Mua bán, Sáp nhập doanh nghiệp - M&A. Trình tự, thủ tục ?

MUA BÁN, SÁP NHẬP DOANH NGHIỆP. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ?

Hiện nay, nhu cầu mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) có xu hướng gia tăng, bao trùm trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nó phản ánh quy luật đào thải, thích ứng và phát triển… của nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng kinh tế toàn cầu. Dưới giác độ pháp lý (luật thực định), điều chỉnh các mối quan hệ này như thế nào ? Bài viết dưới đây Hãng Luật Anh Bằng thông tin tới Quý bạn đọc quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 về Mua bán, Sáp nhập doanh nghiệp.

I. Mua, bán doanh nghiệp tư nhân:

Theo Luật Doanh nghiệp 2020 thì chỉ có quy định về bán doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, vậy nên trên góc nhìn của Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp duy nhất hiên tại có thể thực hiện việc bán doanh nghiệp. Điều 192 quy định:

1. Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác.

2. Sau khi bán doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận khác.

3. Chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua doanh nghiệp tư nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.

4. Người mua doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật này.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Thủ tục đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân căn cứ vào Điều 47 Văn bản hợp nhất 902/VBHN-BKHĐT năm 2019 hợp nhất Nghị định về đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành:

 * Hồ sơ bao gồm:

- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có chữ ký của người bán, người tặng cho và người mua, người được tặng cho doanh nghiệp tư nhân đối với trường hợp bán, tặng cho doanh nghiệp tư nhân; chữ ký của người được thừa kế đối với trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết, mất tích;

- Bản sao hợp lệ một trong những giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định này của người mua, người được tặng cho doanh nghiệp tư nhân, người thừa kế;

- Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.

- Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.

- Hợp đồng mua bán, hợp đồng tặng cho doanh nghiệp hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng đối với trường hợp bán, tặng cho doanh nghiệp tư nhân; Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của người được thừa kế.

* Một số trường hợp đặc biệt:

- Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định.

- Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân theo quy định đối với doanh nghiệp tư nhân kinh doanh các ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.

* Trình tự thủ tục thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thay đổi doanh nghiệp tư nhân như hướng dẫn ở trên;

Bước 2: Nộp hồ sơ cho Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở;

Bước 3: Phòng đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và trao Giấy biên nhận cho doanh nghiệp;

Bước 4: Doanh nghiệp theo ngày hẹn trong biên nhận để nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tư nhân mới.

II. Mua bán doanh nghiệp thông qua việc mua bán cổ phần chi phối của doanh nghiệp:

Trên thực tế thì việc mua bán doanh nghiệp không bị giới hạn ở riêng doanh nghiệp tư nhân bởi cổ đông/thành viên trong công ty cổ phần, công ty TNHH có thể mua hay bán cổ phần, vốn góp bản thân sở hữu để từ bỏ hoặc tăng tầm ảnh hưởng cũng như khả năng chi phối của mình lên công ty thông qua thủ tục chuyển nhượng cổ phần, vốn góp. Trình tự thủ tục chuyển nhượng cổ phần được quy định tại Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020.

1. Đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập:

- Các bên liên quan ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

- Tiến hành lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần.

- Tổ chức cuộc họp Đại Hội đồng cổ đông để thông qua việc chuyển nhượng cổ phần.

- Tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông của công ty.

- Tiến hành đăng kí thay đổi nội dung đăng kí doanh nghiệp theo quy định.

* Thủ tục đăng kí thay đổi nội dung đăng kí doanh nghiệp:

- Cách thức thực hiện:

+ Trong thời hạn từ 03 đến 05 ngày theo luật định, nếu hồ sơ hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch và đầu tư sẽ gửi email xác nhận hồ sơ hợp lệ và yêu cầu người nộp hồ sơ tiến hành nộp bản gốc toàn bộ hồ sơ.

+ Sau khi Phòng đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ và xác nhận hồ sơ giống với bản nộp qua mạng điện tử, chuyên viên sẽ đóng dấu vào phiếu hẹn trả kết quả. Người nộp đơn chỉ cần đợi đến đúng thời gian đã đề trên phiếu hẹn để đến và nhận kết quả cuối cùng.

- Thành phần, số lượng hồ sơ:

1- Thông báo thay đổi nội dung đăng kí doanh nghiệp (do người đại diện theo pháp luật ký);

2- Quyết định bằng văn bản về việc thay đổi cổ đông sáng lập của Đại hội đồng cổ đông (do Chủ tịch hội đồng quản trị ký). Quyết định phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong Điều lệ công ty;

3- Bản sao biên bản họp về việc thay đổi cổ đông sáng lập của Đại hội đồng cổ đông (có chữ ký của chủ tọa và thư ký cuộc họp hoặc chữ ký của các cổ đông dự họp). Biên bản phải ghi rõ những nội dung được thay đổi trong Điều lệ công ty;

4- Danh sách các cổ đông sáng lập khi đã thay đổi;

5- Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và các giấy tờ chứng thực việc hoàn tất chuyển nhượng hoặc hợp đồng tặng cho cổ phần;

Văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với trường hợp quy định tại Điều 26 Luật Đầu tư (nếu có).

6- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân hoặc pháp nhân còn hiệu lực của cổ đông sáng lập mới:

- Cá nhân có quốc tịch Việt Nam: Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu;

- Cá nhân có quốc tịch nước ngoài: Hộ chiếu.

- Cổ đông sáng lập mới là tổ chức:

+ Quyết định thành lập; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế;

+ Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực như nêu trên của người đại diện theo ủy quyền và quyết định ủy quyền tương ứng.

+ Nếu cổ đông sáng lập mới là tổ chức nước ngoài thì các loại giấy tờ chứng thực nêu trên phải được hợp pháp hóa lãnh sự, có bản dịch sang tiếng Việt được xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

7- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế;

* Trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp thì người được ủy quyền phải nộp bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân (cụ thể: Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực; Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực), kèm theo:

+ Bản sao hợp lệ hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp; hoặc

+ Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp.

Các văn bản này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

Điều kiện: Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.

2. Đối với cổ phần phổ thông của cổ đông phổ thông:

- Các bên liên quan ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

- Tiến hành lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần.

- Tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông.

Lưu ý:

- Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ quản lý cổ đông sáng lập của công ty cổ phần, không trực tiếp quản lý đối với cổ đông phổ thông. Vì vậy, Doanh nghiệp chỉ phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp góp thêm vốn dẫn đến tăng vốn điều lệ hoặc chuyển nhượng cổ phần dẫn đến thay đổi cổ đông sáng lập của công ty.

- Trường hợp doanh nghiệp chỉ chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông phổ thông, không làm thay đổi vốn điều lệ, Công ty chỉ cần thực hiện thay đổi và lưu hồ sơ trong nội bộ của công ty, không cần thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh.

III. Sáp nhập công ty:

Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập (Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020).

1. Thành phần hồ sơ:

- Hợp đồng sáp nhập;

- Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty nhận sáp nhập;

- Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên sở hữu trên 65% vốn điều lệ của công ty bị sáp nhập;

- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của các công ty bị hợp nhất;

2. Trình tự thực hiện:

Bước 1 - Các công ty liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải gồm các nội dung chủ yếu sau: tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị sáp nhập; thủ tục và điều kiện sáp nhập; phương án sử dụng lao động; cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập; thời hạn thực hiện sáp nhập;

Bước 2 - Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập và tiến hành đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập theo quy định của Luật này. Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua;

Bước 3 - Cơ quan đăng ký kinh doanh tiến hành cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị sáp nhập trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho công ty nhận sáp nhập. Trường hợp công ty bị sáp nhập có địa chỉ trụ sở chính ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công ty nhận sáp nhập đặt trụ sở chính thì Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty nhận sáp nhập đặt trụ sở chính thông báo việc đăng ký doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty bị sáp nhập đặt trụ sở chính để cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị sáp nhập trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

* Trường hợp sau khi sáp nhập doanh nghiệp mà nội dung đăng ký doanh nghiệp của công ty nhận sáp nhập không thay đổi, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc sáp nhập doanh nghiệp, công ty nhận sáp nhập gửi Thông báo về việc bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục II-5 Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty nhận sáp nhập đặt trụ sở chính để thực hiện chấm dứt tồn tại của công ty bị sáp nhập.

* Lưu ý:

- Sau khi công ty nhận sáp nhập đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập. Các công ty nhận sáp nhập đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ, và lợi ích hợp pháp của các công ty bị sáp nhập theo hợp đồng sáp nhập.

- Các công ty thực hiện việc sáp nhập phải bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Cạnh tranh về sáp nhập công ty.

Hãng Luật Anh Bằng trân trọng được gửi tới Quý Bạn đọc tham khảo*. Nếu có vấn đề bận tâm về mua bán, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi…doanh nghiệp, xin mời liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ theo đường dây nóng: 0913 092 912 * 0982 692 912 * 0987 655 707.

Trân trọng.

〉〉 Hãng Luật Anh Bằng | Tư vấn | Doanh nghiệp | Đầu tư | Giấy phép | Thay đổi đăng ký doanh nghiệp | Sở hữu trí tuệ...

HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. since 2007 | VPGD: P. 905, Tòa nhà CT 4.5, ngõ 6, Phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội | Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 * E : luatsuanhbang@gmail.com | Hotline GĐ : 0913 092 912 - 0982 69 29 12 Luật sư Minh Bằng | Web: hangluatanhbang.vn

Share

Đường dây tư vấn nóng của HÃNG LUẬT ANH BẰNG

0913. 092. 912 - 0982 69 29 12
0243. 7.675.594 - 0243. 7. 673.930
luatsuanhbang@gmail.com
P.905, tầng 9 tòa nhà CT4.5, Ngõ 6, phố Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam