Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự.

Trách nhiệm Bồi thường thiệt hại của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự.

Gần đây, nhiều vụ án oan sai trong lĩnh vực hình sự được phát hiện; để khắc phục hậu quả, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khẩn trương tiến hành thực hiện trách nhiệm bồi thường cho những người bị thiệt hại, có thể kể đến vụ án của Ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), vụ án ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận)... Với mục đích bảo đảm quyền con người, quyền tự do và các quyền cơ bản khác của công dân, Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 đã quy định nguyên tắc Bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự (Điều 31). Trên cơ sở đó những quy định trong Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017 (Luật TNBTCNN) góp phần hoàn thiện khung pháp lý về bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. 

1. Về phạm vi trách nhiệm bồi thường:

Phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự được quy định cụ thể tại Điều 18 Luật TNBTCNN bao gồm 10 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp được bổ sung mới so với Luật TNBTCNN 2009, đó là:

Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật ( khoản 1 Điều 18)”  và  “Pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi của pháp nhân không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được pháp nhân đã thực hiện tội phạm và pháp nhân đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật ( khoản 9 Điều 18)”.

Đây là sự bổ sung kịp thời và hoàn toàn phù hợp trong lĩnh vực tố tụng hình sự, nhất là khi Bộ Luật hình sự 2015 và Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực đã có nhiều sự thay đổi. Một trong những thay đổi lớn nhất là pháp nhân thương mại được bổ sung là chủ thể của tội phạm. Do vậy, nếu pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật thì sẽ được bồi thường như cá nhân.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

2. Về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của nhà nước:

Theo quy định của pháp luật về TNBTCNN thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây (Khoản 1 Điều 7).

“ a) Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này

b) Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này;

c) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.”

Như vậy nhà nước có trách nhiệm bồi thường trong tố tụng hình sự khi có căn cứ sau:

Một là: Có căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật TNBTCNN thì:  “ Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án”. Như vậy, trong quá trình thực hiện công vụ mà người thi hành công vụ nếu gây thiệt hại thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường. Do đó, căn cứ quan trọng trong việc bồi thường trong tố tụng hình sự là có hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Trong đó văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự  bao gồm:

 + Bản án của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường;

+ Quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường;

+  Văn bản khác theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật TNBTCNN.

Hai là: Có yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo điều 5 Luật TNBTCNN thì những người sau có quyền yêu cầu nhà nước bồi thường:

1. Người bị thiệt hại;

2. Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;

3. Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự;

4. Cá nhân, pháp nhân được những người quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.

Ba là: Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thiệt hại thực tế được xác định bao gồm: Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng; thiệt hại về tinh thần; thiệt hại về tài sản; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; các chi phí khác.

Bốn là: Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

3. Trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường:

- Thời hiệu yêu cầu bồi thường.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật TNBTCNN là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Luật nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật và trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự.

- Trình tự, thủ tục.

+ Người yêu cầu bồi thường nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan giải quyết bồi thường.

Trường hợp chưa xác định ngay được cơ quan giải quyết bồi thường, người yêu cầu bồi thường nộp hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi người bị thiệt hại cư trú hoặc có trụ sở. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác định cơ quan giải quyết bồi thường, chuyển hồ sơ đến cơ quan giải quyết bồi thường và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu bồi thường.

* Hồ sơ yêu cầu bổi thường bao gồm:

1. Trường hợp người bị thiệt hại trực tiếp yêu cầu bồi thường thì hồ sơ yêu cầu bồi thường bao gồm:

a) Văn bản yêu cầu bồi thường;

b) Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp người bị thiệt hại không được gửi hoặc không thể có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường;

c) Giấy tờ chứng minh nhân thân của người bị thiệt hại;

d) Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường (nếu có).

2. Trường hợp người yêu cầu bồi thường là người thừa kế (nếu có nhiều người thừa kế thì những người thừa kế đó phải cử ra một người đại diện) hoặc là người đại diện của người bị thiệt hại thì ngoài các tài liệu quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này, hồ sơ còn phải có các tài liệu sau đây:

a) Giấy tờ chứng minh nhân thân của người thừa kế, người đại diện của người bị thiệt hại;

b) Văn bản ủy quyền hợp pháp trong trường hợp đại diện theo ủy quyền;

c) Trường hợp người bị thiệt hại chết mà có di chúc thì người yêu cầu bồi thường phải cung cấp di chúc, trường hợp không có di chúc thì phải có văn bản hợp pháp về quyền thừa kế.

+ Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan giải quyết bồi thường phải thụ lý hồ sơ và vào sổ thụ lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật TNBTCNN

+ Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý hồ sơ, cơ quan giải quyết bồi thường phải cử người giải quyết bồi thường;

Việc thụ lý hồ sơ, không thụ lý hồ sơ và cử người giải quyết bồi thường phải được thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu bồi thường và cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước. Trường hợp không thụ lý hồ sơ thì phải trả lại hồ sơ và nêu rõ lý do; đối với trường hợp Yêu cầu bồi thường không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì hướng dẫn người yêu cầu bồi thường đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp đã thụ lý hồ sơ mà có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật TNBTCNN thì cơ quan giải quyết bồi thường dừng việc giải quyết, xóa tên vụ việc trong sổ thụ lý và trả lại hồ sơ cho người yêu cầu bồi thường.

Hãng Luật Anh Bằng (từ 2007), Chúng tôi hãng luật với gần nhiều năm kinh nghiệm, chuyên về tư vấn, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng liên quan trong các lĩnh vực tố tụng, thi hành án, hành chính...Quý vị có vấn đề bận tâm, băn khoăn liên quan, xin mời liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, trợ giúp và thụ hưởng dịch vụ Luật sư chuyên nghiệp, trách nhiệm, tận tâm. Điện thoại: 0243.7.673.930 - 0243.7.675.594 (HC); 0913 092 912 - 0982 69 29 12 (24/7). Email: luatsuanhbang@gmail.com.

Trân trọng.

〉〉 Hãng Luật Anh Bằng | Luật sư | Chuyên về Hình sự | Tranh tụng | Bào chữa | Bị can | Bị cáo | Người bị bắt | Tạm giam | Tạm giữ…

HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. since 2007 | VPGD: P. 905, Tòa nhà CT 4.5, Ngõ 6, Phố Dương Đình Nghệ, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam | Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 |E : luatsuanhbang@gmail.com * hangluatanhbang@gmail.com | Hotline GĐ : 0913 092 912 - 0982 69 29 12 Luật sư Minh Bằng

Share

Đường dây tư vấn nóng của HÃNG LUẬT ANH BẰNG

0913. 092. 912 - 0982 69 29 12
0243. 7.675.594 - 0243. 7. 673.930
luatsuanhbang@gmail.com
P.905, tầng 9 tòa nhà CT4.5, Ngõ 6, phố Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam