Quy định về tố tụng giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bằng trọng tài thương mại

QUY ĐỊNH VỀ TỐ TỤNG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH DOANH THƯƠNG MẠI BẰNG TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

Trong bối cảnh hội nhập, giao thương kinh tế quốc tế sâu rộng toàn cầu, việc xảy ra các tranh chấp thương mại là hoàn toàn tất yếu. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp giải quyết tranh chấp nhưng phương pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đang được xem trọng trên trường quốc tế và được nhiều quốc gia lựa chọn hàng đầu.

Theo quy định tại hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam, các quy phạm điềuchỉnh hoạt động trọng tài thương mại và cụ thể là tố tụng trọng tài thương mại được đề cập chi tiết tại Luật Trọng tài thương mại 2010 (sau đây gọi là “Luật TTTM 2010” cùng các văn bản hướng dẫn thi hành kèm theo. Có thể nói, tố tụng trọng tài là một trong những nội dung pháp lý quan trọng về pháp luật hình thức. Thông qua việc hiểu và nắm được bản chất của tố tụng trọng tài, biết được tiến trình thực hiện và triển khai hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại sẽ mang đến nhiều lợi ích về thời gian và tiền của.

Vậy, trước hết, điều kiện như nào sẽ được giải quyết tranh chấp bằng tố tụng trọng tài thương mại ?

Trọng tài quốc tế đang ngày được sử dụng rộng rãi nhằm giải quyết các tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực như: đầu tư, kinh doanh thương mại… có yếu tố nước ngoài. Đặc biệt, trọng tài đã trở thành một trong những phương thức được doanh nghiệp lưu ý khi nảy sinh các tranh chấp từ các hợp đồng thương mại quốc tế, nhất là hợp đồng mua bán ngoại thương.

Thứ nhất, theo Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010, điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài là phải có thỏa thuận trọng tài và thoả thuận trọng tài thương mại có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

Thỏa thuận trọng tài có thể là điều khoản về giải quyết tranh chấp đã được ghi trong hợp đồng hoặc thỏa thuận riêng, có thể là một Phụ lục đính kèm tại thời điểm ký Hợp đồng hoặc được các bên ký kết sau khi phát sinh tranh chấp với hình thức theo quy định tại Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010.

Như vậy, khi tranh chấp đã xảy ra và các bên muốn đưa ra giải quyết thông qua phương thức trọng tài thương mại thì lúc này các có thể lập thỏa thuận trọng tài với hình thức luật định và đáp ứng đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của một thỏa thuận trọng tài.

Điều 16 quy định về hình thức thoả thuận trọng tài như sau:

Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.

Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:

a) Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

b) Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;

c) Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;

d) Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;

đ) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

Thứ 2, Tuy nhiên, thỏa thuận trọng tài vẫn có thể bị vô hiệu trong một số trường hợp:

- Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, đó là trường hợp thỏa thuận trọng tài được xác lập để giải quyết tranh chấp không thuộc các trường hợp đã quy định về thẩm quyền của trọng tài thương mại tại điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010, đó là: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại;  Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

- Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, tức là người xác lập thỏa thuận trọng tài khi không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không phải là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền.

- Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự, tức là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

- Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 Luật Trọng tài thương mại đã nêu trên.

Tiếp theo, muốn hiểu rõ hơn về trọng tài thương mại chúng ta cần hiểu được quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp bằng tố tụng trọng tài thương mại ?

Theo quy định thì các bên xảy ra tranh chấp được phép thỏa thuận lựa chọn trọng tài, tuy nhiên chỉ áp dụng đối với những lĩnh vực mà pháp luật quy định trọng tài có thẩm quyền giải quyết đây là yếu tố đóng vai trò quyết định dẫn đến hiệu lực của thỏa thuận trọng tài, từ đó mới xác định được vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài. Năm 2010 Luật Trọng tài thương mại được ban hành đã có quy định về phạm vi thẩm quyền của Trọng tài cụ thể tại điều 2 về Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về Trọng tài: 

- Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại. Đối với trường hợp này thì các bên khi có tranh chấp xảy ra thì các bên đó đều phải có hoạt động thương mại theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 với tiêu chí hoạt động thương mại vì mục đích sinh lời. Theo đó, chủ thể của hoạt động thương mại bao gồm cả thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài. Hoạt động thương mại không chỉ được xác định là hoạt động của thương nhân mà còn bao gồm cả hoạt động của các cá nhân được pháp luật cho phép mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ và các hoạt động thương mại khác nhằm mục đích sinh lời nhưng không phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

- Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại. Trong trường hợp này, khi tranh chấp xảy ra thì chỉ cần một bên tranh chấp có hoạt động thương mại, bên còn lại tham gia với mục đích phi lợi nhuận, có nghĩa bên còn lại không phải là thương nhân cũng không phải là cá nhân thực hiện hoạt động thương mại. Theo quy định này thì dù tranh chấp xảy ra không phát sinh từ hoạt động thương mại của tất cả các bên tranh chấp nhưng trong quan hệ tranh chấp thì có một bên hoạt động thương mại và hành vi trong giao dịch của chủ thể này là hành vi thương mại hoặc tranh chấp đó có liên quan đến hoạt động thương mại thì được giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mạị.

- Tranh chấp khác mà pháp luật quy định đư­ợc giải quyết tại trọng tài. Trong trường hợp này thì chỉ cần pháp luật chuyên ngành quy định cho phép các bên tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài thương mại.

Cuối cùng, Các bước cơ bản của tố tụng trọng tài thương mại theo pháp luật Việt Nam ?

Theo quy định hiện hành của pháp luật trọng tài Việt Nam tại Luật TTTM 2010, hoạt động tố tụng trọng tài thương mại được tiến hành theo 5 bước cơ bản:

Bước 1: Khởi kiện và tự bảo vệ.

Khi có tranh chấp xảy ra, hai bên đã có thoả thuận giải quyết tranh chấp bằng tố tụng trọng tài, nguyên đơn khởi kiện theo quy định và gửi tới cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo điều 30 Luật TTTM năm 2010. Đơn khởi kiện bao gồm những nội dung cơ bản sau:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

b) Tên, địa chỉ của các bên; tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có;

c) Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp;

d) Cơ sở và chứng cứ khởi kiện, nếu có;

đ) Các yêu cầu cụ thể của nguyên đơn và giá trị vụ tranh chấp;

e) Tên, địa chỉ người được nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.

Thủ tục tố tụng trọng tài sẽ được xem là bắt đầu, cụ thể theo quy định tại điều 31 Luật TTTM 2010:

+ Trường hợp tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài, nếu các bên không có thỏa thuận khác, thì thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi Trung tâm trọng tài nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn.

+ Trường hợp tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nếu các bên không có thoả thuận khác, thì thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Bước 2: Thành lập hội đồng trọng tài.

Tuỳ từng trường hợp cụ thể, việc thành lập trọng tài với các thành viên cụ thể sẽ do các bên lựa chọn hoặc do các trọng tài viên khác lựa chọn hoặc do người có thẩm quyền tại Toà án lựa chọn theo quy định tại điều 31 của Luật TTTM 2010. Khi thành lập hội đồng trọng tài cần đảm bảo đáp ứng quy định về số lượng trọng tài viên có thể theo thỏa thuận hoặc nếu khôngcó thỏa thuận thì số lượng là 3 người.

Bước 3: Hội đồng trọng tài nghiên cứu hồ sơ và thực hiện một số công việc theo thẩm quyền.

Các trọng tài viên sự tiến hành nghiên cứu hồ sơ, nghiên cứu, đánh giá và xem xét các vấn đề liên quan, bao gồm cả "sự tồn tại, hiệu lực, tính khả thi của thoả thuận trọng tài và thẩm quyền của hội đồng trọng tài” để tiến hành giải quyết tranh chấp.

Bước 4: Giải quyết tranh chấp.

Phiên họp giải quyết tranh chấp sẽ do hội đồng trọng tài tiến hành tổ chức với thời gian và theo địa điểm do hội đồng trọng tài quyết định, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài có quy định khác. Pháp luật hiện hành không có quy định về việc giới hạn đối với thời gian tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp của hội đồng trọng tài và theo quy định tại điều 55 Luật TTTM 2010.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện tố tụng trọng tài, tùy theo yêu cầu của các bên, hội đồng trọng tài có thể tiến hành hòa giải các vấn đề liên quan trong tranh chấp với sự tham gia của các bên nhằm thương lượng, thỏa thuận. Tuy nhiên, việc hòa giải thương lượng chỉ được tiến hành khi có yêu cầu của các bên mà không phải thủ tục bắt buộc. Trường hợp hòa giải thành, hội đồng trọng tài lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận hòa giải thành. Theo đó, Điều 58 Luật TTTM 2010 quy định rằng: “Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài”.

Bước 5: Ra phán quyết trọng tài.

Trường hợp việc hòa giải không thành hoặc không tiến hành hòa giải, sau khi kết thúc phiên họp giải quyết tranh chấp, hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài trongthời gian quy định. Phán quyết tọng tài có giá trị chung thẩm (tức không bị xét xử lại) và có hiệu lực kể từ thời điểm được ban hành.

Tóm lại, có thể nói rằng, tố tụng trọng tài thương mại và quy định pháp luật về thủ tục tố tụng trọng tài thương mại là một trong những nội dung pháp luật hình thức quan trọng trong hệ thống pháp luật trọng tài. Thông qua bài viết, chúng ta có thể hiểu được một cách tổng quan và khái quát nhất về hoạt động trọng tài thương mại, tố tụngtrọng tài thương mại và các vấn đề pháp lý có liên quan, đặc biệt là về thủ tục tố tụng trọng tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Hãng Luật Anh Bằng trân trọng được gửi tới Quý Bạn đọc tham khảo*. Nếu có bất kỳ vấn đề pháp lỳ nào bận tâm tố tụng, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại theo tố tụng trọng tài thương mại hoặc tố tụng tòa án xin mời liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, trợ giúp pháp lý kịp thời. Đường dây nống tư vấn toàn quốc: 0243.7.675.594 (HC) | 0913 092 912 - 0982 692 912 (cả ngày Thứ 7, CN)

Trân trọng.

〉〉 Hãng Luật Anh Bằng | Luật sư tư vấn | Dân sự | HNGĐ | Kinh tế | Lao động | Hành chính | Tranh tụng | Đại diện ...

HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. Since 2007 | VPGD: P. 905, Tòa nhà CT 4.5, ngõ 6, Phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội | Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 * E : luatsuanhbang@gmail.com | Hotline GĐ : 0913 092 912 - 0982 69 29 12 Luật sư Minh Bằng | Web: hangluatanhbang.vn

Share

Đường dây tư vấn nóng của HÃNG LUẬT ANH BẰNG

0913. 092. 912 - 0982 69 29 12
0243. 7.675.594 - 0243. 7. 673.930
luatsuanhbang@gmail.com
P.905, tầng 9 tòa nhà CT4.5, Ngõ 6, phố Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam