gia việc bắt giữ anh Lưu Mạnh T nhằm chiếm đoạt số tiền 150.000.000 đồng mà anh T vay của N; trực tiếp chuẩn bị các công cụ, phương tiện phạm tội như còng số 8, dây trói, xịt hơi cay ...; là người lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các bị cáo khác từ việc dừng zalo của bị cáo L mạo danh để kết bạn, rủ anh T từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, chọn địa điểm đón anh T (sân bay Nội Bài), phân công L đi đón anh T, chọn địa điểm, thời gian để xe taxi chở L và anh T phải tạm dừng dọc đường để xe taxi chở N và đồng bọn tiếp cận, bắt giữ anh T, chọn địa điểm nhốt anh T, phân công người trông giữ anh T ... do vậy, N là người tổ chức, cầm đầu, chủ mưu. Các bị cáo khác là người thực hành, giúp sức tích cực cho N trong kế hoạch bắt giữ anh T nhằm gây áp lực để gia đình anh T phải chuyển tiền theo yêu cầu của N vào tài khoản của anh T từ đó chiếm đoạt số tiền này, cấn trừ khoản nợ mà anh T đã vay của N trước đó. Giữa N và các bị cáo khác có sự cấu kết chặt chẽ, các bị cáo khác đều thực hiện nhất quán theo sự chỉ đạo của N. Hành vi bắt giữ, trói, nhốt, đánh anh T nhằm chiếm đoạt số tiền 150.000.000 đồng của gia đình anh T của các bị cáo kéo dài từ ngày 12/01/2019 đến ngày 19/01/2019. Do đó, hành vi của các bị cáo có dấu hiệu của phạm tội “có tổ chức” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự.

[13] Việc Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xét xử các bị cáo với tình tiết định khung tăng nặng “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng” ở điểm e khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự mà chưa xem xét tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức” như phân tích ở trên là thiếu sót.

[14] Việc Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị áp dụng thêm tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức ” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, cần được chấp nhận.”

9. Án lệ số 65/2023/AL về truy cứu trách nhiệm hình sự tội "Mua bán người".

Nguồn án lệ:

Bản án hình sự sơ thẩm số 42/2018/HSST ngày 03/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu về vụ án “Mua bán người” đối với các bị cáo Dương Văn S, Phạm Hồng K, Dương Thị T1, Trần Ích C.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 9, 10 và 11 phần “Nhận định của Toà án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Bị cáo thông qua trung gian đưa ra lời đề nghị với bị hại về một công việc nên bị hại nhận lời. Sau đó, bị cáo chuyển giao bị hại cho người khác, buộc làm công việc trái ý muốn của bị hại nhằm mục đích kiếm lời.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Mua bán người”.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

- Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

- Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[2] Về thủ tục tố tụng:

[3] Về tính hợp pháp của hành vi, quyết định tố tụng trong điều tra, truy tố và xét xử:

[4] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Hải, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hải, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, các bị cáo, bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[5] Về sự vắng mặt của bị hại:

[6] Tại phiên tòa hôm nay, các bị hại vắng mặt, tuy nhiên xét thấy trong hồ sơ vụ án đã có lời khai, nội dung khai rất rõ ràng, vì vậy việc vắng mặt của họ không trở ngại cho việc xét xử nên Hội đồng xét xử áp dụng Điều 292 Bộ luật Tố tụng hình sự tiến hành xét xử vắng mặt bị hại.

[7] Nội dung vụ án:

[8] Lời khai nhận của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với nhau, phù hợp với lời khai của bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, đã đủ cơ sở kết luận:

[9] Do biết được các tàu đánh cá trên địa bàn huyện Đ cần nhiều người đi biển (ngư phủ) nên bị cáo Dương Văn S đã liên kết với đối tượng G tìm người cung cấp cho các chủ tàu để hưởng tiền chênh lệch.

[10] Đối tượng tên G đã đưa lời đề nghị cần lao động làm lơ xe với mức lương cao nên các anh D, T và M nhận lời. Khi nhận được các bị hại, đối tượng G chở xuống giao cho bị cáo S và nhận số tiền 9.000.000 đồng. Bị cáo S đã chỉ đạo đồng bọn là các bị cáo K, T1 và C thay phiên canh giữ để bị cáo tìm tàu đánh bắt giao lại lấy tiền chênh lệch.

[11] Hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra là rất nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, quyền tự do của con người được Hiến pháp và pháp luật quy định, xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, các bị cáo nhận thức được việc mua bán người là vi phạm pháp luật, nhưng vì tư lợi cá nhân và lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của các bị hại nên các bị cáo đã thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Các bị cáo là người đủ năng lực pháp luật chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mà mình gây ra.

[12] Hành vi của các bị cáo xảy ra từ tháng 7/2017 và được quy định tại tình tiết định khung tăng nặng “đối với nhiều người” theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 119 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 có mức hình phạt từ 05 năm đến 20 năm, còn theo Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi thuộc tình tiết định khung “từ 02 người đến 05 người” được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 150 có mức hình phạt từ 8 năm đến 15 năm là nhẹ hơn so với Bộ luật Hình sự năm 1999 nên cần áp dụng có lợi cho các bị cáo theo khoản 3 Điều 7 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, điểm h khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội. Do đó, hành vi nêu trên của các bị cáo đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội “Mua bán người” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015.

[13] Ngoài ra, trong quá trình giữ người, bị cáo S chỉ đạo bị cáo K và T1 dùng hung khí đe dọa lấy tư trang cá nhân và tài sản của các anh D, T và M gồm ba lô, quần áo, 03 điện thoại di động và 03 cái ví (bên trong ví của anh T có giấy chứng minh nhân dân mang tên anh T; bên trong ví của anh M có giấy chứng minh nhân dân, 01 thẻ ATM mang tên anh M và số tiền 700.000 đồng; bên trong ví của anh D có giấy chứng minh nhân dân, 01 thẻ ATM mang tên anh D và số tiền 1.000.000 đồng). Kết quả định giá tài sản các bị cáo chiếm đoạt có giá trị 10.300.200 đồng. Như vậy, tổng giá trị tài sản là 12.000.200 đồng. Như vậy, hành vi đe dọa dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản của người khác đối với các bị cáo S, T1 và K đã thỏa mãn yếu tố cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 135 Bộ luật Hình sự năm 1999.

[14] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo:

[15] Các bị cáo chưa có tiền án, tiền sự; trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đối với tội “Mua bán người” mặc dù các bị hại không yêu cầu nhưng các bị cáo đã tự nguyện khắc phục được một phần hậu quả cho bị hại. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 được áp dụng cho các bị cáo. Bị cáo S và K có 02 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 nên được áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng trong điều luật. Đối với bị cáo T1 và C, mặc dù là đồng phạm nhưng giữ vai trò không đáng kể, lại phạm tội lần đầu, có hoàn cảnh khó khăn, bị tác động từ bị cáo S là anh ruột nên nhất thời phạm tội. Vì vậy, cần thiết áp dụng khoản 1, khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 áp dụng mức hình phạt thấp hơn khung liền kề của điều luật áp dụng.

[16] Trong vụ án này, vai trò của bị cáo S là nguy hiểm, trực tiếp chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện; bị cáo K là người giúp sức quyết liệt nhất, là người trực tiếp dùng hung khí nguy hiểm đe dọa đối với bị hại nên mức hình phạt áp dụng cho bị cáo S và K cao hơn bị cáo T1 và C. Với những phân tích trên, xét thấy cần có mức hình phạt nghiêm khắc, cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định để có điều kiện giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và tôn trọng quy tắc sống trong cộng đồng.

[17] Về hình phạt bổ sung: Theo quy định tại khoản 4 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”. Tuy nhiên, theo các tài liệu chứng cứ và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa đều cho thay các bị cáo là lao động tự do, điều kiện kinh tế còn khó khăn, do đó Hội đồng xét xử quyết định không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo.

[18] Vật chứng trong vụ án gồm:

[19] Điện thoại di động, ví da, balo và quần áo, Cơ quan điều tra đã áp dụng điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự giao trả cho các bị hại là phù hợp.

[20] Đối với số tiền 980.000 đồng, Công an huyện Đông Hải đã gửi tại Ngân hàng N, chi nhánh huyện Đ, trong đó của bị cáo S 480.000 đồng, bị cáo K 500.000 đồng, số tiền này không có liên quan trong vụ án nên được giao trả lại cho các bị cáo. Tuy nhiên, để đảm bảo thi hành án dân sự, cần tiếp tục quản lý để thi hành án sau này.

[21] Đối với 01 cây dao có cán màu vàng dài 21 cm, lưỡi dao bằng kim loại dài 11 cm (một bề được mài sắc), nơi rộng nhất của lưỡi dao là 02cm; 01 cây dao tự chế dài 49cm, phần cán dao và lưỡi dao được làm bằng kim loại, lưỡi dao dài 35cm (một bề được mài sắc), nơi rộng nhất của lưỡi dao là 03 cm; 01 thanh kim loại có dạng hình hộp chữ nhật, bên trong rỗng, một đầu thanh kim loại được quấn vải, chiều dài 63cm chiều rộng 04cm, chiều cao 02cm, các vật chứng trên không còn giá trị sử dụng nên áp dụng khoản 2 Điều 106 tịch thu tiêu hủy.

[22] Về trách nhiệm dân sự: Anh Bùi Văn D yêu cầu các bị cáo S, K và T1 bồi thường số tiền 1.000.000 đồng, anh Lê Đức M yêu cầu bồi thường số tiền 700.000 đồng. Tại phiên tòa, các bị cáo đồng ý bồi thường nên căn cứ Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 584, 585, 586, 592 Bộ luật Dân sự năm 2015, buộc các bị cáo Dương Văn S, Dương Thị T1 và Phạm Hồng K mỗi bị cáo bồi thường cho anh Bùi Văn D số tiền 333.400 đồng; các bị cáo Dương Văn S, Dương Thị T1 và Phạm Hồng K mỗi bị cáo bồi thường cho anh Lê Đức M số tiền 233.400 đồng.

[23] Bị cáo Dương Văn S, Dương Thị T1 và Phạm Hồng K mỗi bị cáo nộp 400.000 đồng tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đông Hải để khắc phục hậu quả cho các bị hại nên anh M được nhận 400.000 đồng, anh D được nhận 400.000 đồng, anh T được nhận 400.000 đồng. Bị cáo Trần Ích C đã nộp khắc phục hậu quả số tiền 1.700.000 đồng, các bị hại anh T, anh M và anh D mỗi người được nhận 566.600 đồng.

[24] Xét thấy quan điểm của Kiểm sát viên về tội danh mức hình phạt, các tình tiết tăng, giảm nhẹ và các vấn đề khác có liên quan trong vụ án là có căn cứ được chấp nhận.

[25] Về án phí hình sự và dân sự: Bị cáo nộp theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH:

1. Tuyên bố: Bị cáo Dương Văn S, Phạm Hồng K, Trần Ích C và Dương Thị T1 phạm tội “Mua bán người”. Bị cáo Dương Văn S, Phạm Hồng K, Dương Thị T1 phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

1.1. Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 150; điểm b, s khoản 1 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 38; khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội. Xử phạt bị cáo Dương Văn S 07 năm tù về tội “Mua bán người”;

Áp dụng khoản 1 Điều 135 Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm s khoản 1 Điều 51, Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Xử phạt bị cáo Dương Văn S 01 năm 06 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Áp dụng Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tổng hợp hình phạt hai tội bị cáo phải chấp hành là 08 (tám) năm 06 (sáu) tháng; thời gian chấp hành hình phạt tính từ ngày 29/7/2017.

1.2. Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 150; điểm b, s khoản 1 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 38; khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội. Xử phạt bị cáo Phạm Hồng K 06 (sáu) năm tù về tội “Mua bán người”;

Áp dụng khoản 1 Điều 135 Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm s khoản 1 Điều 51, Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Xử phạt bị cáo Phạm Hồng K 01 (một) năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Áp dụng Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tổng hợp hình phạt hai tội bị cáo phải chấp hành là 07 (bảy) năm. Thời gian chấp hành hình phạt tính từ ngày 29/7/2017.

1.3. Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 150; điểm b, s khoản 1 Điều 51; khoản 1, khoản 2 Điều 54; Điều 38; khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội. Xử phạt bị cáo Dương Thị T1 03 (ba) năm tù về tội “Mua bán người”;

- Áp dụng khoản 1 Điều 135 Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm s khoản 1 Điều 51, Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Xử phạt bị cáo Dương Thị T1 01 (một) năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Áp dụng Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tổng hợp hình phạt hai tội bị cáo phải chấp hành là 04 (bốn) năm. Thời gian chấp hành phạt được tính kể từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án.

1.4. Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 150; điểm b, s khoản 1 Điều 51; khoản 1, khoản 2 Điều 54; Điều 38; khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội. Xử phạt bị cáo Trần Ích C 03 (ba) năm tù về tội “Mua bán người”. Thời gian chấp hành hình phạt tính từ ngày 29/7/2017.

2. Về trách nhiệm dân sự:

Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự; các Điều 584, 585, 586, 592 Bộ luật Dân sự năm 2015. Buộc các bị cáo Dương Văn S, Dương Thị T1 và Phạm Hồng K mỗi bị cáo bồi thường cho anh Bùi Văn D số tiền 333.400 đồng; các bị cáo Dương Văn S, Dương Thị T1 và Phạm Hồng K mỗi bị cáo bồi thường cho anh Lê Đức M số tiền 233.400 đồng.

Ngoài ra, anh Trần Văn T, anh Lê Đức M và anh Bùi Văn D mỗi người được nhận số tiền 966.600 đồng. Bị hại và bị cáo nhận và nộp tiền tại Chi cục thi hành án.

3. Vật chứng:

Áp dụng Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự: Tịch thu tiêu hủy 01 cây dao có cán màu vàng dài 21 cm, lưỡi dao bằng kim loại dài 11cm (một bề được mài sắc), nơi rộng nhất của lưỡi dao là 02cm; 01 cây dao tự chế dài 49cm, phần cán dao và lưỡi dao được làm bằng kim loại, lưỡi dao dài 35cm (một bề được mài sắc), nơi rộng nhất của lưỡi dao là 03 cm; 01 thanh kim loại có dạng hình hộp chữ nhật, bên trong rỗng một đầu thanh kim loại được quấn vải, chiều dài 63cm, chiều rộng 04cm, chiều cao 02cm các vật chứng trên hiện Chi cục thi hành án dân sự huyện Đông Hải đang quản lý.

Đối với số tiền 980.000 đồng, Công an huyện Đông Hải đã gửi tại Ngân hàng N, chi nhánh huyện Đ, trong đó của bị cáo S 480.000 đồng, bị cáo K 500.000 đồng, tiếp tục tạm giữ để bảo đảm thi hành án dân sự.

4. Về án phí hình sự sơ thẩm:

Áp dụng Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án. Buộc các bị cáo mỗi bị cáo nộp 200.000 đồng tại Chi cục thi hành án. Án phí dân sự, bị cáo S, T1 và K mỗi bị cáo nộp 300.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu thêm khoản tiền lãi của số tiền chậm thi hành theo mức lãi suất quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án, theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bị cáo và những người tham gia tố tụng khác có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Những người vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được tống đạt hợp lệ.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“[9] Do biết được các tàu đánh cá trên địa bàn huyện Đ cần nhiều người đi biển (ngư phủ) nên bị cáo Dương Văn S đã liên kết với đối tượng G tìm người cung cấp cho các chủ tàu để hưởng tiền chênh lệch.

[10] Đối tượng tên G đã đưa lời đề nghị cần lao động làm lơ xe với mức lương cao nên các anh D, T và M nhận lời. Khi nhận được các bị hại, đối tượng G chở xuống giao cho bị cáo S và nhận số tiền 9.000.000 đồng. Bị cáo S đã chỉ đạo đồng bọn là các bị cáo K, T1 và C thay phiên canh giữ để bị cáo tìm tàu đánh bắt giao lại lấy tiền chênh lệch.

[11] Hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra là rất nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, quyền tự do của con người được Hiến pháp và pháp luật quy định, xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, các bị cáo nhận thức được việc mua bán người là vi phạm pháp luật, nhưng vì tư lợi cá nhân và lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của các bị hại nên các bị cáo đã thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Các bị cáo là người đủ năng lực pháp luật chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mà mình gây ra.”

10. Án lệ số 66/2023/AL về việc xác định tội danh "Mua bán người".

Nguồn án lệ:

Bản án hình sự phúc thẩm số 86/2022/HS-PT ngày 17/02/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vụ án “Mua bán người” đối với các bị cáo Trịnh Thị H và Đặng Thị C.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 3, 5 và 6 phần “Nhận định của Toà án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Bị cáo có hành vi lừa gạt, hứa hẹn về lợi ích với bị hại làm cho bị hại tin tưởng và tự nguyện theo bị cáo ra nước ngoài, sau đó bị cáo giao bị hại cho người khác để nhận tiền.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án phải xác định tội danh của bị cáo là tội “Mua bán người” mà không phải tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.

Quy định của pháp luật có liên quan:

- Điều 150 và Điều 349 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

- Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Hành vi, quyết định tố tụng của các cơ quan điều tra, truy tố, Điều tra viên, Kiểm sát viên và người tiến hành tố tụng khác trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tại cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo, người bị hại không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện là hợp pháp.

[2] Về tội danh: Căn cứ vào lời khai của các bị cáo, của chị N1, người làm chứng, Biên bản giao nhận người giữa Công an Móng Cái với tổ chức R, Giấy chứng nhận về nước của Trạm quản lý xuất nhập cảnh Móng Cái và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, có căn cứ xác định bị cáo H và C đã thực hiện hành vi phạm tội như sau:

[3] H biết đàn ông Trung Quốc có nhu cầu lấy phụ nữ Việt Nam làm vợ thông qua người tên là T, quê ở tỉnh Bạc Liêu lấy chồng người Trung Quốc. T nói với H môi trường hợp đưa được người sang Trung Quốc, T trả cho H 04 vạn nhân dân tệ (tương đương với 120.000.000đ tiền Việt Nam). H bàn và thống nhất với C: H có trách nhiệm tìm người, sắp xếp đi lại, ăn nghỉ, liên hệ người nhận bên Trung Quốc và giá cả, còn C phụ trách phiên dịch, đưa người sang Trung Quốc, giao người và nhận tiền về đưa cho H, tiền trả cho C sẽ thống nhất sau. Nội dung này tại phiên tòa cơ bản bị cáo H, C thừa nhận, chỉ khác so với giai đoạn điều tra là: Bị cáo H khai sau khi bố chị N1 không đồng ý cho N1 lấy chồng Trung Quốc thì H và C mới phân công nhau, C thì cho rằng do H nhờ C đưa chị N1 sang Trung Quốc chứ không bàn bạc gì. Như vậy H và C có động cơ, mục đích là đưa phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc giao cho T để T gả bán cho đàn ông Trung Quốc lấy làm vợ và được nhận tiền; H và C không có chức năng môi giới trong việc lấy vợ hoặc lấy chồng người nước ngoài, H và C không có ý thức đưa người khác trốn đi nước ngoài và trong vụ án này thì bị hại là chị N1 được các bị cáo C, H coi như một vật trao đổi để lấy tiền.

[4] Để thực hiện mục đích trên, ngày 03/01/2020, H và C đến nhà chị N1 hỏi nguyện vọng và thuyết phục chị N1 sang Trung Quốc lấy chồng, bằng thủ đoạn: Nói với chị N1 việc đàn ông Trung Quốc rất chiều vợ, cuộc sống bên đó rất sung sướng. Nếu chị N1 nhất trí lấy chồng Trung Quốc thì sẽ cho chị N1 xem mặt chú rể và làm thủ tục kết hôn tại Việt Nam, chị N1 sẽ được số tiền sính lễ 60.000.000đ và còn được tiền gửi về cho gia đình. Nội dung này bị cáo H đều thừa nhận, còn bị cáo C tại phiên tòa công nhận là có nói đàn ông Trung Quốc chiều chuộng, cuộc sống sung sướng, các nội dung khác đều không biết. Chị N1 nghe H và C nói vậy nên mới đồng ý mặc dù bố mẹ chị N1 không nhất trí cho chị N1 lấy chồng Trung Quốc. Ngày 06/01/2020, H cho người đến đón chị N1 đi Hà Nội làm hộ chiếu. Ngày 07/01/2020, H bố trí đưa chị N1 lên Lạng Sơn, đồng thời làm visa, đưa tiền cho C, bắt xe cho C lên Lạng Sơn gặp chị N1 ở nhà nghỉ Y. Ngày 08/01/2020, H và C đưa chị N1 đi đến tỉnh Hà Nam - Trung Quốc giao chị N1 cho T2 (là người của T) và C nhận 1.000 nhân dân tệ (theo chị N1 cung cấp), số tiền còn lại chuyển H sau. Chị N1 bị người của T đưa đi gặp 01 người đàn ông dự kiến lấy làm chồng nhưng chị N1 không nhất trí vì không phải người mà H và C giới thiệu trong ảnh khi ở Việt Nam. Chị N1 biết là mình bị lừa nên liên hệ với gia đình và người quen ở Trung Quốc để làm thủ tục trình báo với cơ quan chức năng Trung Quốc. Ngày 26/3/2020, chị N1 được bàn giao cho lực lượng Biên phòng Việt Nam tại cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh, trong văn bản có ghi bàn giao người bị bán sang Trung Quốc.

[5] Như vậy, bị cáo H và C bằng thủ đoạn lừa nói với chị N1 rằng kết hôn với đàn ông Trung Quốc được gặp mặt chú rể, làm thủ tục kết hôn tại Việt Nam, được tiền sính lễ, cuộc sống sung sướng, được tiền gửi về gia đình... Chị N1 tưởng là thật nên đã đi theo C sang Trung Quốc và bị H, C bán lấy tiền. Bị cáo C trình bày bị cáo không được H cho biết nội dung cụ thể của việc đưa chị N1 sang Trung Quốc làm gì mà chỉ giúp H đi phiên dịch và cầm tiền về. Tuy nhiên tại các biên bản lấy lời khai, bản tự khai trong giai đoạn điều tra, C thừa nhận C và H bàn nhau đưa phụ nữ sang Trung Quốc lấy chồng để kiếm tiền và có sự phân công nhiệm vụ của từng người, việc đưa người sang Trung Quốc được 04 vạn nhân dân tệ, C và H không nói cho N1 biết; ngày 03/01/2020 ở nhà C, chị N1 bảo bố chị N1 không đồng ý nên không có đủ giấy tờ để lấy chồng Trung Quốc, H bảo chị N1 nếu không có giấy tờ thì dẫn chị N1 “đi chui” và bảo C đưa chị N1 đi thì C đồng ý, C bảo chị N1 nếu có giấy tờ sang đó sẽ tốt hơn; H2 ở Lạng Sơn là người chở chị N đi đường khác sang Trung Quốc. Tại phiên tòa, bị cáo C thừa nhận trong giai đoạn điều tra không bị ép cung, mớm cung, dùng nhục hình, khai báo tự nguyện, đúng sự thật. Do đó, cơ cơ sở xác định giữa H và C có sự bàn bạc về việc đưa phụ nữ sang Trung Quốc bán kiếm lời, C biết chị N1 không có đủ giấy tờ hợp pháp nhưng vẫn đưa chị N1 sang Trung Quốc, giao cho người khác để nhận tiền, C trình bày trước đây làm giúp việc ở Macau nhưng chỉ ở trong nhà, không biết đường đi lối lại ở Trung Quốc nhưng vẫn nói với chị N1 rằng lấy chồng Trung Quốc sung sướng để dụ dỗ, lừa chị N1 đồng ý cho C và H đưa chị N1 đi.

[6] Căn cứ vào hành vi các bị cáo đã thực hiện được mô tả như nêu trên, căn cứ vào hậu quả là chị N1 bị các bị cáo Trịnh Thị H và Đặng Thị C đưa sang Trung Quốc giao cho người đàn ông Trung Quốc để được nhận lợi ích vật chất là tiền. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Mua bán người” theo điểm d khoản 2 Điều 150 Bộ luật Hình sự và áp dụng mức hình phạt đối với các bị cáo theo khung hình phạt là phù hợp.

[7] Xét kháng cáo của các bị cáo:

[8] Tòa án cấp sơ thẩm trong quá trình xét xử đánh giá vụ án đồng phạm giản đơn, trong đó xác định bị cáo Trịnh Thị H có vai trò cao hơn bị cáo Đặng Thị C. Đồng thời, trên cơ sở đánh giá các bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, các bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: Thành khẩn khai báo, thái độ ăn năn hối cải, hai bị cáo đều có nhân thân tốt, từ trước đến nay chưa từng vi phạm pháp luật, bị cáo C có bố mẹ đẻ được tặng thưởng Huân, Huy chương, Bằng khen; từ đó, áp dụng mức hình phạt đối với bị cáo H cao hơn mức hình phạt áp dụng đối với bị cáo C là đúng.

[9] Tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo đã tác động gia đình bồi thường cho người bị hại toàn bộ số tiền 30 triệu đồng như bản án sơ thẩm đã tuyên, bị hại trực tiếp nhận tại phiên tòa xác nhận là đúng và tự nguyện rút toàn bộ nội dung kháng cáo; đồng thời, đề nghị Hội đồng xét xử giảm hình phạt cho các bị cáo. Do tại phiên tòa có tình tiết giảm nhẹ mới áp dụng cho các bị cáo được quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự và đánh giá trong vụ án này thấy phía bị hại cũng có một phần lỗi khi tự nguyện để H và C đưa sang Trung Quốc nhằm mục đích kết hôn với đàn ông nước sở tại, hy vọng được đổi đời, có cuộc sống sung túc hơn. Hội đồng xét xử thấy có căn cứ áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự, giảm cho các bị cáo một phần hình phạt là đúng pháp luật.

[10] Xét kháng cáo của bị hại:

[11] Tại phiên tòa hôm nay, bị hại, đại diện theo ủy quyền của bị hại thừa nhận đã nhận đủ số tiền 30 triệu đồng do các bị cáo bồi thường và tự nguyện xin rút toàn bộ nội dung kháng cáo. Thấy đây là ý chí tự nguyện của phía bị hại nên Hội đồng xét xử trên cơ sở đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, căn cứ Điều 348 Bộ luật Tố tụng hình sự quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị hại.

[12] Tổng hợp những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy có căn cứ chấp nhận kháng cáo của các bị cáo. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại phiên tòa là có căn cứ, được chấp nhận.

[13] Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Các bị cáo, bị hại không phải chịu án phí phúc thẩm.

[14] Vì các lẽ trên, căn cứ Điều 348, Điều 355, Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phí và lệ phí; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

QUYẾT ĐỊNH:

- Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của chị Nguyễn Thị N1.

- Chấp nhận kháng cáo xin giảm hình phạt của các bị cáo Trịnh Thị H và Đặng Thị C.

  1. Tuyên bố các bị cáo Trịnh Thị H và Đặng Thị C phạm tội “Mua bán người”.

- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 150, các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 17, Điều 58, Điều 38 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Trịnh Thị H 08 (tám) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam 16/10/2020.

- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 150, các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 17, Điều 54, Điều 58 Bộ luật Hình sự. Xử phạt Đặng Thị C 06 (sáu) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam 30/9/2020.

  1. Về trách nhiệm dân sự:

Xác nhận các bị cáo đã thực hiện xong việc bồi thường trách nhiệm dân sự cho bị hại số tiền 30 triệu đồng theo quyết định của bản án hình sự sơ thẩm đã tuyên.

  1. Các bị cáo, bị hại không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.
  2. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“[3]... H và C có động cơ, mục đích là đưa phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc giao cho T để T gả bán cho đàn ông Trung Quốc làm vợ và được nhận tiền; H và C không có chức năng môi giới trong việc lấy chồng người nước ngoài, H và C không có ý thức đưa người trốn đi nước ngoài và trong vụ án này thì bị hại là chị N1 được các bị cáo C, H coi như một vật trao đổi để lấy tiền.

[5]... giữa H và C có sự bàn bạc về việc đưa phụ nữ sang Trung Quốc bán kiếm lời, C biết chị N1 không có đủ giấy tờ hợp pháp nhưng vẫn đưa chị N1 sang Trung Quốc, giao cho người khác để nhận tiền, C trình bày trước đây làm giúp việc ở Macau nhưng chỉ ở trong nhà, không biết đường đi lối lại ở Trung Quốc nhưng vẫn nói với chị N1 rằng lấy chồng Trung Quốc sung sướng để dụ dỗ, lừa chị N1 đồng ý cho C và H đưa chị N1 đi.

[6] Căn cứ vào hành vi các bị cáo đã thực hiện được mô tả như nêu trên, căn cứ vào hậu quả là chị N1 bị các bị cáo Trịnh Thị H và Đặng Thị C đưa sang Trung Quốc giao cho người đàn ông Trung Quốc để được nhận lợi ích vật chất là tiền. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Mua bán người ” theo điểm d khoản 2 Điều 150 Bộ luật Hình sự và áp dụng mức hình phạt đối với các bị cáo theo khung hình phạt là phù hợp.”

11. Án lệ số 67/2023/Al về người được nhận hiện vật khi chia tài sản chung.

Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 40/2021/DS-GĐT ngày 23/6/2021 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vụ án dân sự "Tranh chấp chia tài sản chung” giữa nguyên đơn là cụ Nguyễn Thị Đ với bị đơn là anh Phạm Ngọc H; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 06 người.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 2, 3 và 4 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Trong vụ án chia tài sản chung là quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, một bên là người cao tuổi đã tạo lập, quản lý và sử dụng nhà đất ổn định, lâu dài, có nguyện vọng nhận nhà đất và thanh toán giá trị phần tài sản của người còn lại cho người đó. Nhà đất không thể chia được bằng hiện vật.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án phải quyết định giao nhà đất cho người cao tuổi và người cao tuổi phải thanh toán giá trị phần tài sản của người còn lại cho người đó.

Quy định của pháp luật có liên quan đến án lệ:

Điều 209 và Điều 219 Bộ luật Dân sự năm 2015.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Nhà đất thửa số 57-2, tờ bản đồ số 33, tại tổ 1, khu xóm B, thị trấn V, huyện X, thành phố Hà Nội có nguồn gốc là của vợ chồng cụ Phạm Ngọc T, cụ Nguyễn Thị Đ, được Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2005 diện tích 62,68msử dụng riêng và 21,3m2 sử dụng chung mang tên cụ T, cụ Đ.

[2] Ngày 12/3/2012, tại Văn phòng công chứng M, cụ T và cụ Đ lập di chúc chung có nội dung cho cháu trai là anh Phạm Ngọc H (là cháu nội của hai cụ) có toàn quyền sử dụng, sang tên khối tài sản nhà đất nêu trên của hai cụ. Sau khi cụ T chết, ngày 26/10/2019, tại Văn phòng công chứng Q, cụ Đ và anh H lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có nội dung anh H được hưởng toàn bộ phần di sản thừa kế của cụ T để lại; cụ Đ và anh H là đồng sở hữu, sử dụng diện tích nhà đất này và được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích 84m2, trong đó có 62,7m2 sử dụng riêng (đo thực tế là 66,6m2) và 21,3m2 ngõ đi chung (đo thực tế là 22,2m2), thửa số 57-2, tờ bản đồ số 33 mang tên cụ Đ, anh H.

[3] Theo Biên bản xem xét và thẩm định tại chỗ ngày 14/5/2020, thửa đất số 57-2 phần diện tích đất sử dụng riêng có kích thước chiều rộng phía giáp ngõ đi chung là 3,56m; chiều rộng phía sau là 3,67m; trên đất có ngôi nhà 2,5 tầng và nhà cấp 4. Theo Văn bản số 1101/UBND-TTPTQĐ ngày 03/6/2020, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì xác định, thửa số 57-2 bị thu hồi diện tích là 11,2m2, diện tích sử dụng còn lại là 55,0m2.

[4] Trong quá trình giải quyết vụ án, cụ Đ và anh H đều có nguyện vọng được nhận nhà đất và thanh toán giá trị cho nhau. Tuy nhiên, diện tích nhà đất có nguồn gốc là của vợ chồng cụ Đ, cụ T tạo lập và hai cụ sinh sống trên đất từ năm 1980; sau khi cụ T chết, cụ Đ vẫn quản lý, sử dụng, thờ cúng cụ T; năm 2016, anh H mới chuyển đến sinh sống cùng cụ Đ và không tạo lập được tài sản nào trên đất. Cụ Đ cho rằng, thực tế cụ và anh H không thể tiếp tục sống chung nhà nên có nguyện vọng được nhận nhà và thanh toán tiền cho anh H; các con của cụ Đ, cụ T là bà Phạm Thị Lan A, bà Phạm Thị Hải Y, bà Phạm Thị T1, bà Phạm Thị T2 đề nghị giao nhà đất cho cụ Đ để cụ có chỗ ở, có nơi thờ cúng cụ T cho đến khi cụ qua đời. Xét thấy cụ Đ đã cao tuổi, sức yếu, có hạn chế trong việc thay đổi, tạo lập chỗ ở khác nên việc giao nhà đất cho cụ Đ sở hữu, sử dụng và cụ Đ thanh toán cho anh H số tiền 1.390.198.415 đồng như quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là phù hợp với nguồn gốc và quá trình hình thành khối tài sản chung. Anh Phạm Ngọc H được hưởng giá trị 1/2 tài sản chung nói trên đủ để tạo lập chỗ ở mới.

[5] Như vậy, có căn cứ chấp nhận một phần kháng nghị theo hướng sửa Bản án dân sự phúc thẩm số 438/2020/DS-PT ngày 24/11/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 337, Điều 342, khoản 5 Điều 343 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Chấp nhận một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Sửa toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 438/2020/DS-PT ngày 24/11/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về vụ án “Tranh chấp chia tài sản chung” giữa nguyên đơn là cụ Nguyễn Thị Đ với bị đơn là anh Phạm Ngọc H, cụ thể như sau:

  1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Nguyễn Thị Đ đối với anh Phạm Ngọc H.
  2. Xác định tài sản chung của cụ Nguyễn Thị Đ và anh Phạm Ngọc H là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền đất tại thửa số 57-2, tờ bản đồ số 33, địa chỉ tại tổ 1, khu xóm B, thị trấn V, huyện X, thành phố Hà Nội, diện tích 84m2, trong đó có 62,7m2sử dụng riêng và 21,3m2ngõ đi chung, tổng trị giá là 2.780.396.830 đồng. Cụ Đ và anh H mỗi người có quyền sở hữu, sử dụng 1/2 tài sản chung trị giá 1.390.198.415 đồng.
  3. Chia tài sản chung của cụ Nguyễn Thị Đ và anh Phạm Ngọc H, cụ thể như sau:

Cụ Nguyễn Thị Đ được sở hữu, sử dụng toàn bộ nhà đất tại thửa số 57-2, tờ bản đồ số 33, địa chỉ tại tổ 1, khu xóm B, thị trấn V, huyện X, thành phố Hà Nội (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CS 939809 ngày 14/11/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cấp mang tên cụ Nguyễn Thị Đ, anh Phạm Ngọc H).

Cụ Nguyễn Thị Đ có nghĩa vụ thanh toán cho anh Phạm Ngọc H 1/2 tài sản chung trị giá là 1.390.198.415 đồng (Một tỷ, ba trăm chín mươi triệu, một trăm chín mươi tám nghìn, bốn trăm mười lăm đồng).

Cụ Nguyễn Thị Đ có quyền, nghĩa vụ liên hệ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục điều chỉnh (hoặc đổi, cấp) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với tài sản được chia nêu trên theo quy định của pháp luật.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền chưa thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015.

  1. Án phí: Cụ Nguyễn Thị Đ được miễn án phí dân sự sơ thẩm và không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Anh Phạm Ngọc H phải chịu án phí dân sự sơ thẩm số tiền là 53.700.000 đồng (Năm mươi ba triệu, bảy trăm nghìn đồng), được trừ vào số tiền tạm ứng án phí anh H đã nộp là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu số 06808 ngày 05/8/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Trì, còn phải nộp số tiền là 53.400.000 đồng (Năm mươi ba triệu, bốn trăm nghìn đồng).

Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“[2] Ngày 12/3/2012, tại Văn phòng công chứng M, cụ T và cụ Đ lập di chúc chung có nội dung cho cháu trai là anh Phạm Ngọc H (là cháu nội của hai cụ) có toàn quyền sử dụng, sang tên khối tài sản nhà đất nêu trên của hai cụ. Sau khi cụ T chết, ngày 26/10/2019, tại Văn phòng công chứng Q, cụ Đ và anh H lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có nội dung anh H được hưởng toàn bộ phần di sản thừa kế của cụ T để lại; cụ Đ và anh H là đồng sở hữu, sử dụng diện tích nhà đất này và được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích 84m2, trong đó có 62,7m2 sử dụng riêng (đo thực tế là 66,6m2) và 21,3m2 ngõ đi chung (đo thực tế là 22,2m2), thửa số 57-2, tờ bản đồ số 33 mang tên cụ Đ, anh H.

[3] Theo Biên bản xem xét và thẩm định tại chỗ ngày 14/5/2020, thửa đất số 57-2 phần diện tích đất sử dụng riêng có kích thước chiều rộng phía giáp ngõ đi chung là 3,56m; chiều rộng phía sau là 3,67m; trên đất có ngôi nhà 2,5 tầng và nhà cấp 4. Theo Văn bản số 1101/UBND-TTPTQĐ ngày 03/6/2020, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì xác định, thửa số 57-2 bị thu hồi diện tích là 11,2m2, diện tích sử dụng còn lại là 55,0m2.

[4] Trong quá trình giải quyết vụ án, cụ Đ và anh H đều có nguyện vọng được nhận nhà đất và thanh toán giá trị cho nhau. Tuy nhiên, diện tích nhà đất có nguồn gốc là của vợ chồng cụ Đ, cụ T tạo lập và hai cụ sinh sống trên đất từ năm 1980; sau khi cụ T chết, cụ Đ vẫn quản lý, sử dụng, thờ cúng cụ T; năm 2016, anh H mới chuyển đến sinh sống cùng cụ Đ và không tạo lập được tài sản nào trên đất. Cụ Đ cho rằng, thực tế cụ và anh H không thể tiếp tục sống chung nhà nên có nguyện vọng được nhận nhà và thanh toán tiền cho anh H; các con của cụ Đ, cụ T là bà Phạm Thị Lan A, bà Phạm Thị Hải Y, bà Phạm Thị T1, bà Phạm Thị T2 đề nghị giao nhà đất cho cụ Đ để cụ có chỗ ở, có nơi thờ cúng cụ T cho đến khi cụ qua đời. Xét thấy cụ Đ đã cao tuổi, sức yếu, có hạn chế trong việc thay đổi, tạo lập chỗ ở khác nên việc giao nhà đất cho cụ Đ sở hữu, sử dụng và cụ Đ thanh toán cho anh H số tiền 1.390.198.415 đồng như quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là phù hợp với nguồn gốc và quá trình hình thành khối tài sản chung. Anh Phạm Ngọc H được hưởng giá trị 1/2 tài sản chung nói trên đủ để tạo lập chỗ ở mới."

12. Án lệ số 68/2023 về quyền nhận di sản bằng hiện vật là nhà ở của người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 06/2019/DS-GĐT ngày 18/3/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế, đòi công sức đóng góp nuôi dưỡng, trông nom, bảo quản nhà, đất và đòi nhà, đất" giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Túy H với bị đơn là bà Lý Lan H1; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 06 người.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 5 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Người để lại di sản là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất chết trước ngày Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực pháp luật. Tranh chấp về chia thừa kế tài sản được Tòa án giải quyết tại thời điểm Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực pháp luật.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án áp dụng Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 để giải quyết.

Trường hợp có người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì người thừa kế được nhận di sản bằng hiện vật là nhà ở khi đủ điều kiện nhận nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2014 và di sản có thể phân chia bằng hiện vật.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

- Điểm d khoản 1 Điều 169; Điều 186 Luật Đất đai năm 2013;

- Khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1 ] Tại Tòa án, nguyên đơn là bà Nguyễn Túy H và bị đơn là bà Lý Lan H1 thống nhất chia cho bà H 120m2 đất trong tổng số 698,33m2 đất của cụ Lý Vĩnh K và cụ Nguyễn Ngọc H2 để lại. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm ghi nhận sự tự nguyện của các đương sự là phù hợp với quy định của pháp luật (nội dung này, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không kháng nghị).

[2] Về việc định giá tài sản: Ngày 01/02/2016, Tòa án cấp phúc thẩm định giá lại nhà, đất tại 151B đường N, phường M, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không thông báo cho nguyên đơn và bị đơn biết là không đúng với quy định của pháp luật và trái với quy định tại khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 (nay là khoản 4 Điều 104 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Tuy nhiên, tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao rút kháng nghị và không đề nghị Hội đồng xét xử xem xét về việc định giá tài sản trên, nên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm không xem xét.

[3] Đối với việc tính công sức cho ông Nguyễn Quang D: Năm 1978, bà Lý Lan H1 xuất cảnh sang Hoa Kỳ, chỉ còn cụ Nguyễn Ngọc H2 sống tại nhà số 151B đường N, phường M, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh. Theo hồ sơ kê khai thì từ năm 1982, ông D (cháu ruột cụ H2) đã ở cùng cụ H2 tại nhà 151B đường N, phường M, quận P và đến năm 1985, ông D và các con đã chuyển hộ khẩu về ở tại địa chỉ này. Năm 1998, cụ H2 xuất cảnh sang Hoa Kỳ và đã làm giấy ủy quyền cho ông D quản lý, sử dụng căn nhà trên (Hợp đồng ủy quyền có chứng nhận của Phòng Công chứng A Thành phố Hồ Chí Minh ngày 03/01/1998). Đến năm 2007, cụ H2 trở lại định cư tại Việt Nam, ông D là người cam kết bảo lãnh cho cụ H2 làm thủ tục hồi hương về Việt Nam (Theo giấy cam kết của ông D ngày 17/12/2007 có chứng thực của Ủy ban nhân dân phường M ngày 18/12/2007). Lúc này, cụ H2 tuổi đã cao, bà H1 xuất cảnh năm 1978 không ai trông nom cụ H2, nên ông D là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cụ H2 đến khi cụ H2 chết, ông D cũng là người đứng ra tổ chức lo toàn bộ ma chay (người đại diện theo ủy quyền của bà H1 cũng thừa nhận).

[4] Như vậy, có cơ sở xác định ông D là người có công sức trông nom, bảo quản, giữ gìn khối tài sản trên; đồng thời, ông D cũng là người có công chăm sóc, nuôi dưỡng và mai táng cụ H2. Tuy nhiên, tại Tòa án các đương sự đều xác định khi ông D quản lý, sử dụng nhà 151B đường N, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh có kinh doanh quán bán cà phê thu lợi nhuận (Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể số 1657/HKD ngày 31/7/2000). Trong trường hợp này, lẽ ra phải làm rõ công sức bảo quản tài sản, khoản tiền chăm sóc, nuôi dưỡng và mai táng khi cụ H2 chết, đồng thời làm rõ thu nhập từ việc kinh doanh quán bán cà phê để từ đó xác định công sức của ông D cho phù hợp, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa làm rõ những vấn đề nói trên nhưng chia công sức bằng hiện vật là 120m2 trong tổng số 698,33m2 đất cho ông D (tương ứng một phần thừa kế như bà Nguyễn Túy H) là không có cơ sở, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà H1.

[5] Đối với việc giao hiện vật là phần thừa kế của bà Lý Lan H1 cho ông Nguyễn Quang D: Theo quy định tại khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013: “Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định...”. Theo quy định tại khoản 4 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013: “Trường hợp trong số những người nhận thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam còn những người khác thuộc diện được nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa phân chia thừa kế quyền sử dụng đất cho từng người nhận thừa kế thì những người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào sổ địa chính. Sau khi giải quyết xong việc phân chia thừa kế thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì phân thừa kế được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều này”. Như vậy, nếu bà H1 không được quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng được quyền chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế. Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 để xác định bà H1 không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giao toàn bộ hiện vật đối với phần thừa kế của bà H1 bao gồm nhà, đất trên diện tích 485,33m2 cho ông D và ông D thanh toán cho bà H1 giá trị quyền sử dụng đất và giá trị xây dựng nhà với số tiền 15.822.058.210 đồng là không đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, tại thời điểm xét xử phúc thẩm Luật Nhà ở năm 2014 đã có hiệu lực. Theo khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014 thì bà H1 đủ điều kiện nhận thừa kế nhà ở tại Việt Nam. Do pháp luật thay đổi nên Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm và giao toàn bộ hiện vật đối với phần thừa kế cho bà H1 mới đúng.

[6] Vì vậy, cần chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hủy một phần bản án dân sự phúc thẩm và một phần bản án dân sự sơ thẩm nêu trên về chia công sức đóng góp nuôi dưỡng, trông nom, bảo quản nhà đất và giao hiện vật để xét xử sơ thẩm lại, đúng quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ khoản 2 Điều 337, khoản 3 Điều 343 và Điều 345 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

  1. Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 06/QĐKNGĐT-VKS-DS ngày 18/10/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
  2. Hủy một phần Bản án dân sự phúc thẩm số 71/2016/DS-PT ngày 21/4/2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và hủy một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 409/2015/DS-ST ngày 05/5/2015 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Túy H với bị đơn là bà Lý Lan H1 và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về chia công sức đóng góp, bảo quản giữ gìn khối tài sản tương ứng bằng 120m2đất cho ông Nguyễn Quang D và việc ông Nguyễn Quang D được nhận toàn bộ hiện vật của bà Lý Lan H1.
  3. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, đúng quy định của pháp luật.

NỘI DUNG ÁN LỆ:

“[5] ... Như vậy, nếu bà H1 không được quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng được quyền chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế. Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 để xác định bà H1 không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giao toàn bộ hiện vật đối với phần thừa kế của bà H1 bao gồm nhà, đất trên diện tích 485,33m2 cho ông D và ông D thanh toán cho bà H1 giá trị quyền sử dụng đất và giá trị xây dựng nhà với số tiền 15.822.058.210 đồng là không đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, tại thời điểm xét xử phúc thẩm Luật Nhà ở năm 2014 đã có hiệu lực. Theo khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014 thì bà H1 đủ điều kiện nhận thừa kế nhà ở tại Việt Nam. Do pháp luật thay đổi nên Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm và giao toàn bộ hiện vật đối với phần thừa kế cho bà H1 mới đúng.

13. Án lệ số 69/2023/AL về thẩm quyền của Trọng tài thương mại trong việc giải quyết tranh chấp thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh.

Nguồn án lệ:

Quyết định 755/2018/QĐ-PQTT ngày 12/6/2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc dân sự “Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài”; người yêu cầu là bà Đỗ Thị Mai T, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH R.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 8 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Người lao động và người sử dụng lao động ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh về việc sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động không được làm công việc tương tự hoặc công việc cạnh tranh với người sử dụng lao động trong thời hạn nhất định, nếu có tranh chấp sẽ giải quyết bằng Trọng tài thương mại.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án phải xác định tranh chấp về thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh giữa hai bên là thỏa thuận độc lập với hợp đồng lao động, thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

- Khoản 2 Điều 2, Điều 13 và khoản 4 Điều 35 Luật Trọng tài thương mại năm 2010;

- Khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Điều 6 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Luật Trọng tài thương mại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1 ] Sau khi xem xét toàn bộ tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên họp; nghe ý kiến tranh luận của các đương sự; nghe ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét đơn nhận định:

[2] Về thủ tục tố tụng:

[3] Về thời hiệu nộp đơn yêu cầu: Ngày 19/02/2018 là ngày công bố Phán quyết trọng tài vụ kiện số 75/17 HCM. Ngày 27/02/2018, bị đơn nhận được phán quyết trọng tài và ngày 22/3/2017, bà Đỗ Thị Mai T nộp đơn yêu cầu Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hủy phán quyết trọng tài là còn trong thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Trọng tài thương mại.

[4] Hội đồng xét đơn nhận định các lý do của bà Đỗ Thị Mai T đưa ra để hủy phán quyết trọng tài như sau:

[5] Lý do “Thỏa thuận trọng tài vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật” và “Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Xét thấy, căn cứ Điều 13 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định: “Trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của Luật này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do Luật này quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài hoặc Tòa án”. Điều 6 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 hướng dẫn Luật Trọng tài thương mại do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định: “Trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối với Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài những vi phạm đó trong thời hạn do Luật Trọng tài thương mại quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài, hoặc tại Tòa án đối với những vi phạm đã biết đó. Trường hợp Luật Trọng tài thương mại không quy định thời hạn thì thời hạn được xác định theo thỏa thuận của các bên hoặc quy tắc tố tụng trọng tài” và “Trường hợp Tòa án xác định vi phạm đã mất quyền phản đối quy định tại Điều 13 Luật Trọng tài thương mại và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này thì bên đã mất quyền phản đối không được quyền khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài, yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đối với những vi phạm đã mất quyền phản đối đó. Tòa án không được căn cứ vào các vi phạm mà một hoặc các bên đã mất quyền phản đối để quyết định chấp nhận yêu cầu của một hoặc các bên”. Điều 9 Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC có hiệu lực từ ngày 01/3/2017 quy định: “Trong trường hợp bị đơn cho rằng thỏa thuận trọng tài không tồn tại, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì bị đơn phải nêu rõ trong Bản tự bảo vệ. Nếu bị đơn không nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ thì bị đơn mất quyền phản đối”. Trong Bản tự bảo vệ đề ngày 04/12/2017 của bà T cũng như trong suốt quá trình tố tụng trọng tài, bà T không hề đưa ra bất cứ phản đối nào đối với thỏa thuận trọng tài. Như vậy, bà T đã mất quyền phản đối về thỏa thuận trọng tài theo quy định nêu trên.

[6] Bên cạnh đó, bà T cho rằng NDA vi phạm quy định về quyền làm việc của người lao động, vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Việc làm năm 2013 mà Hội đồng trọng tài vẫn công nhận NDA là Hội đồng trọng tài đã vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp luật của người lao động cũng như điều cấm tại Luật Việc làm năm 2013. Xét thấy tại Điều 4 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản bên nào. Cam kết, thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng”. Trong trường hợp này, giữa bà T với Công ty R đã tự nguyện ký kết, khi ký bà T là người có đầy đủ năng lực hành vi theo quy định của pháp luật, không bị ép buộc, lừa dối hay áp đặt ý chí để bà T phải chấp nhận ký NDA. Do đó, NDA có hiệu lực. Việc Hội đồng trọng tài công nhận hiệu lực của NDA là hoàn toàn đúng pháp luật.

[7] Lý do hủy phán quyết trọng tài vì “Thủ tục trọng tài trái với các quy định của Luật Trọng tài thương mại”. Bà T cho rằng thủ tục trọng tài trái với quy định của Luật Trọng tài thương mại bởi: “Phán quyết đã được lập vào ngày thứ 31 kể từ ngày diễn ra phiên họp của Hội đồng trọng tài” và “Phán quyết trọng tài đã không được gửi đến bà ngay sau ngày ban hành tức phải ngày 20/01/2018”. Căn cứ khoản 5 và khoản 6 Điều 148 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó” và “Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó”. Phiên họp cuối cùng giải quyết vụ tranh chấp giữa Công ty R và bà T được tổ chức vào ngày 19/01/2018, tuy nhiên do ngày 18/02/2018, ngày thứ 30 kể từ ngày diễn ra Phiên họp cuối cùng là ngày Chủ nhật, tức ngày nghỉ cuối tuần, nên Hội đồng trọng tài ban hành phán quyết vào ngày 19/02/2018 là vẫn còn trong thời hạn theo quy định viện dẫn nêu trên. Ngày 20/02/2018 và 21/02/2018 là ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán, nên theo quy định tại khoản 5 Điều 148 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hạn gửi phán quyết không thể kết thúc vào các ngày này, mà kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ của ngày làm việc tiếp theo, tức ngày 22/02/2018. Do đó, phán quyết được gửi cho các bên trong ngày 22/02/2018 là vẫn còn trong thời hạn quy định tại Luật Trọng tài thương mại.

[8] Lý do “Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài”: Bà T cho rằng “Tranh chấp về NDA là tranh chấp sẽ do Tòa án giải quyết”. Căn cứ khoản 2 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại quy định: “Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài: Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại”. Công ty R là thương nhân, có đăng ký kinh doanh, có hoạt động thương mại theo Luật Thương mại năm 2005. Do đó, thỏa thuận trọng tài thuộc thẩm quyền giải quyết của VIAC và trọng tài theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại. Nội dung này đã được Hội đồng trọng tài kết luận tại Phiên họp ngày 19/01/2018 (Phần A, trang 5 và Phần C, trang 6 của phán quyết). Khoản 4 Điều 35 Luật Trọng tài thương mại quy định: “Trường hợp bị đơn cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thoả thuận trọng tài, thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì phải nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ”. Trong khi đó, tại Bản tự bảo vệ cũng như trong suốt quá trình tố tụng trọng tài, bà T không đưa ra bất cứ phản đối nào đối với thẩm quyền của Trọng tài mà vẫn tiếp tục tố tụng trọng tài, vẫn tham gia phiên họp giải quyết tranh chấp. Như vậy, bà T đã mất quyền phản đối về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài theo quy định tại Điều 13 Luật Trọng tài thương mại và hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP. Bên cạnh đó, bà T cho rằng tranh chấp giữa các bên là tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, vì NDA là một phần không thể tách rời của các Hợp đồng lao động giữa bà T và Công ty R. Tại đoạn 11 Bản luận cứ đề ngày 18/01/2018 của Luật sư bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của bà T tại VIAC và tại Phiên họp cuối cùng, Luật sư của bà T đã khẳng định lại quan điểm NDA hoàn toàn độc lập với các Hợp đồng lao động giữa Công ty R và bà T. Do đó, Hội đồng xét đơn xác định thỏa thuận NDA là một thỏa thuận độc lập, khi có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài như sự lựa chọn của các bên từ khi ký kết.

[9] Lý do “Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo”: Xét thấy, Công ty R đã cung cấp cho Hội đồng trọng tài và bà T: Thư xác nhận của Ngân hàng TNHH Một thành viên Z (Việt Nam) và Phiếu lương tháng liền kề trước hành vi vi phạm NDA của bà T. Các chứng cứ này là các tài liệu do Ngân hàng Z và Công ty R xác nhận nên không thể xem là giả mạo. Hơn nữa căn cứ khoản 4 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại, đây là phần nội dung, không thuộc thẩm quyền của hội đồng xét đơn.

[10] Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên họp có ý kiến: Đề nghị không chấp nhận yêu cầu của bà T về việc hủy phán quyết trọng tài. Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp với nhận định của hội đồng xét đơn nên chấp nhận.

[11] Từ những nhận định trên không chấp nhận yêu cầu của bà Đỗ Thị Mai T.

[12] Căn cứ khoản 3 Điều 39 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thì trường hợp của bà Đỗ Thị Mai T phải chịu lệ phí Tòa án, tuy nhiên trong phần danh mục lệ phí Tòa án thì lại không quy định rõ đối với loại việc yêu cầu hủy phán quyết trọng tài lệ phí là bao nhiêu. Vì vậy, bà Đỗ Thị Mai T không phải chịu lệ phí.

Bởi các lẽ trên,

Căn cứ khoản 2 Điều 31, điểm a khoản 3 Điều 38, khoản 3 Điều 414 và Điều 415 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ khoản 1 Điều 5, điểm g khoản 2 Điều 7, khoản 2 Điều 16, Điều 60, khoản 2 Điều 68, khoản 1 Điều 69, Điều 71, Điều 72 Luật Trọng tài thương mại;

Căn cứ Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại.

QUYẾT ĐỊNH:

  1. Không chấp nhận yêu cầu của bà Đỗ Thị Mai T về việc hủy Phán quyết trọng tài số 75/17 HCM của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) lập ngày 19/02/2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Quyết định này là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, tức ngày 12 tháng 6 năm 2018. Các bên, Hội đồng trọng tài không có quyền khiếu nại, kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“[8] ... Bà T cho rằng “Tranh chấp về NDA là tranh chấp sẽ do Tòa án giải quyết ”. Căn cứ khoản 2 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại quy định: “Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài: Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại”. Công ty R là thương nhân, có đăng ký kinh doanh, có hoạt động thương mại theo Luật Thương mại năm 2005. Do đó, thỏa thuận trọng tài thuộc thẩm quyền giải quyết của VIAC và trọng tài theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại. Nội dung này đã được Hội đồng trọng tài kết luận tại Phiên họp ngày 19/01/2018 (Phần A, trang 5 và Phần C, trang 6 của phán quyết). Khoản 4 Điều 35 Luật Trọng tài thương mại quy định: “Trường hợp bị đơn cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thoả thuận trọng tài, thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì phải nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ”. Trong khi đó, tại Bản tự bảo vệ cũng như trong suốt quá trình tố tụng trọng tài, bà T không đưa ra bất cứ phản đối nào đối với thẩm quyền của Trọng tài mà vẫn tiếp tục tố tụng trọng tài, vẫn tham gia phiên họp giải quyết tranh chấp. Như vậy, bà T đã mất quyền phản đối về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài theo quy định tại Điều 13 Luật Trọng tài thương mại và hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP. Bên cạnh đó, bà T cho rằng tranh chấp giữa các bên là tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, vì NDA là một phần không thể tách rời của các Hợp đồng lao động giữa bà T và Công ty R. Tại đoạn 11 Bản luận cứ đề ngày 18/01/2018 của Luật sư bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của bà T tại VIAC và tại Phiên họp cuối cùng, Luật sư của bà T đã khẳng định lại quan điểm NDA hoàn toàn độc lập với các Hợp đồng lao động giữa Công ty R và bà T. Do đó, Hội đồng xét đơn xác định thỏa thuận NDA là một thỏa thuận độc lập, khi có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài như sự lựa chọn của các bên từ khi ký kết."

14. Án lệ số 70/2023/AL về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách.

Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 06/2022/LĐ-GĐT ngày 26/9/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án lao động “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” giữa nguyên đơn là ông Vương Quốc A với bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn K Việt Nam.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 3 và 4 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Người lao động và người sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn. Trong thời hạn hợp đồng, người lao động trúng cử Chủ tịch Ban chấp hành công đoàn cơ sở nhưng việc ứng cử và trúng cử là không hợp lệ. Hết thời hạn hợp đồng, người sử dụng lao động ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án phải xác định người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động là đúng.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

- Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 (tương ứng với Điều 34 Bộ luật Lao động 2019); Điều 192 Bộ luật Lao động 2012;

- Điều 25 Luật Công đoàn 2012.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Ông Vương Quốc A và Công ty TNHH K Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ty K) ký hợp đồng lao động số 15/HĐLĐ/KD.14 ngày 25/4/2015, thời hạn 12 tháng, hết hạn ngày 25/4/2016. Trong thời gian hợp đồng lao động có hiệu lực, Công đoàn cơ sở Công ty K được thành lập và ông Vương Quốc A được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành lâm thời theo Quyết định số 111/QĐCN-CĐKCN ngày 25/11/2015, thời hạn 12 tháng để tiến hành đại hội bầu Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở trước ngày 25/11/2016. Vì vậy, Công ty K và ông A ký văn bản thỏa thuận số 137/HĐLĐ/KD.16 về việc gia hạn hợp đồng lao động của ông A đến ngày 25/11/2016, trong đó ghi rõ “Gia hạn thời gian tới khi kết thúc nhiệm kỳ BCH Công đoàn 25/11/2015-25/11/2016”. Thỏa thuận gia hạn hợp đồng lao động nêu trên là phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 192 Bộ luật Lao động 2012 và Điều 25 Luật Công đoàn.

[2] Song song với việc gia hạn hợp đồng lao động với ông A cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ Ban Chấp hành Công đoàn như đã nêu trên, Công ty K cùng có nhiều văn bản thông báo cho ông A và Công đoàn Khu công nghiệp B biết sẽ không tái ký hợp đồng lao động với ông A sau khi hết thời hạn gia hạn, cụ thể: Quyết định số 03/2016/QĐNV-KD ngày 24/3/2016; các Văn bản ngày 24/10/2016, 07/11/2016; Quyết định số 05/2016/QĐNV-KD ngày 25/11/2016. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông A thừa nhận có nhận được các quyết định, thông báo của Công ty K về việc không tái ký hợp đồng lao động với ông.

[3] Tại thời điểm ngày 24/10/2016, khi Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời tiến hành Đại hội thì hợp đồng lao động của ông A chỉ còn thời hạn 01 tháng, nhưng ông A và Công đoàn Khu công nghiệp vẫn đưa ông A vào danh sách bầu cử Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở để bầu là không phù hợp với Hướng dẫn số 398/HD-TLĐ ngày 28/3/2012 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là: “Người tham gia Ban Chấp hành ngoài đảm bảo theo tiêu chuẩn, còn phải đáp ứng các điều kiện sau: về tái cử ban chấp hành: Có đủ tuổi công tác để đảm nhiệm ít nhất 1/2 nhiệm kỳ”. Do đó, việc ông A trúng cử Chủ tịch Ban chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty K nhiệm kỳ 2016-2021 và được Công đoàn Khu công nghiệp ban hành Quyết định số 138/QĐCN-CĐKCN ngày 27/10/2016 công nhận là không hợp lệ về tiêu chuẩn người ứng cử, người trúng cử.

[4] Sau khi hết thời hạn gia hạn hợp đồng lao động, Công ty K ban hành Quyết định số 05/2016/QĐNV-KD ngày 25/11/2016 chấm dứt hợp đồng lao động với ông A là đúng quy định tại khoản 1 Điều 36 của Bộ luật Lao động 2012. Do đó, việc ông A khởi kiện cho rằng việc Công ty K ban hành Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông trái pháp luật là không có cơ sở chấp nhận. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A là không đúng quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ Điều 337, Điều 343 và Điều 349 Bộ luật Tố tụng dân sự.

  1. Chấp nhận Kháng nghị số 01/2022/KN-LĐ ngày 22/4/2022 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Hủy Bản án phúc thẩm số 19/2020/LĐ-PT ngày 30/7/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 21/2019/LĐ-ST ngày 21/11/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
  3. Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

NỘI DUNG ÁN LỆ

"[3] Tại thời điểm ngày 24/10/2016, khi Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời tiến hành Đại hội thì hợp đồng lao động của ông A chỉ còn thời hạn 01 tháng, nhưng ông A và Công đoàn Khu công nghiệp vẫn đưa ông A vào danh sách bầu cử Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở để bầu là không phù hợp... Do đó, việc ông A trúng cử Chủ tịch Ban chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty K nhiệm kỳ 2016-2021 và được Công đoàn Khu công nghiệp ban hành Quyết định số 138/QĐCN-CĐKCN ngày 27/10/2016 công nhận là không hợp lệ về tiêu chuẩn người ứng cử, người trúng cử.

[4] Sau khi hết thời hạn gia hạn hợp đồng lao động, Công ty K ban hành Quyết định số 05/2016/QĐNV-KD ngày 25/11/2016 chấm dứt hợp đồng lao động với ông A là đúng quy định tại khoản 1 Điều 36 của Bộ luật Lao động. Do đó, việc ông A khởi kiện cho rằng việc Công ty K ban hành Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông trái pháp luật là không có cơ sở chấp nhận. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A là không đúng quy định của pháp luật.”

HÃNG LUẬT ANH BẰNG xin được tổng hợp, biên tập gửi tới Quý Bạn đọc quan tam tham khảo*

Trân trọng.

〉〉 Hãng Luật Anh Bằng | Luật sư tư vấn | Dân sự | Đất đai | Hôn nhân Gia đình | Kinh tế | Lao động | Hành chính | Tranh tụng | Đại diện

HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. since 2007 | VPGD: P. 905, Tòa nhà CT 4.5, ngõ 6, Phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội | Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 * E : luatsuanhbang@gmail.com | Hotline GĐ: 0913 092 912 - Zalo 0982 69 29 12 Luật sư Minh Bằng | Web: hangluatanhbang.vn

Share

Đường dây tư vấn nóng của HÃNG LUẬT ANH BẰNG

0913. 092. 912 - 0982 69 29 12
0243. 7.675.594 - 0243. 7. 673.930
luatsuanhbang@gmail.com
P.905, tầng 9 tòa nhà CT4.5, Ngõ 6, phố Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam